"Bài học lớn nhất với người làm ngân hàng là phải biết tiết chế lòng tham. Quá nhiều tiền do làm ăn không minh bạch, vi phạm pháp luật thực ra chỉ có hại, nếu đời này không bị pháp luật trừng trị đi nữa thì đời sau cũng phải chịu quả báo" - chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn.


Suốt bao năm qua, với tư cách là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, luôn trong tâm điểm của những cơn bão kinh tế, với sự điềm tĩnh hiếm thấy và khả năng nhìn xa trông rộng, ông bền bỉ góp tiếng nói phản biện quyết liệt vào những vấn đề hệ trọng của đất nước. Ngoài kinh doanh, giảng dạy, tư vấn, ông còn là một cây bút sắc sảo, nhạy cảm với những vấn đề thời cuộc.

- Sự cố rút tiền ngân hàng gần đây chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và đã được ngân hàng Nhà nước khắc phục cơ bản ngay sau đó, nhưng Fitch (cơ quan đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế) vẫn cho rằng các ngân hàng Việt Nam rất dễ tổn thương. Là người theo sát các cú sốc lớn của ngân hàng suốt nhiều năm qua, ông nghĩ gì về “lỗi hệ thống” của ngân hàng Việt Nam?

Nhìn lại quá trình phát triển ngân hàng từ đổi mới đến nay, có thể thấy từ Chính phủ, hệ thống ngân hàng, các nhà làm ngân hàng đến người dân đều có ước vọng, mong muốn, hành động thực sự để hệ thống ngân hàng ngày càng tốt hơn. Rõ ràng hệ thống ngân hàng bây giờ so với trước lớn hơn nhiều, nhưng lớn hơn có đi với an toàn hơn không? Tôi nghĩ sự an toàn của hệ thống ngân hàng hiện nay nằm ở phạm trù đạo đức nhiều hơn là chuyên môn.

Thực ra, người ta có thể trang bị công nghệ cao, tuyển những người được đào tạo tốt trong và ngoài nước, hết lòng xây dựng những chuẩn mực về ISO… Nhưng trong hệ thống ngân hàng, sự lương thiện và đạo đức mới quyết định tính an toàn cho hệ thống. Nói lương thiện và đạo đức ở đây không phải là hoạt động từ thiện, kinh doanh ngân hàng cũng vì lợi nhuận. Nhưng người làm ngân hàng, chủ ngân hàng hoạt động trên đồng tiền của người khác, vốn tự mình bỏ ra ít lắm. Ở các nước, tỷ lệ cho phép giữa vốn huy động người khác và vốn sở hữu của ngân hàng thường gấp tám lần trở lên. Khi kinh tế đang phát triển, ngân hàng trung ương có thể nâng tỷ lệ này lên, nhưng cao nhất cũng không quá 12 lần.

(Chân dung hội họa: Hoàng Tường)

Nói như vậy để hiểu rằng người chủ ngân hàng lương thiện phải có trách nhiệm bảo vệ đồng tiền của người gửi tiền và coi sự an toàn của đồng tiền đó trên cả mục tiêu lợi nhuận. Hoạt động vì lợi nhuận, nhưng đừng quá tham.

Từ xưa tới giờ ở các nước, người làm ngân hàng phải là người bảo thủ, chứ không phải là người táo bạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để có nhiều lợi nhuận. Đây là nguyên tắc mà các ngân hàng thương mại cần tôn trọng. Luật lệ và sự kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng trung ương là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, nhưng sự an toàn của hệ thống chủ yếu tuỳ thuộc vào các giá trị đạo đức và chuẩn mực kinh doanh mà chủ ngân hàng và người điều hành ngân hàng thực sự tôn trọng. Khi đồng tiền tiết kiệm của người dân được bảo vệ tốt thì tín nhiệm của người dân và hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên, từ đó hệ thống ngân hàng mới có được một nền móng vững chắc để phát triển.

- Nhưng làm thế nào để giữ được đạo đức và sự lương thiện của từng cá nhân, khi toàn hệ thống đang chạy theo một guồng quay chóng mặt?

Sự bùng nổ cổ phiếu ngân hàng trong thời kỳ 2005 – 2007 đã tạo nên một xác tín rằng lúc ấy, ai có được một giấy phép hoạt động ngân hàng trong tay là lập tức trở thành tỉ phú. Trong cơn lốc đó, nhiều ngân hàng nông thôn được biến thành đô thị, giá cổ phiếu ngân hàng cao ngất ngưởng, các cổ đông lớn của ngân hàng nghiễm nhiên trở thành các đại gia. Sự quyến rũ của lợi nhuận cùng với quá trình phồng bong bóng của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán khiến họ nhanh chóng đầu tư vào chứng khoán và bất động sản giống như lao vô canh bạc mà không hề nghĩ đến rủi ro, nhất là khi có thể dễ dàng sử dụng các nguồn tiền của người khác.

Trong vòng xoáy của lợi nhuận, khó ai có thể giữ được cho mình một cái đầu tỉnh táo chứ đừng nói là giữ được các nguyên tắc đạo đức và ý thức về trách nhiệm. Chỉ khi nào bong bóng vỡ, người ta mới tỉnh ngộ, nhưng lúc đó phóng lao thì phải theo lao, ít ai có thể dễ dàng rời khỏi lưng cọp khi con cọp đang phóng nhanh. Cuối cùng, khi dòng tiền đã đứt đoạn, giới chủ ngân hàng chỉ còn hai cách chọn lựa: một là đứng với nhau để tiếp máu cho nhau, hai là gom một ai đó để được truyền máu, tức là hoặc hợp nhất hoặc thâu tóm.

