Nhà báo Trương Công Tú - người có hơn 20 năm đam mê đặc biệt với các đề tài lịch sử, di sản văn hoá Việt Nam, vừa tổ chức nghi lễ tắm Phật Hoa nở từ tâm được nhiều người chú ý. Phóng viên VietNamNet có cuộc trao đổi với anh xung quanh ý tưởng mới này.

z5461976422682_d25b4902b73f5f5ccb0c5fa9f52777ad.jpg
Nhà báo Trương Công Tú

Tắm Phật, nghĩ về cha mẹ

- Ý tưởng về nghi thức tắm Phật theo hình thức cặp đôi với tên gọi "Hoa nở từ tâm", lần đầu tổ chức tại chùa Tam Chúc do anh khởi xướng xuất phát từ đâu? 

Khi nghĩ về ý tưởng Hoa nở từ tâm, tôi đã xác định nghi thức tắm Phật là một phép thực tập. Đó không phải một chương trình với mục đích trải nghiệm hay tham quan du lịch mà là buổi học đạo nghiêm túc.

Tìm hiểu lịch sử và thông điệp về Phật đản, tôi quán chiếu lại chính vị Phật - là cha mẹ trong ngôi nhà mình. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập cùng văn hóa hiếu đạo, gia đạo của người Việt một cách mềm mại bởi những giá trị nhân văn chung. Vậy tại sao nghĩ về ngày Phật đản, chúng ta không dành thời gian hướng về cha mẹ, tri ân họ.

Tôi tin, có lẽ gần như 100% người Việt Nam mộ đạo Phật chưa bao giờ có trải nghiệm thực tập được thực hiện nghi thức tắm Phật cùng cha mẹ và trực tiếp nói lời tri ân công sinh thành dưỡng dục. Đó không chỉ là một trải nghiệm, mà còn là một phép thực tập hiếu đạo.

Cha mẹ chính là Phật sống đầu tiên của mỗi chúng ta. Ngày Phật đản, ở góc độ nào đó cũng chính là ngày sinh nhật thứ 2 của mỗi Phật tử. Vậy có gì hợp lý hơn khi vừa tri ân Đức Phật, vừa quay trở về tri ân cha mẹ mình cùng với hạnh nguyện “hoa nở sen hiện” của Phật tử. Từ đó nguyện thay đổi, hướng về những vị Phật tại gia của chính mình.

Sinh nhật không cứ phải thổi nến, cắt bánh gato mà cả gia đình cùng nhau tắm Phật, phóng sinh, thực hiện những hạnh nguyện đẹp để tri ân và hồi hướng công đức cho cha mẹ. Như thế đạo đi vào đời, trong đời có đạo. Đạo không phải điều gì to tát, mà nó như cái phanh, phanh mình lại trước khi làm điều gì để day dứt, hối tiếc đối với các đấng sinh thành.

Có thể nói Hoa nở từ tâm là kết quả của sự kết hợp giữa Phật đạo và hiếu đạo của người Việt Nam, một nghi thức thực tập dành cho những người mộ đạo Phật.

z5455796209956_7f85ee1834d2c86b58afa6a6f602c3a1.jpg
BTV Thu Hà cùng mẹ tắm Phật. 

- Với ý tưởng này, anh có sợ bị làm sai lệch ý nghĩa của ngày Phật đản trong ý niệm lâu nay của các Phật tử, bởi trong Phật giáo đã có lễ Vu Lan tri ân cha mẹ? 

Đâu chỉ đến lễ Vu Lan chúng ta mới tri ân cha mẹ. Cứ có ngày lễ nào là mỗi người có thêm cơ hội thể hiện tấm lòng mình với cha mẹ, thêm một lần cả gia đình kết nối với nhau trong cuộc sống vốn đang chảy trôi rất nhanh và lỏng lẻo. Thêm một ngày lễ là một ngày vun trồng cây hiếu đạo sâu rễ, bền gốc trong gia phong. Tri ân, nói lời yêu thương có bao giờ là đủ!

