Tại Hội thảo “Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay” diễn ra cuối năm ngoái, phát biểu đề dẫn Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, các dân tộc thiểu số có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó, trang phục là thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, bản sắc; là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, các dân tộc thiểu số đã tạo dựng được bản sắc riêng qua trang phục. Mỗi dân tộc đều có những bộ y phục riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần các giá trị truyền thống mỗi tộc người. Người phụ nữ Mông, Dao, Pà Thẻn, La Hủ... với bộ y phục màu sắc rực rỡ kết hợp với các hình thức trang trí đã tạo ra hiệu quả màu sắc, âm thanh. Thông qua trang phục truyền thống, các dân tộc thiểu số không chỉ thể hiện được “gu” thẩm mỹ mà còn phản ánh được tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí là cả cội nguồn hình thành, phát triển của dân tộc mình.
Điều khiến bà Hải Nhung quan ngại là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới; sự tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ.
Thực tế này khiến trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân rất ít người, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao… Mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là ở thế hệ trẻ cũng ngày càng ít dần.
Vì thế bà Hải Nhung và vị khách mời tham gia Hội thảo đã cùng nhau góp bàn giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống nói chung, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng, làm thế nào để các dân tộc thiểu số, làm sao để thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa… trong bối cảnh hiện nay.
Ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) chỉ ra thực trạng hiện nay chỉ trong các dịp lễ, tết, hội, đồng bào mới mặc trang phục truyền thống, nhưng được may bằng vải công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống nhau, bày bán trên thị trường. Việc không sử dụng trang phục truyền thống dân tộc mình ngày càng phổ biến ở một số dân tộc, nhất là nhóm dân tộc có dân số ít.
Ông Thắng dẫn chứng: Trang phục truyền thống của một số dân tộc bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, dẫn đến khó phân biệt trang phục của dân tộc nào. Nguyên nhân là bởi nhiều người cho rằng sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho công việc, sinh hoạt, vừa gây tốn kém. Trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ. Điều đó khiến đồng bào không còn mặn mà với nghề truyền thống. Các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một.
Bởi vậy, trong các ngày hội văn hóa, ngày hội văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, liên hoan bảo tồn di sản văn hóa được tổ chức gần đây, bao giờ cũng có hoạt động trình diễn, hội thi trang phục truyền thống giới thiệu trang phục truyền thống trong lễ hội và trong sinh hoạt đời thường.
Trong các tiết mục văn nghệ dân gian, yếu tố bắt buộc là phải mặc những bộ trang phục truyền thống. Đó chính là môi trường, là điều kiện, là không gian để trang phục truyền thống phô diễn vẻ đẹp, từ đó nâng cao nhận thức của đồng bào về giá trị đích thực của nghề dệt thổ cẩm, của trang phục dân tộc, để đồng bào cảm thấy trang phục truyền thống của dân tộc mình là rất đẹp, rất quý, nếu để mất đi thì không thể làm lại, không thể lấy lại được nữa.