- Nợ dưới chuẩn của Việt Nam vẫn còn rất cao cùng với sự thiếu minh bạch về tài chính, điều này có nghĩa vốn thực sự của các ngân hàng tại Việt Nam có thể thấp hơn những gì họ báo cáo. Nợ xấu tăng mạnh gây nguy cơ gì cho toàn hệ thống?

Rủi ro là có, nhưng tôi nghĩ nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát và khắc phục của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước nên người dân không có gì phải lo ngại. Nhưng cú sốc vừa rồi cho thấy cần thiết phải xây dựng bền vững một trật tự luật pháp và đạo đức cho toàn hệ thống ngân hàng nước ta. Chỉ khi nào trật tự đó được thiết lập ổn định và được mọi người cùng nhau duy trì và tôn trọng thì hệ thống mới có thể vận hành tốt trở lại, hoạt động một cách chuyên nghiệp, lành mạnh và minh bạch, lòng tin của người dân mới được phục hồi.


- Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại trên sàn chứng khoán qua cú sốc vừa rồi không nhỏ, ông có nghĩ đến nguy cơ sập sàn?

Đó mới chỉ là thiệt hại trên sổ sách. Nguy cơ sập sàn kéo dài là không có, nhưng điều đáng lo hơn là sự thiệt hại về niềm tin. Có nghĩa là chúng ta cần có những hành động quyết liệt để tái lập trật tự, không thể để người dân chờ đợi quá lâu. Không thế che lấp, lấy thúng úp voi. Bây giờ là thời đại của thông tin, và của nhiễu thông tin, các loại thông tin đúng sai đều có phương tiện để mọi hành động lan truyền rất nhanh. Do đó, việc thông tin chính xác rõ ràng cho dân biết qua các phương tiện truyền thông đại chúng là điều cần thiết. Qua sự cố vừa rồi, chúng ta cũng thấy rõ dân vẫn còn niềm tin vào ngân hàng, vậy thì đừng để niềm tin ấy bị mất mát. Điều đáng quý là người dân cũng đã có kinh nghiệm, chỉ có một số ít ban đầu lo lắng, đa phần rất bình tĩnh.

- Những bài học quý nào chúng ta cần nhận rõ qua cú sốc vừa rồi, thưa ông?

Phải có một ý thức thượng tôn pháp luật, một sự đồng thuận trong việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh và việc thực thi nghiêm minh luật pháp. Bài học lớn nhất với người làm ngân hàng là phải biết tiết chế lòng tham. Quá nhiều tiền do làm ăn không minh bạch, vi phạm pháp luật thực ra chỉ có hại, nếu đời này không bị pháp luật trừng trị đi nữa thì đời sau cũng phải chịu quả báo. Nguy cơ tham nhũng là nghiêm trọng, nhưng nguy cơ lợi ích nhóm lũng đoạn không chỉ hệ thống ngân hàng mà cả nền kinh tế cũng nghiêm trọng không kém, nhất là trong tình hình hiện nay, khi chúng ta cần một sự đồng thuận xã hội rộng rãi của toàn thể cộng đồng để xây dựng đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

- Bàn về tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân, nhiều phân tích cho thấy chỉ cần giảm 1/3 đầu tư công từ ngân sách nhà nước, chúng ta đã có thể đạt đến mức cân đối ngân sách, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Cú sốc vừa rồi cho thấy cần thiết phải xây dựng bền vững một trật tự luật pháp và đạo đức cho toàn hệ thống ngân hàng nước ta. Chỉ khi nào trật tự đó được thiết lập ổn định và được mọi người cùng nhau duy trì và tôn trọng thì hệ thống mới có thể vận hành tốt trở lại, hoạt động một cách chuyên nghiệp, lành mạnh và minh bạch, lòng tin của người dân mới được phục hồi.

Một mục tiêu chính yếu của việc tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân là sung dụng hiệu quả các nguồn lực quốc gia. Hiện nay, các chuyên gia kinh tế trong ngoài nước và các tổ chức quốc tế đều nhận thấy rằng một tỷ lệ lớn của đầu tư công cho các tập đoàn quốc doanh có hiệu quả đầu tư rất thấp. Chính vì vậy nếu có thể cắt giảm khoản đầu tư này, chiếm hơn 1/3 tổng đầu tư nhà nước từ ngân sách quốc gia, ngân sách đã có thể tiến đến quân bình và đó chính là điều kiện tốt để có thể giảm thuế, giảm phí, giúp các doanh nghiệp dân doanh Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh của họ trong nước và quốc tế.

- Việc giảm bớt đầu tư công cho các doanh nghiệp nhà nước, tập trung các nguồn lực quốc gia cho các khu vực kinh tế có hiệu quả cao là khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài sẽ tạo lực đẩy như thế nào cho nền kinh tế?

Nếu điều này được thực hiện, hiệu quả đầu tư của nước ta sẽ tăng lên, năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế cũng lên cao và chắc chắn là tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng, với tốc độ hai con số. Trong vòng hai thập niên, Việt Nam sẽ bước vào hàng các nước có thu nhập trung bình. Quan trọng hơn, đó sẽ là tiền đề để nước ta có quyền biến giấc mơ cường thịnh thành hiện thực.

(Trích SGTT)