Tôi cũng trăn trở liệu mình có làm sai lệch nghi lễ tôn giáo hay không. Nhưng tôi tin trong lễ có nghĩa, trong nghĩa có lễ. Lễ sinh ra để xây đạo, giữ đạo cho con người. Vì vậy, ai cũng có quyền góp thêm vào đạo Phật bằng những nghi thức mới, biểu pháp mới.

Phật giáo, văn hóa biến đổi bởi sự sáng tạo trên nền tảng trí tuệ văn hóa và tâm linh của con người. Ngay như nghi thức bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan cũng xuất hiện có hơn nửa thế kỷ tại Việt Nam, song nó không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa dân tộc.

Vì thế, làm giàu thêm, góp thêm vào đạo Phật là quyền và trách nhiệm của những người làm văn hóa, để những phép thực tập luôn hòa hợp và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Một nghi lễ dù đẹp và giá trị đến đâu, nhưng nếu không còn phát huy hiệu quả với người thực hành thì phải thay đổi. Di sản cần lắng đọng tinh hoa, nhưng văn hóa cần cả bản sắc và hơi thở cuộc sống.

Trở lại với câu chuyện Phật đản, nghi lễ quan trọng nhất, được chờ đợi nhất là tắm Phật. Lễ là biểu pháp mượn cảnh để biểu thị tâm. Lễ còn là phép thực tập. Vậy, chúng ta có thể thực tập điều gì trong lễ Phật đản.

Thực lòng mà nói, cõi Niết bàn, giải thoát đôi khi xa vời quá với phần đa nhận thức người dân. Múc nước tắm Phật mà nguyện độ hết cả chúng sinh thì còn xa vời hơn nữa. Những điều gần gũi, thiết thực hơn sẽ giúp chúng ta có thể thực hiện nghi thức tắm Phật mỗi ngày, với tôi đó là thực tập biết ơn cha mẹ và từ đó khởi phát những hứa nguyện tốt đẹp.

z5455796171063_611e14870a213074eef0363142f00530.jpg
Tắm Phật cùng cha mẹ để tri ân công dưỡng dục, đó là hiếu đạo.

Làm giàu nghi thức Phật giáo

- Những nghi lễ mới mà anh mong muốn làm giàu thêm cho đạo Phật được thực hành thế nào?

Nghi lễ là những biểu pháp được tinh luyện, linh thiêng hóa, chuyên chở vô số giá trị văn hóa tâm linh. Để tìm ra một biểu pháp mới, vẫn phải quay về kinh điển Phật giáo, dựa vào nó làm nền tảng. Đó là nguyên tắc tư duy.

Kinh điển kể về ngày Đức Phật ra đời là 9 rồng phun 2 dòng nước nóng và mát tắm cho Ngài. 9 con rồng phun 2 dòng nước nghĩa là có 18 dòng nước nóng và mát hoà trộn. Tôi muốn đây là hình thức thực tập theo cặp đôi, để tạo nên sự tương tác và trải nghiệm mới cho những người có thể đã tắm Phật nhiều lần.

Tắm Phật cùng cha mẹ để tri ân công dưỡng dục - đó là hiếu đạo; tắm Phật cùng người thương, quán chiếu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Bổn Sư để gửi gắm ước vọng truyền thừa đến tương lai cho con cháu - đó là gia đạo; tắm Phật cùng đạo hữu, giúp nhau nhận diện hạt giống Bồ đề tâm để sống trọn vẹn bây giờ và ở đây - đó là Phật đạo.

Chín gáo được tắm quy hoạch thành 3 phần học đạo là Văn - Tư - Tu.

Ba gáo nước đầu là "Văn". Gáo đầu tiên tắm lên cánh tay của kim tượng tri ân Đức Bổn Sư đã đản sinh, chỉ đường cho chúng sinh "2 tay chỉ rõ lối thăng trầm". Quy y Phật chính là bỏ mê về với giác ngộ. Gáo thứ 2 tắm lên trái tim của kim tượng để tri ân Hoàng hậu Ma Da, người đã nguyện chỉ sinh con là Phật. Mong ước những gì tốt đẹp nhất cho con là tấm lòng của mọi người mẹ trên thế gian. Gáo thứ 3 tắm lên 2 chân của kim tượng để hiểu thật may mắn khi Phật chọn kiếp người và cũng để nhắc nhở chúng ta đã may mắn được làm người - kiếp dễ học đạo nhất, kiếp dễ giải thoát nhất.

