Nếu thắp 1 nén hương, bạn chỉ có phần Nhân ở đó, nhằm duy trì bàn thờ hàng ngày. Thắp 9 nén là dâng tới hàng Phật. 7 nén là dâng hàng Thánh Mẫu. Vậy ngày giỗ, Tết thì thắp mấy nén hương?

Thắp theo số lẻ

Theo quan điểm của ông Nguyễn Mạnh Cường (nhà nghiên cứu Phật học, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người), thắp hương là nét đẹp văn hóa tồn tại từ lâu đời. Hương thơm trong quan niệm của Phật giáo là một trong 6 lễ vật dâng cúng (hương, hoa, đăng, trà, quả, thực). Có nhiều quan niệm về số nén hương cần dâng, nhưng thường dâng theo số lẻ 1, 3, 5, 7, 9.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, thắp bao nhiêu nén hương tùy lễ. Nếu thắp 1 nén hương chỉ có phần Nhân ở đó, nhằm duy trì bàn thờ hàng ngày. Còn lễ gia tiên, giỗ Tết không làm lễ lớn chỉ thắp 3 nén hương tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân (có trời đất và con người). Thắp 5 nén là ngũ hành tương sinh (hay dùng trong các đàn cầu cúng tiền tài…). Thắp 7 nén là dâng hàng Thánh mẫu. Thắp 9 nén là dâng tới hàng Phật... Tùy đàn lễ lớn nhỏ mà thỉnh mời, dâng hương, nhưng với những lễ lớn, chuyện tam bảo, tam thế… chỉ làm ở chùa chiền hoặc do các thầy cúng làm lễ, trong gia đình không nên làm.

Ngày Tết thắp hương nhiều, khi cúng Tết thắp 3 nén hương, nếu muốn duy trì bàn thờ thì chỉ thắp 1 nén hương trong phòng là đủ.

{keywords}

Ngày lễ Tết khi đi chùa chiền, đình đền, miếu phủ không nên đốt nhiều hương mà lãng phí, gây cay mắt khó thở. Ảnh: GiadinhNet

Đang cầu cúng mà hương tắt - điềm gì?

Chị Phạm Thị Hiên (ở Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, năm nhà chị thắp hương trên bàn thờ bị tắt thì cả năm làm ăn không may mắn gì cả. Nhiều nhà thấy bát hương cháy dương (bốc cháy đùng đùng tận gốc), hay cháy âm (cháy ngầm dưới bát hương) đều đoán sẽ gặp chuyện xui xẻo.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, trong dân gian, ngoài lý do hương kém chất lượng, thắp hương nơi nhiều gió… thì khi cầu cúng nếu hương tắt ở phần trên là ở Thiên, liên quan đến nóc nhà, bàn thờ...; Hương tắt ở đoạn giữa là Nhân, liên quan đến thành viên gia đình; Hương tắt đoạn cuối là Địa, liên quan đến mồ mả, đất cát... Thắp nén tâm hương đêm giao thừa bị tắt thì năm đó làm ăn chán hoặc gia cảnh lộn xộn…

Theo Đại đức Thích Trí Hiến (trụ trì chùa Hưng Khánh - Bình Định), nếu đang cúng lễ mà hương tắt thì cứ để thế mà châm lửa lại, đừng nhổ ra đốt và cắm lại mà trở thành hương thừa, mất gốc, cầu cúng mất linh nghiệm.

Nên thắp hương nơi kín gió để hương không bị tắt. Cắm hương cần ngay thẳng, tránh nghiêng, lệch kẻo cây hương đổ hoặc đốm lửa giữa các nén hương cháy không đều, dễ bị tắt.

Thời tiết nồm ẩm có thể làm hương bị mốc. Hãy hóa trong thùng hóa vàng hoặc nơi đất sạch, tro đổ vào gốc cây hoặc nơi không có người đi lại giẫm lên được. Những đồ cúng lễ bằng kim loại không hóa được thì tìm chỗ cất kín, một thời gian sau sẽ chôn xuống nơi đất sạch hoặc thải bỏ bình thường.

Có nên dùng hương cuốn tàn?

Người ta cứ tưởng thắp hương cuốn tàn dịp Tết là may mắn, làm ăn có lộc. Nhưng thực ra hương cuốn tàn có hóa chất, khi đốt chất độc lan tỏa kích thích đường hô hấp, nhẹ có thể ho, chảy nước mắt… Nếu hít nhiều và thường xuyên sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho cơ thể, thậm chí gây biến đổi tế bào gây dị sản, loạn sản (nếu là tế bào ác tính có thể biến thành tế bào ung thư).

Việc cắm que hương vào đồ ăn để dâng cúng cũng có thể gây ngộ độc cho người ăn, bởi chân hương bị tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn.

Theo TS Nguyễn Công Ngữ (Viện Công nghệ sau thu hoạch), hương truyền thống làm từ hương bài, bã mía, thảo quả, quế chi, hoa hồi... giá khá đắt. Còn hương hóa chất tạo mùi trầm, nhài, sen, hoa hồng... cuốn tàn đẹp giá rẻ hơn nhiều. Hóa chất trong hương cuốn tàn được các nhà khoa học phát hiện là phosphoric acid (H3PO4) giúp hương cháy nhanh, cuốn tàn trắng đẹp, Butyl Cellosolve (C6H14O2) - hóa chất dùng chống mốc cho sơn tường; Kali Nitrat (KNO3) là hóa chất dùng trong sản xuất phân đạm, chất nổ… giúp hương không bị tắt, mốc. Có nơi còn cho phẩm vàng để hương có màu vàng đẹp, bắt mắt. Tất cả các hóa chất đều cực kỳ nguy hiểm vì khi cháy sẽ tạo ra khí độc, hít phải sẽ bị căng thẳng mệt mỏi, ảnh hưởng đường hô hấp, nhất là phổi, võng mạc, thị lực giảm nhanh.

(Theo GiadinhNet)