Lúc chưa sinh tôi đặt hàng trước với ba mẹ: “Ông bà nuôi cháu giúp con đi nhá, con còn bận rộn đi chỗ này chỗ nọ, không xách nó theo được đâu!”. Vậy mà đến lúc sinh xong rồi thì không hiểu sao lại chẳng buông được tay con ra. Xa con chẳng đặng, nên tôi không gửi con cho ai được lấy một ngày.

{keywords}

Lần đấu tranh tư tưởng dài nhất là khi tôi phải đi công tác Romania 2 tháng, lúc ấy Liam 15 tháng tuổi. Bao nhiêu là trăn trở. Ông bà bảo thay đổi khí hậu con sẽ trở bệnh. Sếp ngần ngại “xách con theo thì cô làm việc thế nào”. Cãi nhau với chồng “ai sẽ chăm con lúc em đến văn phòng”. Tôi cũng muốn bỏ cuộc để con ở nhà cho rồi. Nhưng tôi không làm được. Vì sao? Tôi nghĩ Liam chỉ lớn lên chứ không bao giờ quay nhỏ lại, và tôi không muốn mất đi hay vắng mặt trong những cái lần-đầu-tiên ấy của con.

Không phải hành trình nào với con cũng suôn sẻ và nên thơ. Không đếm hết những lúc phì phò đeo con nặng 8-10 kg lên dốc. Những lúc tay xách đồ, nách mang con, chạy hồng hộc trong phi trường cho kịp chuyến bay. Hay những khi trời mưa to gió bão, hai mẹ con cứ líu ríu trong cây dù nhỏ xíu. Có lần mém chút phải đi cấp cứu con ở Istanbul vì “ngộ độc” kebap. Có lần con lên cơn suyễn ở Tương Đàn lúc nửa đêm. Ôm con ngủ thiếp giữa một cái bệnh viện xa lạ, mà đầu tôi cứ lảng vảng đếm sao cho trời mau sáng.

{keywords}

Tôi cũng không thể quên lần Liam bùng phát cơn tam bành, nằm lăn ra đất, dậm chân, la lối, ăn vạ giữa sân bay San Francisco. Khi ấy tôi như nổ tung. Phát “điên”. Mệt mỏi. Căng thẳng. Nhục nhã. Cảm tưởng như mọi con mắt đang dồn hết vào mình. Tôi chỉ muốn bỏ con giữa đường mà chạy.

Nhiều lần trong những chuyến đi ấy tôi bị vỡ bục ra và khóc. Khóc một mình. Khóc giữa ga tàu. Khóc với người nhà. Khóc trước một đám đông xa lạ ở khu thắng cảnh. Khóc cả với Liam. Cậu nhóc ngạc nhiên không hiểu sao mẹ như quả bóng xì hơi. Chàng cứ di di cái ngón tay nhỏ xíu lên mũi tôi, chắc để an ủi.

{keywords}

Tôi thấy làm mẹ thật là khó quá. Làm một người mẹ không ở cố định một chỗ mà cứ dẫn con đi lung tung lại càng khó hơn. Thế nhưng đã trải qua nhiều hành trình qua châu Mỹ, Á, Âu cùng con, tôi không hối hận bất kỳ một giây phút nào địu con lên vai và đi. Nếu cho tôi lựa chọn lại, tôi cũng sẽ vẫn quyết định không để con ở nhà. Vì tim tôi tin chắc một điều, hai mẹ con tôi gắn bó và trưởng thành cùng nhau qua những ngúc ngoắc đó.

{keywords}


Khi Liam 2 tuần tuổi tôi bắt đầu dẫn con ra công viên chào hỏi cuộc đời. Tôi chọn ngày trời đẹp, không quá lạnh không quá nóng, không gió to cũng không nắng gắt. Tôi canh đi tầm giữa buổi chiều khi con vừa ngủ trưa dậy và bú no, tinh thần đang ở lúc sảng khoái. 

Tầm nhìn của bé lúc này vẫn còn mờ nên bé chưa thấy rõ khung cảnh xung quanh. Thế nhưng, khứu giác và thính giác đã hoàn thiện nên bé cảm nhận ngay sự thay đổi về môi trường. Khi tôi đưa các vật khác nhau: Một cánh hoa hồng, một cái lá non, một cành cây khô lên mũi cho bé ngửi, bé khụt khà khụt khịt khá lâu trước từng món, lại còn thích thú bật “à” lên một tiếng.

Trẻ em được “quăng” vào một thế giới phong phú bên ngoài sẽ có tư duy và giác quan tốt hơn những trẻ em bị bó hẹp trong khuôn khổ nhất định.

