Ngày 24/4, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo "Xây dựng định hướng phát triển ngành in Việt Nam".
Chủ trì hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng trong 3 lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành mà Bộ quản lý, thường thì lĩnh vực Xuất bản và Phát hành có nhiều vấn đền ‘nóng bỏng’ hơn nhưng không vì thế mà lĩnh vực in không được quan tâm. Hội thảo này chính là để các đơn vị trong lĩnh vực In nói tiếng nói của mình từ đó tìm hướng phát triển ngành trong giai đoạn tới.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Ngành in cơ bản chuyển sang công nghệ hiện đại, nhân lực yếu và thiếu
Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, công nghệ in truyền thống đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi in kỹ thuật số.
Ở Việt Nam cả nước hiện có trên 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động in (theo số lượng đăng ký kinh doanh). Năm 2019, sản lượng ngành in vào khoảng 300 tỷ trang A4 và đang đứng thứ 12 ở Châu Á và thứ 6 ở Đông Nam Á.
Doanh thu toàn ngành in năm 2019 đạt trên 96 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2018). Lợi nhuận đạt hơn 8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%, nộp ngân sách Nhà nước 2.313 tỷ đồng (tăng 10,4%).
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định sự với phát triển của công nghệ, hiện nay ngành in đã cơ bản chuyển sang công nghệ in hiện đại trong tất cả các công đoạn của sản xuất in. Nhờ đổi mới công nghệ hiện đại công nghệ kịp thời, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nên số lượng và chất lượng các sản phẩm in không ngừng được nâng lên rõ rệt.
TS. Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội In TP.HCM cho rằng ngành in sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững trong 10 năm tới. Tuy vậy, dù nỗ lực đầu tư vẫn không đáp ứng được nhu cầu nếu cứ phát triển cơ học không đầu tư cho nhân lực. Ông cảnh báo rằng, nếu không chú trọng và thu hẹp nguồn nhân lực các doanh nghiệp in sẽ không kịp cứu vãn tình thế.
“Thậm chí in một cuốn sách cũng chưa hoàn chỉnh, chưa chú trọng nâng cao chất lượng bìa sách”, ông Tuấn thẳng thắn chia sẻ.
Chủ tịch Hội In TP.HCM cho rằng, ngành in phải là ngành kinh tế số, có yếu tố cạnh tranh con người, hướng xuất khẩu tại chỗ nhưng cố gắng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu – đòi hỏi đầu tư lớn để có thể thoả mãn các yêu cầu khắt khe của chỗi cung ứng này.
TS. Ngô Anh Tuấn cũng đi thẳng vào vấn đề in lậu và cho rằng đó là việc rất đau lòng, nó không xuất phát từ nhà in mà còn nhiều yếu tố khác. Ông Tuấn đề nghị xem xét kỹ vấn đề này.
Ths. Trần Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng với Công nghiệp In thừa nhận rằng số lượng nhân lực ngày càng giảm, chất lượng thấp đi đây là nút thắt tạo ra nhiều lỗ hổng.
“Nhà trường và cơ sở in cần phối hợp để truyền thông về công việc này, phải cải cách, có mô hình quản lý tốt tăng nhu cầu, thu nhập cho người lao động. Con em trường in cũng không còn mặn mà như 10 năm trước nữa, trước thì tranh nhau xuất vào trường”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho hay nhân lực ngành in của ta sử dụng chưa hiệu quả. "Chúng ta mất nhiều nhân lực, một máy in hiện đại, các nước khác chỉ cần 2 nhân lực, trong khi chúng ta mất 4 nhân lực vận hành”, ông Nguyễn Văn Dòng nói.
Nhân lực cho ngành in là vấn đề nóng trong Hội thảo. |
Chuẩn hóa đào tạo, nhân lực lao động trong ngành
“Cùng với sự chuyển mình của Châu Á, thị trường in Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng khu vực và thế giới. Nhưng để phát triển, cần mở rộng thị trường in, thực hiện quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành tới năm 2030, 100% số các cơ sở in đặt ngoài các khu dân cư. Cùng với đó là phát triển nguồn nhân lực, đấu tranh chống in lậu và giải quyết một số vướng mắc về cơ chế, chính sách”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.
Sau khi lắng nghe các đơn vị trong ngành phát biểu, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đặt câu hỏi: Ngành in có tiềm năng lớn, xu hướng phát triển ngày càng có điều kiện hơn, tại sao nhân lực ngành lại teo tóp?
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đề xuất mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp để doanh nghiệp đào tạo cho mình và giúp doanh nghiệp khác. Ngày nay, đôi khi ta coi thường chứng chỉ, nhưng rõ ràng cần chuẩn hóa đào tạo, nhân lực lao động trong ngành.
“Hội nghị này là hội thảo góp ý tham luận xây dựng định hướng phát triển ngành in trong những năm tới. Chúng ta phải có giải pháp phát triển ngành in trong thời cách mạng công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
“Các đơn vị cần tiếp tục đưa ra ý kiến thảo luận cách thể hiện, mục tiêu dài hạn, ngắn hạn, mục tiêu cần có lộ trình và gửi thư điện tử sau cuộc họp này. Cục Xuất bản, In và Phát hành được đánh giá sử dụng dịch vụ công trực tuyến tương đối tốt, cần tiếp tục xem đơn giản hóa ở mức tốt nhất.
Các doanh nghiệp phải chủ động có tiếng nói, ngoài bằng văn bản thì truyền thông có mục tiêu rõ ràng. Khi đưa ra mục tiêu, chúng ta nên dựa trên cơ sở thực tiễn, các con số thực tế. Chúng ta phải đổi mới tư duy ngay từ khi quy hoạch chiến lược, đảm bảo thực thi, đảm bảo chiến lược để doanh nghiệp phát triển”, Thứ trưởng kết luận.
Tình Lê
'Chắp cánh' để xuất bản bước vào nền kinh tế số
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần biến thách thức thành thời cơ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất bản có thể bước vào nền kinh tế số.