Cuối năm học thứ 2 thời đại học tôi yêu một cô bạn cùng lớp người Thái Bình. Cô gái năm đó 19 tuổi cũng thuộc diện hoa khôi của khoa Văn nên nhiều anh rình rập tán tỉnh. Tôi cũng đâu thua kém: Trai Hà Nội, hình thức được, Đảng viên lại là lớp trưởng nữa. Nên khi hai người yêu nhau, khối kẻ ghen tỵ, lắm lời gièm pha.

Chẳng ai tin là tôi sẽ lấy một người ngoại tỉnh làm vợ, ngay cả cô ấy. Nên một cuộc tình dù mới bắt đầu nhưng không ít nghi ngờ, dằn vặt. Thực ra người ta không tin mình là cũng có lý do. Trước đó tôi đã yêu một cô sinh viên trường sân khấu cũng 19 tuổi, cao ráo, xinh xẻo - một cô diễn viên tương lai người Hà Nội hẳn hoi. Cả hai đã thề non, hẹn biển cuối cùng vẫn đứt gánh. Mà nguyên nhân là do tôi.

Nhiều khi những ân hận về quá khứ khiến người ta tu tỉnh hơn trong hiện tại. Tôi đã từng làm một người đau khổ và không muốn thêm một người nữa đau khổ vì tôi. Đơn giản, hồi đó tôi nghĩ vậy, thế là quyết định cưới.

Cho đến giờ, dẫu có trải qua nhiều biến cố, thăng trầm có lúc tưởng chừng không qua được trong cuộc sống vợ chồng, tôi vẫn không ân hận về quyết định chóng vánh của mình năm ấy.

Là người luôn được tin cậy nên việc tôi quyết định lấy vợ được cả nhà đồng thuận, vấn đề cưới xin còn lại, chỉ là thuyết phục nhà gái. Không có cách nào khác là tìm về quê gặp trực tiếp bố mẹ của cô ấy. Thế là chúng tôi khăn gói lên đường.

Nhờ chuyến đi ấy mà lần đầu tiên tôi đến Thái Bình, lần đầu tiên nhìn thấy dòng sông bên bến phà Tân Đệ, lần đầu tiên ăn chiếc bánh khúc nóng hổi, thơm phức khi phà vừa cập bến để rồi nhớ mãi hương vị một miền quê.

Về đến nhà cô ấy, tôi được cả nhà đón tiếp chu đáo nhưng có phần khách khí. Cơm nước xong định thưa chuyện thì ông bố tất tả vào làng vì có hẹn. Bà mẹ kéo con gái vào buồng tâm sự, còn trơ mỗi mình tôi.

Ngồi mãi vô duyên, tôi thả màn chui vào giường nằm. Âm điệu miền quê yên ả chẳng mấy chốc đã ru tôi vào giấc ngủ. Bỗng tôi nghe thấy ai giật giọng gọi tên mình: "Anh Hùng, dậy! Dậy!". Tôi choàng tỉnh và nhìn thấy bố vợ tương lai đang tốc màn đứng ngay đầu giường khuôn mặt lộ vẻ giận dữ. "Anh dậy đi. Tôi muốn nói chuyện với anh", giọng ông vẫn chưa hết bức xúc.

Tôi lồm cồm bò dậy và ngồi ngay ngắn trên ghế như tội phạm chờ công an xét hỏi. "Anh nói đi, anh quan hệ với con gái tôi như thế nào? Anh về đây làm gì? Tại tôi vừa vào làng thấy người ta nói rác tai lắm, rằng con rể ông Thược về ra mắt. Mà anh thấy đấy, anh đã nói với tôi được câu nào".

Hóa ra vấn đề chỉ có vậy, tôi thở phào nhẹ nhõm và trình bày rành rọt toàn bộ kế hoạch cưới hỏi đã được tôi và bố mẹ tôi bàn thảo kỹ càng. Nghe xong ông cười lớn. Nụ cười ánh cả trong ánh mắt, nó làm khuôn mặt vốn đẹp lão của ông rạng rỡ và thật hiền từ.

{keywords}
Bố vợ của tôi

Từ khi thành con rể của ông, bố con lúc nào cũng tâm đầu ý hợp. Ông cứ chờ tôi về để tâm sự, bộc bạch những chuyện thế thái nhân tình của một người cha, một người bạn, một người Đảng viên 60 năm tuổi Đảng như không thể nói được cùng ai. Ly cà phê bọt mà mỗi lần về tôi cầu kỳ pha cho ông, với ông, cũng là ly cà phê ngon nhất. Rồi cả những bữa ăn tôi từng nấu…

Tất cả những cái đó giờ đã là quá vãng. Lần nào về, đến bên mộ ông hay nhìn ông qua tấm ảnh trên bàn thờ tôi vẫn như thấy nụ cười ông năm nào. Nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy cánh cửa hạnh phúc đã mở ra trước con mình.

Hùng Lý

Mời độc giả gửi bài viết chủ đề "Cha mẹ trong tim tôi" về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng trên VietNamNet. Trân trọng!

 

Cái đệm bằng rơm nếp và buồng hạnh phúc trong căn nhà của mẹ

Kỳ 3: Cái đệm bằng rơm nếp và buồng hạnh phúc trong căn nhà của mẹ

Khi con viết những dòng cuối cùng này mẹ đã thanh thản nằm sâu trong lòng đất quê chồng - chính nơi hồi mới về làm lẽ, mẹ cấy từng nhánh mạ, chăm chút từng cây ớt nhỏ cho đến ngày bung hoa, trĩu quả.

Ngày tôi 'đi B' và món quà mẹ dúi vội vào tay lúc tàu chuyển bánh

Kỳ 2: Ngày tôi 'đi B' và món quà mẹ dúi vội vào tay lúc tàu chuyển bánh

Lúc tàu bắt đầu rùng rùng chuyển bánh, tôi nhảy từ sàn tàu xuống lòng đường ôm chầm lấy mẹ. Mẹ xiết lấy tôi, oà khóc.

Tình và tiền từ bài học của bố

Kỳ 1: Tình và tiền từ bài học của bố

Không thấy bà bán rau quay lại, tôi lo lắng hỏi bố: Có khi nào bà ấy bị làm sao nên không trở về được không? Bố tôi thản nhiên: Bà ấy chẳng bị làm sao đâu con trai ạ. Đồng tiền to quá làm bà ấy mờ mắt thôi.