Hồi giữa năm 2000, dư luân xôn xao về việc ông Lê Viết Chữ (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) có đơn xin từ chức.
Sau đó, Bộ Chính trị đã ra quyết định cho thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Chữ. Ông có đơn xin từ chức sau khi bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo bởi những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân.
Ông Lê Viết Chữ khi còn đương nhiệm |
Nhiều ý kiến so sánh chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ở ta và ở nước ngoài quan niệm, hành xử với vấn đề từ chức như thế nào. Tuy nhiên, việc so sánh từ chức ở nhiều nước tiên tiến với ở ta còn nhiều khác biệt và không dễ để “áp” vào, nhất là văn hóa, quan niệm về chức quyền, công việc của người Việt vốn mang tập quán tự lâu đời.
Lịch sử dân tộc đã từng ghi nhận những tên tuổi lớn “treo ấn từ quan” khi còn đương chức như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến. Các vị ấy làm quan bằng tài đức thực sự của mình với tinh thần phụng sự tổ quốc cho nên việc từ quan cũng nhẹ bẫng.
Hoàng đế đầu tiên của triều Trần - Vua Trần Thái Tông (1218-1277) chỉ ở ngôi 32 năm (1226-1258), sau đó nhường lại cho con trai là Trần Thánh Tông. Bắt đầu từ đó, các đời vua nhà Trần có thông lệ chỉ giữ chức trong một thời gian nhất định, sau đó nhường ngôi lại cho con.
Chu Văn An (1292-1370) đời Trần. Khi tận mắt chứng kiến vua Trần Dụ Tông chỉ thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người không giữ phép, ông can không được mới làm sớ xin chém 7 nịnh thần. Sớ đệ vào không được trả lời, ông mới treo mũ từ quan về làng. Lời án trong “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi: Ông học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng... tìm trong làng Nho ở nước Việt ta từ trước tới nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không so sánh được...
Thời nhà Lê, đại thi hào Nguyễn Trãi cũng chỉ vì lời tâu không được vua thuận, bàn việc nhạc nhưng không hợp ý tham quan, bèn từ, không dự việc nước, xin về ở núi Côn Sơn làm thơ ngâm vịnh.
Thời nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc cao sĩ, năm 44 tuổi mới đi thi đỗ đầu kỳ thi Hương. “Lịch triều hiến chương loại chí” viết: Mùa xuân Ất Mùi năm Đại chính thứ 6 (1535), ông đến thi ở tỉnh, cả 4 trường đều đỗ đầu, vào thi Đình đỗ Trạng Nguyên cập đệ, trải làm đến Tả thị lang Bộ Lại kiêm Đại học sĩ Đông các. Ông ở triều được 8 năm, dâng sớ hặc bọn bề tôi lộng quyền 18 người và xin giết hết, trong đó có cả con rể ông là Phạm Dao cậy thế tung hoành. Vì thế, ông giả ốm nghỉ việc... Quan niệm sống của ông bộc bạch qua câu thơ: “Việc đời đến nơi, còn nói làm chi/ Hãy cứ uống rượu ngâm thơ bên bờ đầm tha hồ ngao du”.
Nguyễn Công Trứ (1778-1858), dù năm lần bảy lượt bị giáng chức, thậm chí có lúc bị đày tới cùng đinh, nhưng vẫn một lòng giữ vững ý chí, tìm cách vươn lên “Phải có danh gì với núi sông”. Tuy nhiên, những người như Nguyễn Công Trứ không nhiều. Và ông thực sự là tấm gương soi cho hậu thế.
Thực ra, kẻ sĩ thời xưa “treo ấn từ quan” bởi lẽ họ quá chú trọng đến việc giữ gìn danh tiết cho bản thân mà không coi trọng chính sự, nỗ lực tìm kiếm con đường ích nước lợi dân. Vì vậy, cứ có chuyện bất mãn với triều đình hoặc khinh ghét tham quan, nhũng nhiễu, tung hoành là bỏ về ở ẩn, mặc mọi sự cho nhân tình thế thái.
Từ quan hay từ chức là hai cách gọi khác nhau trong các thời kỳ lịch sử. Từ quan là khái niệm được sử dụng trong thời kỳ phong kiến khi quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước phong kiến nằm trong tay vua chúa, quan lại.
Trong xã hội ngày nay, khái niệm từ quan được thay bằng từ chức bởi bộ máy quan lại ngày xưa với bộ máy lãnh đạo trong xã hội chúng ta hiện nay khác nhau về bản chất. Xưa treo ấn từ quan vì không muốn làm trong bộ máy cai trị thực dân, phong kiến, vì không muốn những hành động của mình gián tiếp hay trực tiếp làm khổ dân. Ngày nay, từ chức vì những vi phạm bản thân hoặc thuộc trách nhiệm quản lý, từ chức vì không còn xứng đáng đứng trong bộ máy công quyền phục vụ nhân dân, từ chức vì nhân dân không còn tin tưởng nữa.
Điểm chung là từ chức ngày nay hay từ bỏ quan trường ngày xưa đều thể hiện yếu tố chủ quan, sự chủ động của bản thân mà xin rời vị trí đang nắm giữ. Như thế, hành động đó thể hiện được lòng tự trọng, danh dự cá nhân hay nói cách khác là “giữ liêm sỉ”, nó khác với việc bị áp dụng biện pháp cách chức, buộc thôi việc. Bởi thế, thời kỳ nào thì hành động chủ động rời bỏ địa vị, chức quyền khi nhận thấy mình không còn xứng đáng nữa, vẫn luôn là hành động được đề cao.
Bùi Hoa
Ảnh: Thảo Hiền