Ba gáo nước tiếp theo là "Tư". Quy y Pháp là bỏ tà về với chính. Đó là quá trình chiêm nghiệm thật may mắn cho chúng ta được làm kiếp người, phải tu tập sao cho đừng bỏ lỡ cơ hội lớn như vậy. Và phải tri ân đấng sinh thành đã cho chúng ta kiếp người. Vì vậy, 2 gáo đầu sẽ tắm lên 2 vai của kim tượng, như nhắc nhở cha mẹ cả đời gánh các con, từ khi mang thai cho đến cuối đời. Gáo thứ 3 tắm lên trái tim kim tượng, để cầu xin chư Phật gia hộ những điều tốt lành an lạc nhất đến với cha mẹ.

Ba gáo nước cuối cùng là "Tu". Những gáo nước tắm vào vai trái, vai phải và 2 chân của kim tượng mang biểu pháp gột rửa sạch thân - khẩu - ý, tham - sân - si. Những gáo nước làm lộ ra Phật tính, lộ ra phẩm chất hoa sen sáng rõ hơn của mỗi người. Sau khi tắm Phật xong thì thực hành sám nguyện. Đó là quy y Tăng - bỏ nhiễm về với thanh tịnh.

Có thể khẳng định Hoa nở từ tâm là sự kiện Phật đản đầu tiên sử dụng nghi thức tắm Phật theo cặp đôi với 9 gáo nước, 18 dòng nước nóng lạnh và một hành trình tâm thức tri ân, hứa nguyện.

Hai mùi hương cao quý nhất là trầm hương (dòng nước nóng thể hiện tình thương của Đức Phật) và hoa sen (dòng nước mát thể hiện giáo pháp của Đức Phật) cũng lần đầu được sử dụng làm nước tắm Phật.

Chưa biết nghi lễ Hoa nở từ tâm có thể từng bước nở hoa sen, đi vào trong Đại lễ Phật Đản hàng năm như thế nào, nhưng hoa cứ nở từ trong tâm chính mình đã.

Tương lai, tôi muốn nghi thức này được lan toả. Sẽ không chỉ tắm Phật ở chùa, ở nhà mà tôi đang nỗ lực mang nghi thức này vào bệnh viện, nhà tù, trung tâm bảo trợ xã hội - nơi rất cần chữa lành về mặt tâm tưởng.

- Theo dõi nghi thức tắm Phật "Hoa nở từ tâm", tôi thấy anh bày 112 tượng, 224 người đồng thời cùng lúc thực hành nghi thức tại chùa Tam Chúc - ngôi chùa được cho là lớn nhất thế giới. Nhiều người liên tưởng tới các kỷ lục, mà lâu nay cái gì liên quan tới kỷ lục thường rất “ngán”, chưa nói tới nó lại gắn vào ngày lễ thiêng của tôn giáo?  

Tôi cũng như nhiều người từng định kiến về chùa to, chùa lớn quá thì không phải chùa Việt, khó thiêng. Phật ở trong tâm, nếu tâm Bồ đề thì ở đâu sen cũng nở. Phá bỏ chấp niệm cũng là một phép tu tập. Vì vậy, tôi đã hợp tác với chùa Tam Chúc để tổ chức sự kiện này.

Tại một sự kiện Phật đản, thường sẽ đặt một vài tượng và mọi người xếp hàng lần lượt lên thực hiện nghi thức tắm Phật. Ngay như chùa Tam Chúc, có năm lên đến hơn vạn người tham gia nghi thức này, nên số lượng vài trăm người thực hiện nghi thức Hoa nở từ tâm không phải lớn. Nhưng có lẽ đây là nghi lễ đầu tiên có số lượng người cùng lúc tham gia nhiều nhất. Tuy nhiên, đây không phải là giá trị cốt lõi tôi hướng tới khi xây dựng ý tưởng.

