Tỉnh Kagoshima ở vùng Kyushu miền Nam của Nhật Bản là nơi có nhiều núi lửa bậc nhất Nhật. Thế nhưng, giữa “muôn trùng vây” núi lửa, thì thiên nhiên ở đây cũng ưu đãi cho người dân tỉnh Kagoshima những của ngon vật lạ mà vùng khác hiếm có.

Giữa núi lửa vẫn phát triển công nghiệp mạnh mẽ

Khó có thể hình dung, ngay trên mảnh đất rất nhiều thiên tai như Kagoshima, người dân vẫn sống, phát triển công nghiệp, nông nghiệp… mà còn trở thành trung tâm công nghiệp của thời Minh Trị.

{keywords}
Dù núi lửa, thiên tai nhưng tỉnh Kagoshima lại là vùng đất phát triển công nghiệp nặng sớm bậc nhất Nhật Bản. Trong ảnh là lò than Terayama để chế tạo than trắng làm nhiệt liệu cho lò phản xạ

Riêng Kagoshima sở hữu ba trong tổng số 23 điểm của Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.

Hiện ba điểm di sản của Kagoshima chính là: Lò than Terayama để chế tạo than trắng làm nhiệt liệu cho lò phản xạ; kênh dẫn nước Sekiyoshi để tạo thuỷ lực cho các nhà máy công nghiệp Shuseikan; và lò phản xạ Shuseikan để nung sắt chế tạo súng đại bác trong khuôn viên vườn Senganen.

Đây là ba điểm quan trọng đánh dấu sự phát sinh của nền công nghiệp cận đại của Nhật Bản dưới sự lèo lái của lãnh chúa Shimazu Nariakira (gia tộc Satsuma).

Nơi duy nhất trên thế giới có tắm cát nóng

Địa lý với nhiều núi lửa đã giúp TP.Ibusuki, tỉnh Kagoshima thành trung tâm của thế giới về tắm onsen cát nóng. TP. Ibusuki có quần thể suối nước nóng và bồn tắm cát (sunamushi) duy nhất trên thế giới. Du khách sẽ có 10 phút được bỏ hết trang phục, mặc bộ yukata mềm mại rồi ngâm mình trên cát được làm nóng từ những dòng suối nước nóng tự nhiên bên dưới.

{keywords}
Đảo Sakurajima với núi lửa vẫn hoạt động với đầy tro bụi mỗi ngày, nhưng chính từ vùng đất này lại có quýt, củ cải khổng lồ và loài hoa trà làm tinh dầu, mỹ phẩm… nổi tiếng của Nhật Bản.

Nhân viên phục vụ sẽ lấy xẻng xúc cát được làm nóng nhờ dòng onsen bên dưới để phủ lên người du khách. Cát nóng khoảng 50 - 55 độ C thấm vào da thịt đưa đến cảm giác sảng khoái cảm nhận được ngay cho du khách. Sau khi ngâm trong cát nóng, du khách tiếp tục được vào tắm onsen nước khoáng nóng, xông hơi… Cảm giác nằm giữa bãi biển, trên mình phủ đầy cát ấm và ngắm nhìn ngọn núi lửa Sakurajima phía xa đang phun khói là một trải nghiệm khó quên trong đời.

{keywords}
Chỉ 10 phút trong cát nóng du khách có được một làn da mịn màng mà không có loại kem dưỡng da nào có thể so nổi

Không chỉ núi lửa Sakurajima, tỉnh Kagoshima còn có nhiều núi lửa đã ngưng hoạt động nhưng vẫn sừng sững như biểu tượng của vùng đất này. Nổi bật nhất là núi Kaimon (Kaimondake) bên cạnh hồ Ikeda. Núi Kaimon đã ngưng hoạt động sau đợt phun trào vào năm 885. Còn hồ Ikeda được hình thành sau một đợt núi lửa phun trào hơn 6.400 năm trước và là hồ hình thành từ núi lửa lớn nhất vùng Kyushu của Nhật Bản. Dọc hồ Ikeda nước xanh thẫm yên bình là công viên với cánh đồng hoa cải vàng hoặc hoa cúc sao nháy (hoa cosmos) ngập tràn trong gió.

{keywords}
Hồ Ikeda được tạo thành sau một trận phun trào núi lửa, giờ đây dọc hồ hoa cải vàng tạo thành không gian thanh bình cho những ai muốn gần thiên nhiên, thích sự yên tĩnh

Có lẽ hiếm vùng đất nào trên thế giới hứng chịu thiên tai nhiều như Nhật Bản, và cũng hiếm có nơi nào, di sản thế giới được công nhận nhiều như nơi đây. Càng thiên tai thách thức, người Nhật càng tận dụng nó cho đời sống của mình. Nó như câu chuyện của người dân vùng núi lửa - Đảo Sakurajima,.ngày ngày.vẫn sống ở đó trồng cam, trồng cải, ngắm ngọn núi lửa như niềm tự hào và cũng canh chừng nó “giở trò” thiêu rụi tất cả.

Trang Dương