Sài Gòn không phải là một đô thị cổ với những khu phố thuộc hàng di sản văn hóa như Hà Nội hay Hội An nhưng thành phố cũng có nhiều địa danh nổi tiếng được lưu truyền từ thời xưa đến thời nay, trong đó có “Ngã tư quốc tế”.

Dù chỉ là một giao lộ bình thường giữa đường Đề Thám và Bùi Viện như hàng trăm hàng ngàn những giao lộ khác, nhưng khi đã được mang tên “Ngã tư quốc tế” thì chứng tỏ giao lộ này đã từ lâu cũng có nhiều chuyện đáng để thu hút thiên hạ…

Thực trạng phố Tây ba lô

Từ trước năm 1975, “Ngã tư quốc tế” là nơi tụ tập phần đông giới ký giả trong nước và nước ngoài tại các quán café và nhà hàng xung quanh, để tán gẫu cũng như bàn về tình hình thế sự trong nước và quốc tế... Sau năm 1975, khu vực này có một thời gian im ắng như để thăm dò tình hình thời cuộc rồi bất chợt “bùng nổ” thành một khu “dịch vụ tổng hợp” chuyên thu hút và phục vụ du khách nước ngoài theo dạng du lịch ba lô… Có thể nói, đây là một trong những khu vực nhộn nhịp nhất ở đất Sài Gòn hiện nay...

Hầu như không có căn nhà mặt tiền nào trong khu vực này lại để trống hoặc không kinh doanh. Từ những quán xá vỉa hè bình dân đến những quán bar, những điểm chăm sóc sức khỏe, những khách sạn và phòng trọ cho thuê cùng với hệ thống các cửa hiệu bán đồ lưu niệm, đồ gia dụng và các tiệm giặt ủi, tiệm thuốc tây, cho thuê xe máy… Tất cả đều hoạt động gần như thâu đêm suốt sáng để phục vụ cho những du khách đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.

{keywords}

Điểm đặc thù của các dịch vụ ở đây là giá cả khá “mềm” để phù hợp với túi tiền của những du khách đi du lịch “bụi”. Đêm đến khu phố Tây lại trở nên lung linh huyền ảo với ánh đèn quảng cáo của đủ mọi cửa hiệu tràn ngập cả khu vực. Tiếng nhạc xập xình phát ra từ các quán xá hòa cùng âm thanh quảng cáo đến từ các xe đẩy bán dạo đã tạo nên một không khí rộn rã cho cả khu phố đến tận sáng hôm sau...

Thế nên người ta mới gọi đây là khu phố không ngủ! Tiếng “lành” đồn xa, giờ đây khu phố Tây ba lô không chỉ dành riêng cho du khách nước ngoài mà còn là nơi hẹn hò của giới trẻ trong nước. Nếu có một cuộc thống kê về thành phần khách khứa đến vui chơi tại khu phố Tây hàng đêm thì có khi khách ta lại đông hơn khách Tây không chừng!?

Thả nổi hay quản lý?

Nếu có dịp đi ngang qua khu vực này vào lúc chiều tối, giới trẻ thì chắc chắn sẽ cảm thấy phấn khích vì sự sôi động và vui nhộn... Nhưng đối với những người có tuổi thì đây có vẻ như là một địa bàn phức tạp ẩn chứa những nguy cơ sâu xa về tệ nạn xã hội. Đó hầu như là đặc điểm chung của bất cứ một khu phố chuyên phục vụ khách du lịch ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Vấn đề là chính quyền địa phương có quản lý và kiểm soát tình hình hay thả nổi?

Thực tế là công an và dân phòng địa phương vẫn tuần tra thường xuyên tại khu vực này để vãn hồi trật tự trong trường hợp có vấn đề lộn xộn do khách khứa gây ra… Có một câu chuyện khá thú vị khiến mọi người phải suy nghĩ. Số là cách nay nhiều tháng, chính quyền địa phương có ra lệnh cấm các hộ kinh doanh để bàn ghế lấn chiếm vỉa hè tại khu vực này và ra một thời hạn để bắt đầu việc xử phạt nếu hộ nào vi phạm.

Từ thời gian ra thông báo đến thời gian bắt đầu áp dụng việc xử phạt cách nhau vài tuần nên cũng đủ cho các hộ chuẩn bị “phương án đối phó”. Và khi giờ G đã đến thì đồng loạt các quán đã áp dụng một phương án vừa thông minh, vừa độc đáo, vừa không vi phạm lệnh của chính quyền. Đó là họ sử dụng những tấm bố bọc vải hay những tấm nệm bọc cho khách ngồi lên vừa sạch sẽ, vừa mang đậm phong cách du lịch “bụi”! Phương án này đã được các du khách ba lô cùng các bạn trẻ trong nước hưởng ứng một cách nhiệt liệt. Họ cảm thấy rất thích thú khi ngồi bệt lai rai vài chai bia trên tấm nệm để dưới đất...

