- Những cái Tết “cô đơn” đôi khi để lại những dấu ấn khó quên nhất trong lòng người.


Những ngày Tết được sum vầy cùng gia đình khiến nhiều người trẻ không khỏi bâng khuâng khi nhớ đến những cái Tết “một mình” đã qua.  Dù chỉ là những kỉ niệm, nhưng chúng nhắc nhở cho mỗi người biết trân trọng và thương mến hơn mỗi giây phút bên người thân, nhất là giữa thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới đầy thiêng liêng.
Du học sinh đón Tết xa quê (Ảnh: VNN)

Từ nhỏ luôn được bao bọc trong vòng tay gia đình nên kỉ niệm phải đón Tết ở Trung Quốc của Nguyễn Thu Hà – Du học sinh ĐH Công Nghệ Hoa Đông - Thượng Hải thật sự đáng nhớ.

Hà chia sẻ: “Vì không có “duyên” mua vé máy bay nên Tết năm trước tôi đành phải ở lại Trung Quốc. Đó là cái Tết xa quê đầu tiên, và cũng là cái Tết tôi không thể nào quên được…”

Hai cô bạn cùng phòng đã về nhà, Hà chỉ còn một mình với một vài người bạn quen biết. Dù đã nghe kể nhiều về Tết Trung Quốc, nhưng cảm giác một người Việt lần đầu đón Tết với bạn bè ở thành phố Thượng Hải rộng lớn cũng thật khó tưởng tượng ra.
Hà nhớ lại: “Tết của SV Việt Nam ở Trung Quốc không có bánh chưng, giò… Còn những món như nem, canh xương, xôi nếp, thịt gà vẫn có. Trong số ba mươi người nay chỉ còn mười người cùng ở lại. Chúng tôi cùng đi chợ, nấu ăn. Mỗi người một quê, có người ở Huế, ở Hà Nội, Sài Gòn… lại góp một món ăn ngày Tết của quê mình.. Vốn vụng về bếp núc nên tôi chỉ là người dọn dẹp. Những người khác đến tham dự có thể mang thêm bia, rượu… góp vui. Bữa Tất niên vì thế cũng không kém phần vui vẻ. Nhưng cái không khí gia đình đầm ấm vẫn có gì đó rất khác, khiến tôi không khỏi bùi ngùi.  Sau bữa ăn, chúng tôi nhớ phong tục ở nhà, cũng bảo nhau thắp hương cầu xin một năm mới với nhiều may mắn trong học tập và công việc, cầu mong bình an, sức khỏe cho mọi người…”

Phút đông đủ đi qua, khi chỉ còn lại một mình thì nỗi chạnh lòng, nhớ nhà lại xâm chiếm lấy tâm hồn.

Hà bồi hồi nhớ lại: “Tôi tìm ra phố đêm để cảm nhận không khí Tết... Lúc ấy, bỗng dưng cảm giác ngồi cạnh nồi bánh chưng ở quê.. tự nhiên rớt nước mắt. Tôi tự hỏi, không biết giờ này bố mẹ đón giao thừa chưa nhỉ, Hà Nội đốt pháo hoa, từ trên sân thượng nhà tôi có thể nhìn thấy... Chắc mẹ đang ngồi xem ti vi, không biết bố có lên sân thượng nữa không...”

Những câu hỏi lan man ấy đủ để khiến cô gái trẻ buồn thiu suốt mấy ngày Tết…

Không có lần thứ hai

Trái với hoàn cảnh “bắt buộc” phải ăn Tết xa nhà, không ít người trẻ vì “sợ” những thủ tục rườm rà ngày Tết mà muốn tự tạo cho mình cái Tết thật sự thoải mái. Thế nhưng, thoải mái và vui vẻ đâu chưa thấy, lại có bạn trẻ buồn thiu ước “giá như”.

Nguyễn Thị  Minh Hằng – NV Kinh doanh một công ty Dược ở Cầu Diễn – Hà Nội chia sẻ:  “Năm ngoái mình đã “gan lỳ” ở lại Hà Nội cho tới mùng 2 Tết. Nhưng có lẽ sẽ  không có lần sau nữa!”

Vội vã về quê ngày Tết (Ảnh: Dân trí)

Quê ở Hải Phòng, Hằng thành thật chia sẻ, vì năm nào Tết cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa… cùng bố mẹ, nên khi được lên Hà Nội làm việc, cô đã ngầm tìm lý do để không phải về quê ăn Tết với bố mẹ năm đó.

“Mình đăng ký trực thay một chị bạn ở chỗ làm. Trực ngày mùng 2 Tết thôi, nhưng mình viện cớ thoái thác để không về nhà cả những ngày trước và sau đó” - Hằng nói.

Định ở lại Hà Nội một mình thử “chơi” Tết theo cách của mình, thế nhưng, mới chiều tối 30 Tết về nhà trọ vắng tanh vắng ngắt, Hằng đã nghe chút bồi hồi.

Đêm 30 lần mò ra Hồ Gươm Giao thừa, nhìn mọi người tay trong tay, mình thì cô đơn lẻ bóng, dù trước đó kiên cường mấy, Hằng cũng đã nản chí.

“Về đến nhà cũng khuya. Mở điện thoại gọi điện về nhà nghe bố mẹ xuýt xoa thương con gái làm việc vất vả, mình đã cảm thấy ăn năn lắm rồi. Lặng lẽ lôi đồ ăn đã chuẩn bị sẵn ra rồi lại ngao ngán, chẳng ăn được mấy. Sáng mùng Một lên tinh thần, mình thơ thẩn dạo phố phường, cảm nhận Hà Nội trong khí xuân vắng vẻ. Bất chợt thấy mình mình đơn côi, lại thèm được như mọi năm, được mẹ “dựng” dậy từ sáng, phát phong bao mừng tuổi rồi giục giã đi nấu ăn để kịp tới thăm hỏi, chúc Tết họ hàng… Định gọi điện về nhà, lại sợ bố mẹ sốt ruột nên thôi. Đến chiều tối, mẹ gọi điện xuống hỏi han, mình đã thèm “thú nhận” để chạy ào về nhà lắm rồi, nhưng lại “mắc” ngày trực. Vậy là lại lủi thủi qua ngày mùng Một. Đến sáng hôm sau, xong ca trực là mình ào ra bến xe bắt xe về, chẳng thiết gì nữa cả!”

Hà kết luận: “Tết nhất nếu ai còn điều kiện ở bên bố mẹ, gia đình, thì cố gắng thu xếp về với gia đình. Chắc phải những ai mạnh mẽ lắm mới có thể vui vẻ đón Tết xa gia đình, xa người thân. Còn với người yếu lòng như mình thì  đừng dại gì “thử” cả!”

Minh Tâm