Chuyến đi xa thật sự đầu tiên cùng con là hành trình lái xe 900 km từ Branson đến Chicago giữa gió tuyết mùa Đông khi con 2 tháng tuổi. Tuy ngắn ngủi chỉ 3 ngày, nhưng bắt đầu củng cố niềm tin mãnh mẽ trong tôi “Địu con lên đi, không có gì là không thể.”

Trong 2 năm tiếp theo, Liam tiếp tục là người bạn đồng hành nhỏ cùng tôi dọc bờ Tây nước Mỹ, qua lại quê nội Trung Quốc - quê ngoại Việt Nam, băng ngang những cánh đồng hoa cải vàng ở Romania, nghe sóng biển Đen, vượt sa mạc xuyên Thung Lũng Chết.

Nhiều người cho rằng: Bé con miệng còn hôi sữa thì biết gì mà “cảm nhận thế giới”. Tôi thì nghĩ ngược lại. Trẻ em được “quăng” vào một thế giới phong phú bên ngoài sẽ có tư duy và giác quan tốt hơn những trẻ em bị bó hẹp trong khuôn khổ nhất định. Lý thuyết này càng thúc đẩy tôi địu Liam đi mọi nơi tôi đi. Tính thích nghi, khả năng quan sát và tư duy của con nhờ thế cũng được thúc đẩy. Vì con nhìn thấy cuộc sống làm từ rất nhiều thứ. Những thứ rất THẬT. Chứ không phải trong tranh.

{keywords}

Năm đầu tiên Liam còn quá bé để có thể hiểu “bay” nghĩa là gì. Những chuyến bay đối với Liam chỉ giống như là di chuyển sang một cái phòng khác trên mặt đất. Liam hứng thú với chuyện sờ mặt ghế máy bay, “hừm, sao nó không giống cái ghế ở nhà”. Ngó cả trăm khuôn mặt khác nhau đang ngồi xung quanh, “sao cái phòng ngủ này bữa nay nhiều người lạ thế”. Với con giai đoạn 0-12 tháng này, đi máy bay chỉ là ngủ - chơi, và chép chép ăn trong một khung cảnh lạ hơn bình thường.

Nhưng từ sau sinh nhật 1 tuổi, Liam bắt đầu nhận ra mình cao hơn mặt đất, với tay ra chắc là chạm được đến trời. Wow, mình bay! Liam lờ mờ hiểu khi nào được leo lên cái máy bay to đùng kia, mây sẽ rất gần, còn nhà cửa xe cộ, đồng lúa và biển xanh thì sẽ xa tít tắp bên dưới. Con bắt đầu chết mê chết mệt máy bay.

Những khu trò chơi dành cho con nít trong sân bay không còn giữ chân Liam lâu như hồi Liam 9 tháng được nữa. Thay vào đó, con chỉ muốn lon ton chạy lẹ vào phòng chờ, để nhìn những chiếc máy bay đang cất cánh, hạ cánh, di chuyển trên đường băng. Khi vào khoang máy bay rồi thì Liam lại tiếp tục dí mắt dí mũi vào cửa kính quan sát. Mồm a a chỉ chỏ các máy bay bên ngoài. Không gì hấp dẫn bằng lúc cất cánh và hạ cánh. Đặc biệt nếu là ở một thành phố lớn vào ban đêm, khi bên dưới là cả một rừng đèn nhấp nhánh như sao.

{keywords}

Từ những chuyến bay, Liam yêu tất cả những gì thuộc về bầu trời. Mây trắng. Mặt trăng. Ngôi sao. Đàn chim. Cầu vồng. Khi chơi xích đu ngoài công viên, cậu ấy cười khanh khách khi tôi nói cú đẩy đu đó sẽ đưa cậu ấy “Bay lên trời cao”. Nếu hôm nào, vào đúng lúc đang đu, có một chiếc máy bay xẹt ngang qua, Liam sẽ hét thật to. Như thể đó là điều kỳ diệu nhất, bất ngờ xuất hiện rồi vội vã mất đi.

Ba người bạn đầu đời ở nhà của Liam là mèo Panji, mèo Mimi và mèo Chip. Khi bập bẹ tập nói, một trong nhtững từ đầu tiên mà Liam bật ra thành tiếng là “mèo”. Thấy bạn chó to nhỏ nào đi ngang qua hay chú sóc nào nhảy vọt lên cây, Liam cũng phải dừng lại chỉ mẹ cho được. Còn bồ câu, thiên nga, hải âu và ngỗng thì mê thôi rồi. Góc công viên nào có chúng, Liam có thể chạy bắt cả buổi mà không chán.


