Các số liệu mới cập nhật của EVNHCMC cho thấy, sản lượng điện mùa nóng năm 2022 trong tháng 4-5 sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngay trong tháng 3, sản lượng tiêu thụ bình quân đã đạt 81,2 triệu kWh/ngày, tăng hơn 2,14% so cùng kỳ năm 2021 (79,5 triệu kWh/ngày). Đồng thời, sản lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 3 cũng tăng 19,78% so với tháng 1,2/2022.
Sản lượng điện bình quân của cả tháng 4/2022 có khả năng giảm nhẹ do ảnh hưởng của các cơn mưa đầu mùa, ở mức 79,5 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, sản lượng tháng 5/2022 sẽ tăng cao, đạt đỉnh điểm mùa khô và ở mức 81,22-84,35 triệu kWh/ngày.
Theo quy luật thời tiết, các tháng 3,4.5 hàng năm tại khu vực TP.HCM là đỉnh điểm của giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều nơi có thể lên hơn 370C và cảm nhận nhiệt độ buổi trưa có thể lên đến trên 40oC do hiện tượng bức xạ nhiệt.
Dự báo, nhu cầu sử dụng điện của nhóm khách hàng sinh hoạt tiếp tục tăng cao so với 2 tháng đầu năm khi người dân tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là thiết bị làm lạnh. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trong các tháng 3-4-5/2022 của nhóm khách hàng sinh hoạt sẽ tăng từ 14,15-38,34% so với 2 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết, đơn vị này và chủ đầu tư dự kiến làm khoảng 200 trạm sạc điện trong năm 2022 trên địa bàn TP để phục vụ nhu cầu về phương tiện sử dụng điện. Đến nay, đã có 65 trạm sạc hoạt động, chủ yếu các trạm nằm trong những khu đô thị lớn và là trạm sạc siêu nhanh (250kW).
Tuy nhiên, khó khăn trong việc lắp đặt trạm sạc cho ô tô điện là vấn đề liên quan đến dòng sạc. Bởi, để sạc nhanh thì cần dòng điện rất lớn, nếu tập trung nhiều trạm tại một khu vực thì ngành điện phải có dự phòng trước các vấn đề nếu phụ tải tăng đột biến, phản ứng kịp khi quá tải.
Trần Chung
Từ năm ngoái, hàng loạt kim loại cơ bản liên tục tăng giá nhưng không có loại nào chứng kiến giá bùng nổ như lithium.