{keywords}

Nó chẳng khác nào những bàn nhậu trải chiếu ngồi bệt dưới đất theo phong cách miền quê dân dã... Phải chăng đó là một phương án “vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc” mà các quán đã nghĩ ra để đối phó với chính quyền sở tại?! Kết quả là chính quyền đã không thể xử phạt họ được và chẳng bao lâu sau đó đã bật đèn xanh cho họ để bàn ghế trên vỉa hè lại như cũ!

Giải pháp nào cho phố Tây ba lô?

Không cần phải là một chuyên gia kinh tế, nếu để ý thì ai cũng có thể dễ dàng thấy được là có một lượng ngoại tệ không hề nhỏ đã được đổ vào khu phố Tây ba lô này hàng ngày, hàng giờ qua một lượng du khách nhiều vô kể. Nếu nó được tổ chức tốt và bài bản thì không chỉ khách du lịch ba lô mà còn cả khách du lịch hạng sang chắc chắn cũng sẽ đến đây để giải trí và tiêu tiền… Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại thì người viết e rằng số khách du lịch hạng sang chắc chắn sẽ không dám bén mảng đến!

Đơn giản là vì đường sá tại khu vực này thì nhếch nhác, mất vệ sinh nhất là mỗi khi trời mưa hơi to một tí thì mọi người sẽ được chiêm ngưỡng ngay cái cảnh “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh”. Một số quán bar xô bồ rẻ tiền cho các tiếp viên ăn mặc hở hang ra ngồi ngoài vỉa hè để chào mời khách trông khá phản cảm...

Chưa kể các quán nhậu bình dân bày biện bàn ghế la liệt và để xe tràn xuống cả lòng đường gây nên cảnh tượng kẹt xe vào lúc cao điểm sau 6 giờ tối. Thế mới thấy nhu cầu của người dân trong việc kinh doanh phục vụ du khách ba lô là có thật và chính đáng. Vấn đề là chính quyền địa phương cần hỗ trợ họ kinh doanh và bảo vệ du khách như thế nào, tránh để tình trạng hoạt động tự phát dễ phát sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát về sau...

Bài viết này xin đóng góp một vài gợi ý nhỏ dưới góc độ một người làm nghề kiến trúc và xây dựng để các nhà quản lý đô thị tham khảo. Nên chăng, biến khu vực này thành phố đi bộ từ khoảng 7 giờ tối đến sáng hôm sau? Nên chăng, chính quyền hỗ trợ việc thi công chỉnh trang vỉa hè và cống thoát nước của toàn bộ khu vực này cho đồng bộ để phục vụ du khách tốt hơn? Nên chăng, chính quyền đầu tư chi phí mời các đơn vị tư vấn thiết kế để hỗ trợ việc thiết kế chỉnh trang, sơn phết lại toàn bộ mặt tiền của các nhà dân khu vực này với nhiều màu khác nhau sao cho sáng sủa, vui nhộn và bắt mắt hơn?

Có thể sáng tác ra một chủ đề, ví dụ như “không gian đa chủng tộc, đa sắc màu” tại khu phố Tây để mọi người cùng hưởng ứng? Những công việc này vừa giúp thu hút thêm du khách đến đây vui chơi hàng đêm, vừa giúp các hộ dân tại đây tăng thu nhập, vừa giúp chính quyền địa phương tăng thêm uy tín vì góp phần tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn tại trung tâm thành phố… Đó là những công việc ngắn hạn trước mắt có thể làm được ngay nếu chính quyền thực sự quan tâm và đầu tư kinh phí hoặc có thể kêu gọi xã hội hóa để các mạnh thường quân tài trợ thêm một phần kinh phí.

Xa hơn nữa, có một địa điểm lân cận khu vực này có thể giúp cho ngành du lịch thành phố thêm phát triển, đó là khu vực Công viên 23/9. Hiện khu vực này có vài công trình xây dang dở rồi cải tạo chắp vá để phục vụ cho các hoạt động vui chơi văn nghệ, hội chợ triển lãm cuối tuần hay dịp lễ Tết.

Tuy nhiên, các hoạt động này đều được thực hiện một cách manh mún, tạm bợ, thiếu bài bản. Nên chăng, chính quyền nghiên cứu để biến Công viên 23/9 thành khu Công viên văn hóa quốc tế để thu hút khách du lịch cao cấp lẫn ba lô, thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh của các nước trên thế giới và giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế một cách chính thống?

Muốn như thế cần phải có một đề án khả thi và qui hoạch chi tiết với nhiều hạng mục công trình xây dựng cụ thể, để phát triển khu vực này thành một địa điểm du lịch hấp dẫn cùng với khu phố Tây ba lô kế cận nhằm tăng thêm lợi nhuận cho ngành du lịch. Khi đó thành phố sẽ có một quần thể du lịch được tổ chức và quản lý bài bản bởi chính quyền sở tại chứ không phát triển xô bồ, tự phát như hiện nay. Mong lắm thay…

(KTS. Trần Phụng Tiên Phuông/Duyên dáng VN)