{keywords}

 Vì thế khi đem con đi theo, tôi luôn phải kèm “sở thú”, hay “khu bảo tồn động vật” trong danh sách các điểm “phải” ghé. Như tôi ở Yangon có 4 ngày mà đi sở thú đến 2 lần. Thú vị nhất là khi gặp các loài động vật ngay trong môi trường sinh sống tự nhiên của chúng. Liam nghĩ rằng chú gấu bên gốc cây giữa rừng Yosemite rất đáng yêu. (Con cứ ôm tấm hình tôi chụp chú gấu này mà hôn chụt chụt). Con học “một, hai, ba” bằng cách chỉ tay đếm bò và ôm dê trong trang trại, ngắm nai thơ thẩn bên vệ đường.

Tuyệt vời nhất là khi bọn tôi gặp sư tử biển nằm lười và đùa chơi trên bãi cát dọc bờ biển Big Sur và San Diego. Tôi phải nói mãi Liam mới chịu miễn cưỡng giơ tay bye bye. Cậu bé 20 tháng chưa biết nói nhiều lời, nên cứ lôi áo tôi đòi được nán lại thêm một chút nữa.

Nhờ những chuyến đi, số lượng các loài động vật Liam gặp và thuộc lòng nhớ tên đã tăng vọt. Vốn từ ngữ và tình yêu dành cho động vật của con cũng lớn thêm lên bội phần. Tôi cũng nhân dịp này mà dạy con tôn trọng động vật. Liam từ từ hiểu ra rằng chỉ được vuốt nhẹ mèo và giữ một khoảng cách với nai. Chỉ được quan sát và lắng nghe chứ không được ném cây hay chọc phá. Các bạn thú ngày sau có tuyệt chủng hay không cũng nhờ tình yêu và phương pháp của tiếp cận mà người lớn bây giờ nhen nhóm vào đầu con nhỏ.

Những người bạn cùng trang lứa đầu tiên mà Liam gặp không phải là ở trong nhà trẻ hay khu xóm quanh nhà mà là trên những chuyến đi. Sự khác biệt văn hoá và ngôn ngữ không là rào cản cho các bé giao tiếp và vui đùa theo kiểu của chúng. Sau một vài khoảnh khắc lạ lẫm ban đầu, Liam đã chạy chơi đùa ngay với các bạn có màu tóc và nước da khác mình. Đang đi mà thấy các bạn nhỏ nam thanh nữ tú là Liam bỏ tay làm ngơ mẹ ngay. Con chìa tay rụt rè chạm tóc đụng các bạn ấy một tí để làm quen. Khi các bạn ấy đi xa rồi con vẫn còn đứng ngơ ngẩn.

Những tình bạn dọc đường chưa kịp chớm nở đã phải lìa xa. Liam còn nhỏ quá để có thể xin số điện thoại hay viết vội địa chỉ email. Về nhà con “tương tư”! Ôm lấy xấp ảnh tôi chụp, cậu chỉ vô “Thích bạn ý”. Những “bạn ý” của Liam đủ mọi màu da, có đủ kiểu tóc - từ xoăn đến thẳng, từ ngắn đến dài, đến cả loe ngoe vài cọng, nói đủ mọi thứ tiếng (vậy mà tụi nhỏ vẫn hiểu nhau mới hay chứ!).

Nhờ đi chung với Liam, tôi hưởng lây sự chú ý và gặp được một số lượng đáng kể những người tốt bụng xa lạ trên đường. Riêng Liam thì thu thập được kha khá quà từ những người mà con chỉ gặp một lần trong đời. Đó là bịch bánh từ hai bố con người Thái đang đi dạo trong công viên, một quyển sổ lưu niệm có in hình Istanbul của lão già bán hàng rong trên phà. Cái nón đỏ của một cô đứng đợi mua bánh mì ở Los Angeles. Và không thể đếm hết những nụ cười nựng yêu của những người vừa vụt qua và đi mất.

Với tôi, mỗi phút giây cùng con đi trên đường đều gắn với những câu chuyện và kỷ niệm không gì đánh đổi được. Đi với con là một trải nghiệm đầy ngọt ngào, bất ngờ và thiêng liêng. Tôi tin rằng những ai để bé ở nhà và đi một mình chắc chắn sẽ không bao giờ có được những khoảnh khắc vô giá ấy.

(Theo Trí thức trẻ)