Khi đọc cuốn sách Dốc hết trái tim của tác giả Howard Schultz - Dori Jones Yang (dịch giả Võ Công Hùng, Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành năm 2009), tôi bất chợt nghĩ đến tập thể ban lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), bởi tinh thần, nội dung cuốn sách có nhiều thứ tương đồng với những điều tôi suy nghĩ. Vì vậy, tôi xin mượn tên cuốn sách này để làm tiêu đề cho bài viết.

Dốc hết trái tim được xem là cuốn “bạch thư” của ông chủ lớn Howard Schultz - người sáng lập thương hiệu Starbucks. Trong cuốn sách này, tác giả tiết lộ những bí quyết kinh doanh đã đưa Starbucks từ một cửa hàng cà phê nhỏ trở thành một trong những công ty kinh doanh khổng lồ trên thế giới. Có thể nói, Dốc hết trái tim truyền cảm hứng, nâng tinh thần cho những ai có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và kiên quyết theo đuổi ước mơ... Cuốn sách không nói về cà phê mà nói về phong cách lãnh đạo, về niềm đam mê, về tình yêu và sự kiên định đối với công việc mà chúng ta có thể làm được trong khi những người khác nghĩ là không thể...

Vì vậy, trong bài viết này, tôi không đề cập đến những thành tích, sự đóng góp lớn lao của ngành dầu khí cho nền kinh tế nước nhà, mà đơn giản chỉ ghi lại những câu chuyện về  tinh thần yêu nước, sự kiên định, lòng nhiệt huyết của ban lãnh đạo và tập thể CBCNV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. họ đã và đang ngày đêm dốc hết trái tim mình thực hiện các chương trình vì an ninh năng lượng, vì an ninh lương thực và  vì an sinh xã hội trên toàn quốc. Họ đã và đang nỗ lực hết sức mình để xứng đáng là đầu tàu kinh tế, là hình mẫu doanh nghiệp nhà nước tốt nhất mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Như cây thông vững vàng trong gió bão…



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Quyết định lấy ngày 28-11 hàng năm làm Ngày Truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam

Trong gần nửa thế kỷ qua, ngành dầu khí không chỉ thực hiện tốt vai trò một tập đoàn kinh tế đầu tàu, chủ lực của đất nước, mà còn tích cực và chủ động tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và có nhiều đóng góp tích cực cho chương trình an sinh xã hội. Đồng chí Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc PVN cho biết, tính đến nay, tổng doanh thu của PVN đạt trên 110 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, chiếm trung bình 18% - 20% GDP cả nước, nộp ngân sách đạt trên 45 tỷ USD, chiếm trung bình 28% - 30%/năm tổng thu ngân sách nhà nước; kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân đem lại thành công lớn cho PVN, đó là tập đoàn đã biết cách phát huy hiệu quả sức mạnh nội lực và Nghị quyết 233 của PVN về phát huy nội lực đã tạo ra sự tăng trưởng nhảy vọt cho các doanh nghiệp thành viên. Phát biểu tại hội nghị chuyên đề về công tác dịch vụ tổ chức tại Vũng Tàu hồi đầu tháng 4-2011, đồng chí Vũ Quang Nam - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết, để thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, tháng 3-2009, Đảng ủy Tập đoàn PVN đã ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU về “Phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của các đơn vị thành viên trong PVN” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tập đoàn và thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển của tập đoàn.

Chỉ trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 233, PVN đã tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước được gần 9 tỷ USD, trong đó, năm 2009 tiết kiệm ngoại tệ đạt 2,67 tỷ USD và năm 2010 tiết kiệm được 6,2 tỷ USD. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu dịch vụ của PVN cũng đồng nghĩa với việc phát triển những khả năng kỹ thuật mà trước đây Việt Nam phải phụ thuộc nước ngoài.

Khi nói về thành công và những tồn tại của chương trình phát huy nội lực, sử dụng dịch vụ trong nước, đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV tập đoàn cho rằng: “Nghị quyết 233 giống như một liều thuốc tốt, mà thuốc tốt thì đôi khi cũng có những tác dụng phụ, tác dụng phụ ở đây là sự chủ quan, ỷ lại... Vấn đề là chúng ta phải biết hạn chế tối đa các tác dụng phụ đó, phải cố gắng khắc phục tối đa những tồn tại đó để đạt được thành công nhiều hơn nữa...”.

