Sự kiện có sự tham dự của các nhà thơ từng đi qua chiến tranh và các nhà thơ hậu chiến với các bài thơ viết về biên cương, biển đảo, về tình yêu quê hương, đất nước, sự dũng cảm hy sinh quên mình của quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ năm 1979 - 1989.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII là ngày hội để tôn vinh thơ ca, tôn vinh thơ ca chính là tôn vinh đất nước, tôn vinh con người, tôn vinh văn hóa Việt Nam. Đây là dịp rất tốt để các nhà thơ trong nước và quốc tế giao hòa cởi mở và thân thiết với công chúng yêu thơ thuộc nhiều thế hệ.

{keywords}
Sáng 17/2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn Việt Nam đã khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, với chủ đề “Sông núi trên vai”. 


“Với chủ đề “Sông núi trên vai”, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước, đó là: các nhà thơ đặt lợi ích của tổ quốc, của dân tộc, nhân dân lên trên hết. Tổ quốc và nhân dân là cảm hứng, niềm say đắm và thăng hoa và trách nhiệm của các nhà thơ Việt Nam. Đặc biệt Ngày thơ năm nay vui mừng đón nhận 190 nhà thơ văn dịch giả nổi tiếng thế giới từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ là những sứ giả văn hóa, sứ giả hòa bình và khách quý đến dự các sự kiện. Chúng tôi đánh giá cao sự có mặt của các bạn và coi sự có mặt của các bạn là sự ủng hộ to lớn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết.

Trong cảm hứng về thơ ca đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã trình diễn bài thơ “Tổ quốc nơi biên thùy”. Bài thơ được ông hoàn thành vào ngày Lễ giỗ trận Vị Xuyên 12/7/2016, trong chuyến công tác cùng Hội Nhà văn Việt Nam lên Hà Giang.

“Mùa này biên giới hoa sim/ Tím quanh mộ chí im lìm các anh/ Bao người lính trận vô danh/ Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình…”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc.

Nhà thơ cho biết, không phải những năm gần đây mà ngay sau khi nhận được những phản hồi tích cực khi bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” ra đời năm 2009, có thể khẳng định, giới trẻ luôn đón nhận tích cực mảng thi ca yêu nước.

“Bài thơ tôi đọc hôm nay cũng những bài thơ trước đó về mảng đề tài biên giới, biển đảo Tổ quốc luôn khiến tôi thao thức, bồn chồn. Đất nước của chúng ta phải liên tục trải qua chiến tranh, trận mạc, chịu đựng nhiều nỗi đau thương. Những điều ấy vẫn còn ghi dấu nơi biên giới, rừng sâu, biển thẳm. Và qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm dưới cỏ để gìn giữ non sông này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau...”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói.

{keywords}
 Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII là ngày hội để tôn vinh thơ ca, tôn vinh thơ ca chính là tôn vinh đất nước, tôn vinh con người, tôn vinh văn hóa Việt Nam.


Các bài thơ chủ đề “Sông núi trên vai”, không chỉ bó hẹp nội dung đề tài về cuộc chiến bảo vệ biên giới, mà còn có thể hiểu theo nghĩa rộng, về tình yêu đất nước, vai trò, trách nhiệm của các nhà thơ và tinh thần bảo vệ Tổ quốc trong thơ ca.

Nhà thơ Anh Ngọc mở đầu sân thơ bằng bài thơ “Sông núi trên vai” trích trong Trường ca cùng tên ông sáng tác năm 1977: “…Những người đi cùng thế hệ với tôi/ Sông núi trên đôi vai bé nhỏ/ Tầm vóc họ lớn hơn lịch sử/ Tầm vóc họ lớn hơn chính họ/ Bài ca về những đôi vai...”.

{keywords}
Trong cảm hứng về thơ ca đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nhiều nhà thơ đã rất hào hức đọc các tác phẩm của mình. 


Cũng lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII không chỉ có sự góp mặt của những nhà thơ, những người yêu thơ Việt Nam mà còn có sự tham gia của 190 nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế. Các nhà thơ bên cạnh việc thể hiện các bài thơ tiêu biểu của mình còn bày tỏ những cảm phục về hành trình phát triển của thi ca Việt Nam.

Theo bà Phiulavanh Luangvanna, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Lào chia sẻ: "Trong thời gian ở Việt Nam (1971 – 1975), tôi đã đọc rất nhiều báo, tạp chí... và phải nói tôi rất yêu văn học Việt Nam về tình cảm, tư tưởng, cái hay cái đẹp của văn phong và thật hạnh phúc khi được nghe thơ của các bậc tiền bối như Nguyễn Phú, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đức Thuận, Tô Hoài và nhiều nhà văn khác. Tôi đánh giá cao giá trị thơ văn và bút pháp của họ. Và tôi có thể so sánh giá trị của thơ ca Việt Nam với các nền thơ ca thế giới như Trung Quốc, Nga và các nhà thơ lớn của Châu Âu và phương Tây".

Bà Phiulavanh Luangvanna cũng đánh giá văn học củng cố hòa bình và phát triển. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ mọi sự sáng tạo, khích lệ nhân dân, văn nghệ sị sáng tác. Chính vì vậy văn học thể hiện ý chí và tư tưởng của nhân dân. Không ngạc nhiên khi số nhà văn ngày càng tăng.

Còn nhà thơ Biplab Majee (Ấn Độ) cho rằng Việt Nam là một đất nước của thi ca. Một trong những minh chứng là các bạn đã chọn ngày Rằm tháng Giêng là Ngày thơ Việt Nam. Vào ngày này, lễ hội thi ca diễn ra ở khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đặc biệt, những “khách thơ” đến từ nhiều nơi trên thế giới có thể trải nghiệm “Thành phố thơ văn” ở Hà Nội ngay tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cùng với hàng ngàn người yêu thơ Việt Nam.

Bên cạnh sân thơ chính, trong lễ khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng diễn ra sân thơ trẻ có chủ đề “Mở đường bay phía trước”, gồm các hoạt động trình diễn thơ với tiếng nhạc, triển lãm, sắp đặt, vận dụng âm nhạc truyền thống, múa…

Nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung có mặt trên sân chơi trẻ “Mở đường bay phía trước” với nhiều cảm xúc. Cô cho biết:  “Ngẫu nhiên, ngày khai mạc Ngày thơ Việt Nam lại trùng với dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Tôi thấy tự hào và có chút dự cảm thiêng liêng, rằng chúng tôi là những người tiếp bước, mặc dù không cầm súng, không qua chiến tranh, song thấy mình cần thêm trách nhiệm cống hiến tuổi trẻ và tài năng của mình phục vụ Tổ quốc. Có thể những vần thơ không nói hết được, nhưng từ trong sâu thẳm tâm tư, tôi muốn gửi đến các bạn mình, thế hệ trẻ hôm nay không được quên công lao thế hệ cha anh đi trước”.

Ngoài ra, tại đây còn có hoạt động triển lãm tác giả và tác phẩm tiêu biểu, thả thơ, giao lưu các câu lạc bộ thơ… Sau lễ khai mạc, vào ngày 18/2, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ diễn ra đêm thơ quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà thơ trong nước và quốc tế. Ngày 19/2, khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại thành Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với sự tham gia của nhiều CLB thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức vào tối 20/2 tại Hà Nội.

Tình Lê

50 quốc gia tham dự Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 17

50 quốc gia tham dự Liên hoan thơ quốc tế lần thứ 17

Ngày thơ Việt Nam 2019 là sự kiện văn học “3 trong 1” sẽ có sự tham gia của hơn 200 đại biểu nước ngoài đến từ 50 nước trên thế giới.