- Một luật sư đại diện cho ngành du lịch Indonesia đang xem xét việc khởi kiện New7Wonders, tổ chức đứng ra phát động cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Ngay sau khi kết thúc cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, New7Wonders Foundation phát động tiếp cuộc bình chọn 7 thành phố kỳ quan mới của thế giới. |
Cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do New7Wonders Foundation đang gây nên những cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh cách thức bình chọn, giá trị của danh hiệu cũng như những khoản phí trên trời mà New7Wonders Foundation đưa ra. Hàng loạt các diễn đàn mạng trên thế giới đã lên tiếng bàn luận về cuộc bầu chọn bị cho là rất có vấn đề này.
New7Wonders Foundation bị tố đã đưa ra hàng loạt mức phí vô lý đến mức không thể chấp nhận được. Sau khoản phí đăng ký ban đầu 199 đô la, mỗi quốc gia có địa danh lọt vào cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới sẽ được đề nghị tham gia một chiến dịch quảng bá ở mức cao hơn, trên quy mô toàn cầu, và dĩ nhiên đi kèm với cuộc chơi này là những khoản phí khổng lồ mà không phải quốc gia nào cũng đáp ứng được trong một khoảng thời gian dài.
Không thể chạy theo những khoản
tiền trên trời theo yêu cầu của ban tổ chức, Chính phủ Maldives hồi tháng 5 đã
quyết định rút lui khỏi cuộc chơi này vì những khoản chi phí rất sốc từ nhà tổ
chức cuộc thi, lên tới nửa triệu đô la như tờ The Guardian của Anh đưa tin. Khi
đó Bộ trưởng Văn hóa Maldives, ông Thoyyib Mohamed có thông báo lý do về việc
quốc đảo này rút khỏi cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới là: "bởi
vì những yêu cầu không thể đáp ứng được về khoản tiền quá lớn mà tổ New7Wonders
yêu cầu".
Mặc dù đã tuyên bố rút lui từ lâu nhưng tên và hình ảnh của Maldives vẫn xuất hiện trong danh sách 28 địa danh lọt vào chung kết cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. |
Những yêu cầu này bao gồm "phí tài trợ" (tài trợ bạch kim: 350.000 đô la, tài trợ vàng: 210.000 đô la), tiền tài trợ cho một 'tour du lịch thế giới" mà Maldives phải trả cho phái đoàn của tổ chức New7Wonders tới thăm quốc đảo này bao gồm chi phí vé máy bay, ăn ở, phương tiện liên lạc cũng như một chuyến du ngoạn quốc đảo này trên khinh khí cầu... Theo các quan chức của ngành du lịch Maldives thì toàn bộ chi phí cho những dịch vụ này có thể lên tới nửa triệu đô la (khoảng 10 tỉ đồng).
Chưa hết, New7Wonders Foundation
còn thuyết phục nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Dhiraagu của Maldives trả 1
triệu đô la nếu muốn giành quyền tham gia chiến dịch bầu chọn này của
New7Wonders. Tuy nhiên sau đó New7Wonders đã giảm giá xuống nửa triệu đô la vì
Dhiraagu cho rằng mức giá đó là quá cao. Vì nhiều lý do nên Maldives đã quyết
rút khỏi cuộc bình chọn ngay cả khi đã bước vào giai đoạn nước rút.
Hồi tháng 8, tờ The Jakarta Post
đưa tin Chính phủ Indonesia, đại diện cho công viên quốc gia Komodo cũng tuyên
bố rút lui. Trước đó, tháng 2/2011, tờ Jakarta Post viết bài trích lời Bộ trưởng
du lịch Indonesia, Jero Wacik tiết lộ thông tin Bộ này nhận được một bức thư từ
New Open World Corporation ngày 29/12/2010 "dọa" rằng tổ chức này sẽ loại Komodo
ra khỏi danh sách bình chọn cuối cùng nếu như nước này từ chối trả 10 triệu đô
la phí bản quyền.
Công viên quốc gia Komodo dù đã rút khỏi cuộc bầu chọn nhưng vẫn có tên trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. |
Tuy nhiên, Eamonn Fitzgerald, người phát ngôn của New7Wonders Foundation cho hay toàn bộ cáo buộc trên là vô căn cứ và rằng toàn bộ số tiền thu được từ cuộc bầu chọn được dùng cho chiến dịch để duy trì cuộc chơi toàn cầu này. Ông này cũng cho hay một khoản phí cũng được dùng để quảng cáo cho tổ chức New7Wonders Foundation nhưng lại từ chối đưa ra con số chính xác.
Tony Juniper, một nhà hoạt động môi trường Anh quốc nói ý tưởng tổ chức cuộc bầu chọn này rất hay nhưng chỉ trên lý thuyết. Song, một khi nó đã dính dáng đến chuyện đóng phí thì cuộc bầu chọn này thực sự là một ý tưởng tồi, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.
Todung Mulya Lubis, luật sư đại diện cho Bộ Du lịch Indonesia cho biết nước này đang cân nhắc việc khởi kiện New7Wonders Foundation. "Chúng tôi muốn cho họ một bài học. Là một tổ chức thu hút sự quan tâm của thế giới, họ nên biết phải đối xử công bằng với tất cả các nước tham gia cuộc chơi", Todung trả lời trên tờ Guardian. Mặc dù đã từ chối trả phí và tham gia cuộc chơi nhưng đảo Maldives và công viên Komodo vẫn có tên trong danh sách bình chọn, thậm chí công viên Komodo còn có tên trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Câu hỏi đặt ra là công viên Komodo đã rút ra khỏi cuộc chơi có nghĩa là người dân cũng không được vận động để tham gia bình chọn cho kỳ quan của nước mình, Indonesia không phải chạy theo những khoản phí khổng lồ và vô lý mà New7Wonders yêu cầu mà vẫn giành chiến thắng, vậy độ tin cậy của cuộc chơi được đo đếm bằng lá phiếu này đến đâu?
Ngày 9/7/2007, tức là ngay sau khi New7Wonders công bố 7 kỳ quan mới của thế giới và liền sau đó là phát động cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc có ra Thông cáo báo chí chí khẳng định rằng UNESCO không liên quan gì đến chiến dịch "7 kỳ quan mới của thế giới". Nội dung của thông cáo này có
đoạn: "Để tránh bất cứ sự hiểu lầm đáng tiếc nào, UNESCO muốn khẳng định lại một
lần nữa là không có bất cứ mối liên hệ gì giữa chương trình Di sản văn hóa thế
giới của UNESCO, chương trình nhằm bảo vệ các di sản của thế giới với chiến dịch
hiện tại liên quan đến '7 kỳ quan mới của thế giới'. Chiến dịch này được phát động năm 2000 bởi một tổ chức tư nhân do Bernard Weber sáng lập, với ý tưởng khuyến khích người dân trên toàn thế giới tự chọn ra 7 kỳ quan mới thông qua phiếu bầu. Mặc dù UNESCO được mời để hỗ trợ dự án này nhưng tổ chức của chúng tôi quyết định không hợp tác với ông Weber". |