Trên thực tế, chính nhờ sự quyết tâm thực hiện Nghị quyết 233, PVN không chỉ tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước như đã nêu trên, mà còn giúp dịch vụ, hàng hóa thương hiệu Việt lên ngôi.

Đến nay, thương hiệu, tên tuổi của một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật chủ lực của PVN như XNLD Vietsovpetro (dịch vụ xây lắp các công trình biển), PTSC (dịch vụ xây lắp các công trình biển, tàu thuyền, kho/bãi), PVD (khoan và dịch vụ khoan), PVC (xây lắp các công trình dầu khí), PVGas (vận chuyển khí bằng đường ống, cung ứng khí dân dụng), PVTrans (vận chuyển sản phẩm dầu khí, hóa chất), PVOil (dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu dầu thô và xăng dầu, cung ứng các sản phẩm dầu), PVI (cung cấp dịch vụ bảo hiểm), PVFC (cung cấp dịch vụ tài chính), EIC (cung cấp dịch vụ kiểm định năng lượng)… đã và đang tạo được nhiều tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp này hiện nay đều có đầy đủ năng lực để thực hiện được 100% yêu cầu dịch vụ theo mục tiêu trọng tâm của ngành dầu khí, nhờ vậy hạn chế được tối đa việc phải thuê dịch vụ nước ngoài...

Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp đó không phải ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy, cũng hiểu cặn kẽ để thừa nhận đúng với mục đích và bản chất tốt đẹp mà PVN đang phấn đấu. Nhiều người cho rằng: “Sự độc quyền sử dụng dịch vụ trong ngành của PVN khiến các doanh nghiệp ngoài ngành gặp khó…”, lại cũng có người chỉ vì chưa hiểu cặn kẽ các hoạt động của ngành nên cũng lớn tiếng phê bình “PVN đầu tư dàn trải…”.

Trước những luồng thông tin trái chiều như thế, nhiều cán bộ trong ngành tỏ ra chán nản, buồn bực khi thấy công sức, sự cống hiến của mình không được ghi nhận, thế nhưng quan điểm của ban lãnh đạo tập đoàn vẫn luôn kiên định với những việc làm có lợi cho nước, cho dân. Trong bài phát biểu tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng: “Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng nói, việc gì có lợi cho dân cho nước thì làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì tuyệt đối không được làm. Chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì cần phải thấm nhuần câu nói đó. Không tư túi và đừng làm những điều hổ thẹn với lương tâm thì không việc gì phải ngại. Nếu chỉ vì ngại điều tiếng, ngại báo chí đưa tin thiếu khách quan mà chúng ta quay lưng với báo chí, từ bỏ những mục tiêu tốt đẹp thì chúng ta không phải là những người vững vàng, bản lĩnh và như thế thì không thể thực hiện được những việc lớn có lợi cho nước, cho dân. Hãy là những cây thông khỏe mạnh, thẳng tắp để luôn giữ được tinh thần dẻo dai, vững vàng trong gió bão…”.

Có lẽ chính bởi quan điểm, sự kiên định, thẳng thắn này nên khác với nhiều doanh nghiệp luôn e ngại, dè dặt, hạn chế tiếp xúc, giao lưu với báo chí, PVN là doanh nghiệp được giới báo chí đánh giá cao về sự cởi mở. Tập đoàn “open” gần như tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cho báo chí. Hầu hết các câu hỏi đặt vấn đề làm việc, tìm hiểu thông tin một cách nghiêm túc của các nhà báo đều được tập đoàn đáp ứng, thẳng thắn trả lời. Không chỉ dừng lại đó, để tạo điều kiện cho báo chí cập nhật đầy đủ thông tin một cách chính thống, PVN còn duy trì tổ chức họp báo trực tuyến cho các phóng viên báo chí ở cả hai miền Nam - Bắc tham gia thường kỳ 1 quý/lần. Đồng chí Đinh La Thăng cũng cho rằng, vai trò của báo chí truyền thông rất quan trọng, rất cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bởi lẽ tác động của báo chí là rất lớn, báo chí không chỉ có tác dụng động viên khích lệ tinh thần thi đua sáng tạo và cống hiến của doanh nghiệp, của người lao động mà còn có vai trò giám sát, cảnh báo góp phần giúp các doanh nghiệp có những định hướng, điều chỉnh để hạn chế sai lầm, sơ suất trong quá trình sản xuất kinh doanh...

