Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, vốn là doanh nghiệp nhà nước. Năm 2004, được cổ phần hóa theo quyết định của Bộ Công nghiệp, (nay là Bộ Công thương). 

Tháng 8 năm 2015, Công ty Rạng Đông trở thành doanh nghiệp vốn tư nhân, theo quyết định của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.. 

Khu đất tại số 87-89 Hạ Đình, có diện tích hơn 5,7ha, do Công ty Rạng Đông quản lý, sử dụng, theo quyết định cho thuê năm 2005 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, năm 2007. 

Liên quan đến khu đất này, được biết, tháng 5 năm 2017, Công ty Rạng Đông có văn bản, đề nghị ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho phép lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu đất 87 - 89 Hạ Đình.

Tháng 3 năm 2018, Công ty Rạng Đông tiếp tục có văn bản, đề nghị tiếp tục thẩm định, trình ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500.

Cho đến thời điểm xảy ra sự cố cháy nhà máy Rạng Đông (ngày 28 tháng 8) thì việc điều chỉnh quy hoạch khu đất 87- 89 phố Hạ Đình (khu đất nhà xưởng nhà máy Rạng Đông vừa cháy) chưa được thực hiện.

Đáng lưu ý, trong văn bản của Sở Kế hoạch – đầu tư, gửi Công ty Rạng Đông vào tháng 8 năm 2018 cho biết, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng ủy ban nhân dân thành phố đã có báo cáo trình Thành uỷ, về việc thực hiện lập danh mục xác định tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành.

Trong tổng hợp, khu đất số 87-89 Hạ Đình không nằm trong danh mục đã báo cáo. Như vậy, trong lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành đến năm 2020 của Thành phố Hà Nội, nhà máy Rạng Đông không nằm trong diện phải di dời.

Nhưng sau khi sự cố ô nhiễm môi trường cháy nhà máy Rạng Đông, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới yêu cầu, khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới. Lúc này, sự cố đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng nghìn hộ dân quanh nhà máy.