Ngày 10/3/2017 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển công nghiệp liên tục được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Các bộ, ngành cũng đã thể chế hóa thành khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật bao quát khá đầy đủ các nội dung có liên quan đến chính sách công nghiệp quốc gia.

Các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành trong thời gian qua đã tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục trong nhiều năm.

Từ năm 2006 đến 2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần. Tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP cả nước. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong nhiều năm, lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân. Tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp trong mười năm 2006-2015 bình quân 6,9%/năm (giai đoạn 2006-2010 là 5,9%/năm và giai đoạn 2011-2015 là 7,9 %/năm).

Sau gần mười năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục (năm 2007 chiếm 78%, năm 2015 tăng lên chiếm 97,3%).

Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, phát triển công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Hiện khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp ngày càng lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong qúa trình phát triển công nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Ông Nguyễn Văn Bình chỉ rõ công nghiệp Việt Nam đang ở trình độ thấp, chủ yểu đang phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Cùng đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp chưa cao, thiếu bền vững. Năng suất lao động (NSLĐ) công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo còn ở mức thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/ năm, tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

So với các quốc gia trong khu vực, NSLĐ công nghiệp của Việt Nam, nhất là NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn khá thấp (Malaysia có mức NSLĐ ngành chế biến chế tạo cao gấp 6,4 lần, Thái Lan cao gấp 6,4 lần, Philippine gấp 3,6 lần).

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn còn khá thấp, đóng góp của yếu tố công nghệ đối với tăng năng suất của ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng 11,1%.

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng nền tảng sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, việc xây dựng khung khổ chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đồng bộ, hiệu quả nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 hết sức cần thiết.

Nhiệm vụ này đã được nêu rõ trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII (ngày 1/11/2016), cụ thể là "Xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Để khắc phục các yếu kém, cần phân tích, làm rõ các nút thắt, rào cản trong phát triển công nghiệp của Việt Nam; đề xuất quan điểm, mục tiêu của chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; làm rõ các trụ cột chính của chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp lớn của chính sách công nghiệp quốc gia.