Con số 112 gợi nhớ đến 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Đức Phật. Những tướng tốt và vẻ đẹp ấy không tự nhiên mà có. Đó là quả lành từ hằng hà sa số kiếp với biết bao công phu tu tập, bao hạnh nguyện tốt đẹp mới có thành tựu.

Nhớ lại câu chuyện người mẹ Ma Da của Thái tử Tất Đạt Đa, người đã nguyện chỉ sinh con có tâm Bồ đề, để thấy khát vọng của tất cả người mẹ đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con. Bởi vậy, tôi tư duy việc tắm Phật vừa là phép thực tập hiếu đạo, tri ân cha mẹ, đồng thời nghi thức này cần hướng đến cặp đôi trẻ, những người có ước vọng con mình mang hạt giống Bồ đề.

Khi đi học cần có một hành trình tầm đạo, chùa Tam Chúc không quá gần mà cũng chẳng quá xa, đồng thời đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người đáp ứng nhu cầu những lớp học đạo.

Ở Việt Nam, nghĩ về các kỷ lục Guinness như chiếc bánh chưng lớn nhất, cốc cà phê to nhất… tôi có một cảm giác không ổn về văn hóa nhưng không thể gọi tên vấn đề một cách rõ ràng. Người Nhật đã giúp tôi trả lời trọn vẹn câu hỏi: Lớn nhất để làm gì?

Nếu có dịp đến Okinawa vào đầu tháng 10, chẳng du khách nào bỏ qua được lễ hội kéo co lớn nhất thế giới. Sợi thừng dài xấp xỉ 200m, nặng vài chục tấn cũng giành được kỷ lục Guinness. Người Nhật làm sợi thừng mỗi năm một dài thêm ra để nhiều người có thể kéo co hơn và đặc biệt là tham gia vào nghi lễ tạ ơn các vị thần. Việc làm sợi dây thừng vĩ đại kéo dài nhiều tháng cũng chính là quá trình kết nối người dân bản địa.

Tôi cũng ấn tượng với chiếc trống Odaiko lớn nhất ở Akita. Họ làm lớn hơn để nhiều người chơi trống cùng nhau hơn, cùng thực hành nghi lễ thiêng liêng cầu mưa, cầu mùa, cảm tạ thần linh.

Daihachi Oguchi, cố nghệ nhân trống Taiko nổi tiếng nhất Nhật Bản chia sẻ, tiếng trống được gõ theo nhịp bước hành quân ra trận nên phải dứt khoát, đúng nhịp và mạnh mẽ. Khi nhịp tim và hơi thở hòa vào tiếng trống thì người nghe sẽ thấy tiếng trống đang phát ra trong lòng họ. Từ tiếng trống cầu thần sấm đến tiếng trống chiến trường đều mang triết lý của Phật giáo Đại thừa. Chữ "Đại” không còn là to lớn mà là để “cùng nhau”.

Khái niệm lớn mà tôi muốn xây dựng ở đây cũng vậy, là cùng nhau. Thần thông như Bồ Tát Mục Kiền Liên cũng cần năng lượng của mười phương chư Phật cúng dường Tam Bảo mới cứu được mẹ mình. Hoa nở từ tâm vừa tắm đôi, vừa cùng nhau chia sẻ những năng lượng mát lành, an lạc thì nguồn năng lượng chung sẽ vô cùng bình an, viên mãn.

Còn gì hợp lý hơn khi đứng trước tượng Phật đản sinh trong hình hài một cậu bé, quán chiếu 1 trong 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, các cặp đôi sẽ nguyện ước những điều tốt lành cho tương lai. Gieo nhân Phật sẽ nhận được hoa sen.

Như vậy, phép thực tập tắm Phật đã trở nên trọn vẹn với một nghi lễ tri ân hiếu đạo, hướng về gốc rễ cội nguồn và nguyện ước truyền thừa những giá trị tốt đẹp đến tương lai. Cả hai đều là vun trồng gốc rễ cho gia đạo, một giá trị cốt lõi muôn đời của người Việt.

Lễ tắm Phật "Hoa nở từ tâm": 

Ảnh: Lương Duy Tiến