Khi trái tim hồng rực cháy…

Có thể nói trong suốt chiều dài lịch sử của mình, CBCNV ngành dầu khí luôn giữ được trong trái tim mình ngọn lửa hồng rực cháy. Người truyền và giúp họ giữ được ngọn lửa ấy trước hết chính là ban lãnh đạo tập đoàn. Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đã thực sự khơi dậy nội lực, làm bật lên sức mạnh ở từng con người, từng doanh nghiệp trong ngành. Là ngành kinh tế chủ lực, có quy mô lớn của đất nước, Tập đoàn Dầu khí luôn có hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn công trình, dự án và hàng vạn người lao động sống, làm việc trên khắp mọi miền tổ quốc. Từ những công trường ở các thành phố lớn đến rừng sâu, núi thẳm, biển đảo xa xôi… ở đâu cũng đều dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất, thi đua yêu nước, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Với các khẩu hiệu như “Phát huy truyền thống Anh hùng”, “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, “Tăng tốc phát triển, quyết định kịp thời”… không khí làm việc tại các công trường nhà máy như nhộn nhịp hơn, năng suất, hiệu quả hơn. Ở đâu chúng ta cũng có thể thấy niềm vui, sự phấn chấn, rạng ngời trên từng ánh mắt, nụ cười, từng khuôn mặt của người lao động. Dường như khí thế, tinh thần làm việc hăng say và truyền thống hào hùng của ngành dầu khí đã và đang được Đảng ủy và ban lãnh đạo tập đoàn truyền lại, làm rực cháy trái tim yêu nước, yêu nghề và đam mê cống hiến trong hàng vạn con người ngành dầu khí…

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Đinh La Thăng khẳng định: Chính tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ và truyền thống hào hùng của những người đi tìm lửa năm xưa đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, làm rực cháy trái tim yêu đất nước của những người làm dầu khí hôm nay. Tình yêu ấy đã biến thành niềm hăng say lao động, kích thích sự sáng tạo, nỗ lực chịu đựng vượt qua mọi gian nan thử thách trong tất cả CBCNV ngành dầu khí.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi miền Bắc hòa bình và bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, chi viện sức người, sức của cho miền Nam, với lòng thương dân vô hạn và với tầm nhìn thiên tài của một nhà chiến lược vĩ đại, Bác Hồ kính yêu đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nền công nghiệp dầu khí. Những chỉ thị của Người cũng như câu nói “Đất nước ta muốn hùng mạnh sau chiến tranh nhất định phải có một ngành công nghiệp dầu khí hiện đại” trong chuyến thăm thành phố Bacu, nước Cộng hòa Azerbaijan năm 1959 của Người, chính là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành dầu khí nước nhà.  

Kể từ đó, theo mệnh lệnh của Bác Hồ, ngành dầu khí Việt Nam, bằng nội lực của mình đã nỗ lực vượt qua những chặng đường vô vàn gian khổ, trưởng thành qua từng năm tháng để có được tầm vóc như hôm nay. Nhiều ký ức lịch sử đã được ghi lại và nhờ thế mà những thế hệ đi sau thấu hiểu một phần về công việc của cha anh mình, nhưng chắc chắn khó nói hết được nỗi gian truân của những người dũng cảm nhận về mình sứ mệnh khai sơn phá thạch, đặt những viên gạch đầu tiên cho một ngành công nghiệp lớn.

