Trong 18 năm, 3 dự án tài chính nông thôn với mô hình ngân hàng bán buôn đã thực hiện thành công ở VN, góp phần giúp nền kinh tế vượt qua 2 cuộc khủng hoảng tài chính khắc nghiệt của khu vực và thế giới (1997 và 2007).

Ra đời từ cách đây nhiều năm, mô hình Ngân hàng bán buôn đang ngày càng được chú trọng trên thị trường tài chính ngân hàng. Sự liên kết, trợ giúp chặt chẽ giữa một ngân hàng đóng vai trò phụ trách và các ngân hàng bán lẻ, các quỹ… đang cho thấy một mô hình phát triển cực kỳ bền vững.

Liên kết tạo nên sức mạnh

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một ví dụ tiêu biểu với mô hình Ngân hàng bán buôn khi thực hiện thành công 3 dự án “Tài chính nông thôn” (TCNT) với nguồn vốn 548 triệu USD được tài trợ từ Ngân hàng thế giới (WB).

Được chuyển giao vai trò Ngân hàng đầu mối của Dự án TCNT I từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ năm 1999, chỉ 10 năm sau, BIDV đã tạo nên một sự kiện chưa có tiền lệ trong tài trợ vốn ODA của WB dành cho các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng khi dự án TCNT III được tiếp tục triển khai với số vốn 235 triệu USD khi dự án II vẫn chưa kết thúc.

Trên thực tế, mô hình mà BIDV triển khai rất hiệu quả với vai trò trung gian - cầu nối giữa các cơ quan Chính phủ và các định chế tài chính. Không dừng lại ở việc cấp vốn tín dụng, BIDV còn đóng vai trò hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật, đào tạo, đánh giá năng lực… nâng cao thể chế cho 21 NHTM, 9 Quỹ tín dụng nhân dân, các Hiệp hội…

Thời điểm ban đầu khi tham gia dự án năm 2009, chỉ có 12/29 đơn vị đáp ứng được 4/5 tiêu chí về chỉ số hoạt động chính (bao gồm tỷ lệ giái hạn nợ xấu, an toàn vốn, khả năng thanh khoản…). Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 22/29 chỉ sau 3 năm và số đơn vị đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí cũng tăng lên 8 đơn vị thay vì chỉ 6 như ban đầu.

Để có được những sự biến chuyển vượt bậc này của các ngân hàng, trong suốt 18 năm triển khai chuỗi 3 dự án TCNT, BIDV đã tổ chức 1.600 khóa đào tạo trong và ngoài nước về mọi lĩnh vực với sự tham dự của trên 50.000 lượt cán bộ. “Dự án đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của tất cả cán bộ Quỹ. Cách thức làm việc của chúng tôi cũng trở nên thiết thực, nhạy bén hơn trước rất nhiều” - ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Quỹ Tín dụng Nhân dân thị trấn nông trường Mộc Châu chia sẻ.

{keywords}
Tác phong làm việc của cán bộ Quỹ Tín dụng Nhân dân Mộc Châu đã chuyên nghiệp hơn

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, việc triển khai 3 dự án TCNT đã kết thúc nhưng sự thành công vượt trội của dự án khiến cho việc sử dụng các nguồn vốn từ các quỹ quay vòng của dự án vẫn còn được tiếp tục trong thời gian dài trước mắt.

Xu hướng tất yếu

Mô hình Ngân hàng bán buôn với nguồn vốn tài trợ của WB trong khuôn khổ Dự án TCNT của BIDV cho đến nay vẫn được xem là mô hình duy nhất.

Sự bền vững là một trong những yếu tố đầu tiên để mô hình này được đề cao trong xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng.

Dự ánTCNT không tạo ra bất cứ gánh nặng nào về mặt tài chính đối với Ngân sách Nhà nước bởi tỷ lệ hoàn trả vốn gốc và lãi từ các đơn vị tới Ngân hàng bán buôn và từ Ngân hàng bán buôn đối với Bộ Tài Chính luôn đạt 100% kế hoạch. Nhờ đó Dự án được coi là bệ đỡ ổn định, bền vững cho ngân sách Nhà nước trong việc lập kế hoạch trả nợ nước ngoài của Chính phủ VN đối với các nhà tài trợ hàng năm.

Bên cạnh đó, mô hình này cũng đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về tính bền vững nguồn vốn, bền vững về mặt kết cấu… đủ sức đương đầu với những biến động về kinh tế.

“Dự án TCNT được thực hiện với mô hình bán buôn đã góp phần vượt qua 2 cuộc khủng hoàng tài chính khắc nghiệt của khu vực và thế giới năm 1997 và 2007. Chính vì vậy, có thể tin rằng, các mô hình Ngân hàng bán buôn được triển khai sau này có thể đạt những hiệu quả như mong đợi” - một chuyên gia tài chính cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, lựa chọn được một Ngân hàng có đủ năng lực tài chính và quản trị làm Ngân hàng Bán buôn, và có sự cam kết cao từ phía Ban Lãnh đạo của Ngân hàng này đối với dự án là một yếu tố vô cùng quan trọng đảm bảo cho sự thành công của dự án.

“Vai trò của mô hình bán buôn rất là quan trọng. Tổ chức này, trong Dự án này là BIDV, thực hiện phân phối lại nguồn vốn. Do đó bản thân họ phải có chế tài quản lý tốt, ở một tầm cỡ nhất định, có uy tín, có năng lực đánh giá các định chế tài chính khác tham gia vào chương trình, nhận được sự tin tưởng của các bên cũng như xử lý các vấn đề phát sinh đảm bảo cho dự án hoạt động trôi chảy” - Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Điều này cũng đặt ra một thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng thương mại lớn hiện nay, khi mà để có thể giữ vai trò “tiên phong”, cần phải có một sự chuyển mình rõ rệt, tạo được sự tin tưởng của khách hàng cũng như các đối tác đến từ nước ngoài.

Minh Nguyên