Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Thời điểm chúng ta Đổi mới trùng với thời điểm thế giới hội nhập, chuyển qua giai đoạn mới. Cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin, hệ thống Internet (mạng toàn cầu) đã tác động vào tất cả các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Mạng toàn cầu cùng với sự phát triển vượt bậc của viễn thông đã giúp toàn thế giới vượt ra khỏi mọi giới hạn không gian chật hẹp, đưa thông tin liên lạc đến từng ngõ ngách, từng nhà.
Nhờ có Đổi mới cộng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ thế giới mà đời sống tinh thần được nâng lên rất nhiều |
Trong khi đem lại lợi ích rất lớn thì chính toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng về khoa học – công nghệ này cũng đồng thời đe dọa văn hóa dân tộc của các quốc gia. Mất văn hóa sẽ mất rất nhiều thứ, cho nên Liên Hiệp Quốc đã đề ra “Thập kỷ phát triển văn hóa” từ năm 1987 đến 1997 và kêu gọi khoan dung văn hóa, chấp nhận sự khác biệt của nhau. Bởi hội nhập sẽ có va chạm, nếu ai cũng lấy mình làm chuẩn thì làm sao hội nhập được.
Vì vậy, “khoan dung”, “chấp nhận sự khác biệt” là ứng xử cần thiết cho các nền văn hóa, các quốc gia trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Nước mạnh hơn chấp nhận nước yếu hơn, phương Tây chấp nhận phương Đông và ngược lại, cùng tôn trọng lẫn nhau.
Toàn thế giới quan tâm đến văn hóa, nên Việt Nam chúng ta không đứng ngoài được. Vấn đề là cách quan tâm như thế nào, mức độ ra sao.
Thời điểm trước Đổi mới, giai đoạn 1975-1985, trong các nghị quyết và văn kiện của Đảng mới nêu nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” một cách chung chung. Chỉ bắt đầu từ Đổi mới, văn hóa được quan tâm cụ thể hơn, sâu sát hơn.
Cụm từ “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” lần đầu tiên được nhắc đến trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH)” thông qua tại Đại hội VII (1991). Năm 1993, trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTƯ Đảng Khóa VII đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của CNXH”. Và năm 1998, Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ Đảng khoá VIII đã ra Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. So với thời kỳ trước, sự quan tâm hơn đến văn hóa dân tộc thể hiện ra ở một số kết quả rất cụ thể mà trước đó chưa thể nào có được.
Điều đầu tiên phải kể đến là mọi sinh hoạt trong xã hội cởi mở ra. Đời sống tinh thần và nhu cầu tâm linh được “cởi trói”. Các lễ hội được khôi phục, đình chùa miếu mạo được sửa sang, tôn giáo được phát triển…
Thứ hai, nhờ có Đổi mới cộng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ thế giới mà đời sống tinh thần được nâng lên rất nhiều. Làm sao trước đây có thể mơ được xem tivi có hàng trăm kênh, phim ảnh dồi dào suốt cả ngày, muốn xem gì có nấy, như bây giờ? Nhờ Đổi mới, mở cửa, nhân dân ta đã được tiếp cận, thụ hưởng những thành tựu của các nền văn hóa khác nhau. Phim ảnh sách báo dồi dào khiến đời sống tinh thần nhiều màu sắc, rực rỡ, phong phú hơn xưa. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận các giá trị văn hóa nghệ thuật mới, tiến bộ của thế giới.
Thứ ba, trong thời gian qua, công cuộc Đổi mới đã khẳng định được nhiều giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện qua số lượng các di sản được thế giới công nhận rất nhiều và rất ấn tượng. Tiềm năng về văn hóa dân tộc có dịp bung ra. Cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng; sản phẩm văn hóa vật chất lâu đời như cố đô Huế, hoàng thành Thăng Long; sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo như không gian cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ… Đó là những giá trị văn hóa dân tộc vô cùng đa dạng, phong phú của chúng ta đóng góp vào quá trình hội nhập quốc tế.
Những thành tựu này ít nhiều đã mang lại những giá trị và lợi ích, tác động đến người dân và xã hội ta thời gian qua. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường của nước ta còn chưa hoàn thiện, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, xã hội còn có nhiều bất công thì vai trò của văn hóa vô cùng quan trọng.
Nhờ có Đổi mới, văn hóa truyền thống được quan tâm nhiều hơn. Từ chỗ trước đây đặt nặng “lợi ích quốc tế” một cách có phần cực đoan, chúng ta có những lúc đã xem nhẹ yếu tố văn hóa dân tộc, thì nay văn hóa dân tộc được đặt đúng vị trí để phát huy vai trò của nó. Dù rằng quan tâm đến văn hóa là xu thế tất yếu trong giai đoạn toàn cầu hóa, song nếu không có Đổi mới, không thay đổi tư duy, thì sẽ không nắm bắt kịp thời xu thế, và chắc chắn chúng ta đã bị gạt ra bên lề.
Mỹ Hoà
Ảnh: Thu Hà