- Được chế tác từ khối đá mã não, một loại ngọc số 1 ở Việt Nam, tác phẩm Rồng Việt nặng 1,8 tấn, dài 3,3m được xem là một trong những tác phẩm đá nghệ thuật rồng đá bán quý lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Nhà sưu tập và chơi đá cảnh Vũ Hưng Long - người đang sở hữu tác phẩm “Rồng Việt” cho biết, tác phẩm được chế tác từ khối đá mã não nặng đến 5,7 tấn, chiều dài 5m. Theo giới chuyên môn, tác phẩm này có giá khoảng một triệu đô.

Để có được thế uốn lượn tự nhiên hệt dáng rồng đang thăng theo mẫu hình tượng rồng thời Lê Nguyễn, nhóm thợ trạm khắc phải mất 11 tháng mới hoàn thành tác phẩm.

Tác phẩm được làm từ đá mã não, một loại ngọc số 1 ở Việt Nam.

“Khi chủ nhân đầu tiên của “Rồng Việt” đưa ra giới thiệu, tôi không nén nổi sự kinh ngạc về mức độ hoành tráng của tác phẩm. Viên đá chế tác ra tác phẩm này không chỉ có thế uốn lượn tự nhiên hệt dáng rồng đang thăng, mà sắc màu vàng của nó cũng quá lý tưởng để làm rồng”, anh Long nói.

“Sau khi tốp thợ bóc được lớp vỏ ngoài thô ráp màu xanh của khối đá là lộ ra màu vàng sóng sáng nguyên khối. Càng trùng hợp ngẫu nhiên hơn nữa tại những vị trí chọn tạc như mắt, râu, vảy rồng, chân rồng lại xuất hiện những vân đá màu xanh uốn lượn đúng ý.

Vì thế, hầu như nhóm thợ không mất công lắm trong việc tạo dáng cho tác phẩm này mà chỉ là gọt giũa, đánh bóng và làm nổi lên thần thái của khối đá cùng đường vân quyến rũ và các mảng màu huyền ảo”, anh Long kể thêm.

Lý giải việc chọn mẫu hình tượng rồng thời Lê Nguyễn, đuôi rồng chạm hình bông xoè để chạm khắc, thợ cả tạc tác phẩm rồng này nhớ lại: “Tạc rồng trên chất liệu đá bán quý tự nhiên sẽ khó hơn làm trên chất liệu khác. Do đó, chúng tôi chọn hình tượng rồng thời Lê Nguyễn để chế tác với phần đuôi rồng chạm hình buông xòe giúp tác phẩm rồng đá được cân đối và hài hòa hơn”.

Đuôi rồng trạm hình bông xòe tạo ra sự cân đối và hài hòa

Không chỉ được chế tác trên chất liệu đá bán quý mà tác phẩm này còn độc đáo bởi đường nét và vân đá tự nhiên trên tác phẩm, có thể xếp vào hàng độc nhất vô nhị ở nước ta.

Một mặt của thân rồng có màu vân vàng và xanh tươi trẻ rất đều, đẹp với thế rồng chân đang đạp mây thăng lên (thể hiện sức trẻ trung, mạnh mẽ, sung sức).

Còn ở mặt khác của rồng lại có điểm xuyết nhiều vân đồi mồi trên nền vàng – xanh sẫm hơn cùng thế rồng chụm chân đang lướt (thể hiện sự trầm tĩnh có tuổi nhưng viên mãn, thành đạt).

Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý - trang sức Việt Nam, một tác phẩm đá cảnh chỉ có giá trị thực sự khi người làm nên nó phải thổi được cái hồn của hình tượng mình định tạc vào trong đó, và khi lần đầu bắt gặp tác phẩm “Rồng Việt” ông đã thấy được điều đó.

Tác phẩm được đánh giá là đã thổi được "cái hồn" của rồng vào trong đó.
“Tôi không nói về kích thước, trọng lượng nhưng khi mới nhìn qua tác phẩm, tôi thấy được sự tài hoa của người thợ đạt đến trình độ điêu luyện khi họ đã đưa vào trong đó được cái hồn của con rồng, một con vật thể hiện cho sự quyền uy, mang chất thần”, GS Thị nhận xét.

Được biết, tác phẩm này đã từng được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và đã được ban tổ chức bình chọn là một trong hai tác phẩm tiêu biểu nhất mang đậm tính văn hóa Việt Nam của các hội sinh vật cảnh cả nước.

Kim Minh