1.jpg
Ảnh: Minh họa

Kỹ sư điện tử y tế

Thực tế, hiện nay trong ngành y tế cũng như trong các lĩnh vực sinh học, hoá thực phẩm…, máy móc thiết bị ngày càng hiện đại và được sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, trong lĩnh vực y học, ngoài nhu cầu về đội ngũ bác sĩ có khả năng sử dụng các thiết bị này (thường gọi là bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh), nhu cầu về đội ngũ kỹ thuật chuyên bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị này cũng rất cần thiết.

Suốt nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này không được đào tạo chính quy và nếu có thì chỉ một số ít được học từ nước ngoài về. Số còn lại là đào tạo lẫn nhau, tự học hỏi hoặc may ra được đào tạo theo các dự án của các nhà cung cấp trang thiết bị.

Mãi tới năm 1999, khi nỗi lo về sự cố Y2K nổi lên thì dư luận mới quan tâm vì không biết Y2K có gây ra trục trặc cho các trang thiết bị y tế hay không. Đó là mối lo ngại rất lớn với nhiều người vì nó liên quan đến tính mạng của các bệnh nhân đang điều trị bằng các trang thiết bị này. Và nỗi lo càng lớn hơn với những người phải sử dụng các thiết bị như máy trợ tim được cấy vào cơ thể. Nhưng cũng chính vì nỗi lo đó mà GS.TS Nguyễn Đức Thuận, giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội đã thuyết phục được lãnh đạo Bộ Y tế về việc phải chính thức mở ra chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh học (Bio Medical Engineering - BME) với hệ đào tạo chính quy.

Về góc độ xã hội, Y2K cũng là “cú huých” để thúc đẩy sự ra đời của Hội Trang Thiết bị Y tế Việt Nam sau đó không lâu. Theo TS Hà Đắc Biên, Tổng thư ký Hội, nói đến trang thiết bị y tế thì đó là cả một lĩnh vực cực lớn, từ con dao mổ, cây kim, máy móc trong việc sản xuất thuốc… đến các trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính. Máy móc, trang thiết bị hiện đại đã và đang được đưa vào ngành y tế mỗi lúc một nhiều và thậm chí còn phổ cập ra xã hội. Chính vì vậy, để có được một nền y học theo kịp với sự phát triển thì Việt Nam tất yếu phải đào tạo chuyên gia kỹ thuật y tế bên cạnh việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý…

“Bác sĩ” đa năng

Vì BME là một chuyên ngành của Khoa Điện tử Viễn thông, nên trong con mắt của xã hội có lẽ chuyên ngành này về cơ bản là nặng về phần cứng. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đức Thuận cho biết, quan niệm đó không đúng lắm, vì chuyên ngành này cũng không thuần tuý là điện tử y tế mà còn liên quan đến cả nhiều công đoạn khác. Đơn cử như việc chế tạo một viên thuốc thôi, để thuốc sau khi uống sẽ tan ra như thế nào trong cơ thể cũng là cả một vấn đề không đơn giản. Còn như nội soi, thì phải đưa được đầu soi hữu tuyến vào trong hệ thống thực quản để truyền được các hình ảnh bên trong đó ra màn hình. Hiện đại hơn, sẽ có đầu soi vô tuyến giống như một viên thuốc có thể nuốt vào cơ thể và kết quả hình ảnh nhận được sẽ đa dạng, chi tiết hơn…

GS.TS Nguyễn Đức Thuận cho biết, cũng như nhu cầu chung của ngành y tế là cần bác sĩ đa khoa, thì việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật cũng phải là đa năng. Tất cả các bệnh viện và phòng khám lớn nhỏ đều không thể thiếu đội ngũ này. Chính vì vậy, qua 9 năm đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội, kỹ sư BME đã hết sức đắt hàng đối với nhu cầu không chỉ của các cơ sở trong ngành y tế, mà cả với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế.

Cho đến nay, ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội, mới có thêm 2 địa chỉ nữa đào tạo về BME là ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐHDL Nguyễn Tất Thành. GS TSKH Lê Trần Bình, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học - Viện KHCN Việt Nam cho biết, trong tương lai, vấn đề này cần được quan tâm đào tạo ở một vị trí xứng đáng hơn, và thậm chí, phải có một trường trực thuộc ĐHQG Hà Nội, độc lập với ĐH Công nghệ hiện nay.

Theo pcworld.com.vn