Nằm ở cực đông của đảo Java (Indonesia), cao nguyên Ijen là vùng cao quanh năm mây phủ, thời tiết mát mẻ và nhiều đỉnh núi cao bao phủ bởi cây cà phê.

Phần lớn diện tích vùng đất này rất đẹp và trù phú. Song trung tâm của cao nguyên này là miệng núi lửa Ijen, nơi mà những người thợ hàng ngày vẫn leo lên tìm lưu huỳnh ở vùng đất hoang đầy acid của núi lửa.

Bất chấp các nguy hiểm, Ijen vẫn mang một vẻ đẹp kỳ diệu và có lẽ đẹp nhất là vào ban đêm, khi lưu huỳnh cháy và tạo nên những ánh sáng xanh kỳ quái.

Bên miệng núi lửa còn có một hồ nước nhiễm axit, nên khó có sinh vật nào sống được ở đây.

Lưu huỳnh được sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất mỹ phẩm, phân bón, đường và diêm. Tại Java, người dân địa phương khai thác lưu huỳnh bằng phương pháp thủ công. Đây là một công việc nặng nhọc nhưng lại không đảm bảo an toàn.

Những người thợ khai thác lưu huỳnh phải mang kính và khẩu trang bịt mặt vì không khí nơi đây có độc tính cao, gây khó thở và làm ngứa, chảy nước mắt.

Tuy công việc nguy hiểm, nhưng thợ khai thác lại không có bảo hộ lao động phù hợp. Trong vòng hơn 40 năm qua, có khoảng 74 thợ khai thác đã thiệt mạng và tất cả các thợ đều bị nhiễm độc ở phổi với mức độ nhất định.

Hầu hết các thợ khai thác đều đi một quãng đường 12km mỗi ngày, vác theo khoảng 90kg lưu huỳnh trong các giỏ đưa xuống núi. Số tiền thu được mỗi ngày nhờ bán lưu huỳnh chỉ chỉ vào khoảng 4-6 USD.

Dưới chân núi, lưu huỳnh được tập kết và chất lên xe tải, chở vào trung tâm và nung chảy dưới dạng lỏng, chắt lọc và tinh luyện.

Cuối cùng, lưu huỳnh được phơi khô trên sàn, đập ra thành mảnh và đóng gói đem bán.

Trong những năm gần đây, do du lịch phát triển nên những người thợ trước kia sống hoàn toàn phụ thuộc vào khai mỏ thì nay có thể gia tăng thu nhập nhờ đẽo lưu huỳnh thành các món đồ lưu niệm độc đáo.

Lê Thu (theo BBC)