- Không chỉ là nghệ nhân giỏi, mà ông Lê Ngọc Hùng ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam còn là người thầy tâm huyết với nghề làm trống. Để bảo tồn và phát triển hơn nữa làng nghề truyền thống thủ công, làng trống Đọi Tam rất cần những người con ưu tú như nghệ nhân Lê Hùng để “giữ lửa và truyền lửa” cho thế hệ sau.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Tâm huyết với nghề

Từ lâu, làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã nổi tiếng với nghề truyền thống thủ công của tổ tiên, đó là làm trống.

Đọi Tam mang dáng dấp của làng nghề Việt cổ với những cây gạo, cây đa xù xì cả trăm năm tuổi, giếng làng, các cây si tỏa bóng, rễ chảy dài dưới mặt nước, đình làng nơi lưu trữ những nét đẹp văn hóa tâm linh mà ít nơi nào có được. Đâu đây bập bùng tiếng trống, rộn rịp tiếng xe gỗ,…

Người đàn ông gần 50 tuổi đang miệt mài miết những lớp sơn vào các khe của chiếc trống. Đây chính là ấn tượng ban đầu của tôi khi được biết về ông Lê Ngọc Hùng - chủ cơ sở sản xuất trống Thanh Tùng ở làng nghề Đọi Tam.

Ở đây, mỗi người một việc, phối hợp nhịp nhàng với nhau dường như nhiệt huyết, yêu nghề, tinh thần làm việc hăng say có trách nhiệm của những người thợ đã tạo nên khí thế cho cơ sở làm trống. Ông Hùng chia sẻ: “Nhà ông nhiều đời làm nghề trống. Cha truyền, con nối, cơ sở làm trống này cũng đã có tương đối lâu, cho ra đời không ít những chiếc trống phục vụ rất nhiều lễ hội của các địa phương trên cả nước”.

Vừa là nghệ nhân, lại là chủ cơ sở làm trống lớn trong làng, ông Hùng phải có niềm say mê với nghề và đặc biệt là sự yêu thích trống. Ông thường ví trống là “những đứa con tinh thần” của mình. Ông tâm sự “làm trống phải trải qua 3 bước: làm da, làm tang và bưng trống, công đoạn nào cũng quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có bằng con mắt, bàn tay và tấm lòng người thợ mới chọn được những cây mít tốt để ngả lấy gỗ rồi công phu xẻ răm, chuốt răm, cộng thêm sự tính toán tỉ mỉ về kích thước để khi vào tang thật khớp. Chỉ người thợ dưới chân núi Đọi này mới biết cách chọn trâu, thuộc da và bưng mặt thế nào cho tiếng trống có hồn trong đó”.

Nói với tôi về chiếc trống lớn nhất Việt Nam với tên gọi trống “Sấm” ánh mắt ông Hùng như có thêm niềm vui. Chiếc trống sấm có đường kính 2,35m, cao 3m, được dùng trong lễ hội mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội…. Chiếc trống này do gia đình ông Phạm Chí Khang cùng hơn 10 nghệ nhân xuất sắc ở làng Đọi Tam phối hợp thực hiện. Với thành công của chiếc trống đó, sự đóng góp của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng không hề nhỏ.

{keywords}

Ảnh: VietNamNet

Để nâng cao kiến thức phục vụ cho việc làm trống , ông Hùng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các cơ sở làm trống trong làng. Chính vì vậy, nghệ nhân yêu nghề này có nhiều giải thưởng lớn trong các hội nghị tuyên dương Nghệ nhân giỏi của tỉnh Hà Nam hàng năm.

Người “ giữ lửa và truyền lửa”

Cuối năm là thời gian nông nhàn, cũng là dịp cả làng Đọi Tam (Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) và vụ trống, chuẩn bị cho “tháng Giêng là tháng ăn chơi…”. Khách thập phương tìm về Đọi Tam đặt thợ bưng trống đủ các loại kích cỡ. Vì thế chuyến đi của tôi càng thấy được không khí nhộn nhịp làm trống chuẩn bị cho các lễ hội đầu xuân trong các cơ sở ở làng Đọi Tam.

Cơ sở làm trống của ông Hùng cũng vậy, không chỉ là nơi tạo công ăn việc làm cho các nghệ nhân, ông còn dạy nghề cho các thanh niên trong làng. Nghệ nhân Hùng luôn nhấn mạnh: sự khác biệt lớn nhất giữa trống Đọi Tam và trống các làng khác là âm phát ra từ trống. Tiếng trống được làm từ làng Đọi Tam phát ra âm thanh trầm, bổng rõ ràng. Ông Hùng tự hào nói với các học trò của mình “không phải tự nhiên mà trống Đọi Tam được lựa chọn ở nhiều lễ hội, sự kiện quan trọng của đất nước”.

Hiện nay, nghệ nhân Hùng thường xuyên tham gia giao lưu các hội thảo liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống, ông luôn học hỏi, sáng tạo cách làm mới vốn kinh nghiệm làm trống lâu năm của mình để truyền dạy cho các học trò những kỹ năng quý giá.

Hiện nay, cơ sở làm trống của ông Hùng nói riêng, các cơ sở khác của làng Đọi Tam nói chung đã và đang sử dụng các thiết bị máy móc trong việc làm trống. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà cơ sở của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng thu hút rất nhiều thợ nghề giỏi cũng như thợ học nghề. Đạt được điều này chính nhờ sự nhiệt tình, niềm đam mê, tận tình với nghề làm trống của ông Hùng.

{keywords}

Bồn tắm gỗ, một trong những sản phẩm mới của làng trống. Ảnh: VietNamNet

Thời gian gần đây, bình rượu và bồn tắm bằng gỗ hiện đang được khách hàng ưa chuộng. Nắm bắt được thị trường tiêu thụ, ông cũng đang đưa hai sản phẩm này vào sản xuất tại cơ sở của mình, cũng như tìm tòi và sáng tạo cách mới cho sản phẩm để chỉ dạy các học trò của mình.

Chia tay ông Hùng, đi qua đình làng, tôi thấy đội trống của làng đang tập luyện để chuẩn bị cho các lễ hội. Khung cảnh đó chính là những hy vọng về việc bảo tồn tinh hoa của một làng nghề cổ. Làm được điều này cần hơn nữa những người “ giữ lửa và truyền lửa” cho các thế hệ sau như nghệ nhân Lê Ngọc Hùng.

Minh Thu