Họ là những trí thức, những công nhân, thanh niên xung phong, những người lính Cụ Hồ đi qua các cuộc chiến tranh, những Việt kiều yêu nước bỏ lại phía sau cuộc sống phồn hoa trở về đồng cam cộng khổ cùng dân tộc. Họ chính là những người thành tâm mong đất nước ngày một phồn vinh. Họ đã lên rừng xuống biển, vượt qua bom đạn, bệnh tật, đói khát, vượt qua nỗi cô đơn… chỉ bằng trái tim yêu Tổ quốc cùng với hai bàn tay và khối óc. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn để lại cuộc đời hoặc tuổi thanh xuân quý giá của mình nơi thâm sơn cùng cốc, ngoài biển cả, trên những vùng đất sình lầy, hoang vu... Nhưng chính họ đã tìm ra ngọn lửa và thắp sáng ngọn lửa ấy lên ở bất cứ đâu mà họ có mặt, thắp sáng niềm hy vọng về một ngày mai tươi đẹp.

Giờ đây ngọn lửa đó đang rực sáng, kiêu hãnh cháy mãi và trở thành một trong những hình ảnh tuyệt đẹp về nước Việt Nam yêu hòa bình, thân thiện nồng ấm với bạn bè, năng động, đầy tiềm năng, sức mạnh vươn tới tương lai. Vinh quang và tương lai rực rỡ của ngành dầu khí cũng luôn thuộc về hàng vạn những chàng trai, cô gái trẻ cần cù, thông minh, giàu lòng yêu nước, giàu hoài bão và lý tưởng, những người đã xuất sắc nối bước truyền thống của cha anh, không quản ngại gian khổ, không tiếc tuổi xuân khi được yêu cầu đến với những nơi đầu sóng ngọn gió, những công trình trọng điểm của đất nước. Tại đó, họ vẫn đang ngày đêm miệt mài lao động, miệt mài sáng tạo, lặng lẽ cống hiến nhiều nhất cho đất nước trong những điều kiện sống và lao động cực kỳ khắc nghiệt… Chính nhờ có họ mà chúng ta càng thêm vững tin vào sự hùng mạnh của ngành dầu khí và của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai…

Trong bài phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II - năm 2010 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn và sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của ngành dầu khí, vì vậy trong gần 50 năm xây dựng và phát triển, ngành dầu khí đã được trao tặng nhiều phần thưởng xứng đáng, trong đó có danh hiệu Anh hùng lao động và Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta…”.  Chúng tôi nghĩ rằng, sự ghi nhận và những phần thưởng lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho ngành dầu khí là hoàn toàn xứng đáng, đó cũng chính là niềm cổ vũ lớn lao, nâng cao tinh thần cho những trái tim hồng khát khao cống hiến và luôn rực cháy bởi phong trào thi đua yêu nước…

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đao các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí đều cho rằng: Ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí luôn tạo ra áp lực, luôn đưa ra những chỉ tiêu, kế hoạch cao hơn để buộc các doanh nghiệp thành viên chúng tôi phải không ngừng phấn đấu vươn lên. Thế nhưng điều kỳ diệu là những áp lực, những chỉ tiêu, kế hoạch mà ban lãnh đạo PVN giao cho bao giờ cũng trở thành động lực để chúng tôi phấn đấu, và rồi chúng tôi luôn đạt được.

**********

Bằng chứng là chỉ trong 9-10 tháng đầu năm 2010, hàng loạt doanh nghiệp thành viên trong ngành đã về đích sớm, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của cả năm 2010. Có thể khẳng định rằng, thành tích ấy có được là do sự nỗ lực nêu gương từ chính bản thân từng con người trong ban lãnh đạo và điều đó  đã thu phục lòng người, đã giúp tất cả CBCNV trong tập đoàn hiểu rõ để cùng đoàn kết, nhất trí một lòng, quyết tâm thực hiện bằng được các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cũng chính từ sự tâm huyết và ý thức rất rõ trách nhiệm lớn lao đó, ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí không cho phép bất cứ doanh nghiệp nào có thể tự mãn, bằng lòng với những thành tích đã đạt được để rồi lơ là công việc, để rồi không tiếp tục phấn đấu vươn lên.

  • Nguyễn Thu Tuyết (SGGP)