Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ công bố các phát hiện mới về “thế giới đại dương” trong hệ Mặt Trời vào ngày 13/4, hứa hẹn nhiều bí mật về “sự sống ngoài Trái Đất”.
Trong thông báo, NASA cho biết cuộc họp báo sẽ được tổ chức tại khán phòng James Webb ở Washington vào lúc 7h tối 13/4 giờ Anh (2h sáng 14/4 giờ Việt Nam), quy tụ các chuyên gia trên khắp nước Mỹ.
Kênh CNN dẫn thông báo của NASA cho hay, các phát hiện này được thu thập bởi nhóm nghiên cứu ở trạm thiên văn vũ trụ Hubble và tàu du hành Cassini. Tàu Cassini trị giá 3,3 tỷ USD đã bay quanh quỹ đạo Sao Thổ từ năm 2004 và sẽ hoàn thành sứ mệnh trong năm nay.
Cassini đã tìm thấy vô số điều thú vị về Sao Thổ, bao gồm một đại dương lớn cho thấy các hoạt động nhiệt hạch trên mặt trăng lạnh Enceladus và các biển methane lỏng trên mặt trăng Titan của Sao Thổ.
“Những phát hiện mới này sẽ giúp ích cho quá trình khám phá thế giới đại dương trong tương lai – bao gồm cả nhiệm vụ của tàu Europa Clipper dự kiến phóng vào những năm 2020 – và tìm kiếm mở rộng sự sống ngoài Trái Đất”, NASA tuyên bố.
Sứ mệnh vũ trụ liên hành tinh Europa Clipper nhằm nghiên cứu mặt trăng Galilea của Sao Mộc và bề mặt đại dương tiềm năng của nó thông qua một tàu đổ bộ và các tàu vũ trụ.
Trái Đất của chúng ta được xem là một thế giới đại dương bởi nước bao phủ phần lớn bề mặt của hành tinh này. Các thế giới đại dương khác trong hệ Mặt Trời được các nhà khoa học liệt kê là có tiềm năng sinh sống bao gồm: các mặt trăng Europa, Ganymede và Callisto của Sao Mộc, mặt trăng Enceladus, Mimas và Titan của Sao Thổ và mặt trăng Triton của Sao Hải vương, cùng với hành tin lùn Pluto.
Giới chuyên gia tin rằng Sao Kim và Sao Hỏa từng là các thế giới đại dương, tuy nhiên hiệu ứng khí nhà kính và bầu khí quyển yếu ớt của hai hành tinh này đã khiến chúng mất đi yếu tố trên.
Theo Báo tin tức