Việc bổ sung đối tượng ưu tiên đại học bằng cách cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng...và tuyển thẳng học sinh ở huyện nghèo trong kỳ thi đại học năm nay đang khiến dư luận xôn xao.
Các chuyên gia giáo dục cũng như nhiều độc giả cho rằng nên có những cách hỗ trợ khác thay vì cộng thẳng điểm ưu tiên vào điểm thi đại học, gây ảnh hưởng đến chất lượng cử nhân cũng như không đảm bảo công bằng cho những thí sinh khác.
Ảnh minh họa: Văn Chung |
“Hình thức cộng điểm nào cũng là không công bằng”
Trao đổi với báo Thanh Niên, GS-TSKH Hà Huy Bằng, Chủ nhiệm Khoa Lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội cho rằng “không nên quy đổi ra điểm vì không có sự tương đương”. Nếu thí sinh thuộc đối tượng chính sách hoặc các khu vực vùng sâu vùng xa thì Nhà nước có thể hỗ trợ thí sinh bằng tiền trợ cấp hoặc các ưu đãi về vật chất khác. “Sự quy đổi nếu làm ảnh hưởng đến người thứ ba, rộng hơn là tới xã hội thì càng không nên” – ông Bằng lập luận.
Theo ông Bằng, việc cộng điểm cho thí sinh không chỉ gây ảnh hưởng tới sự công bằng trong học tập mà nếu ngành đào tạo là những ngành gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, dân trí… của người dân như y bác sĩ, giáo viên thì việc ưu tiên bằng điểm sẽ dẫn tới những hậu quả lâu dài cho cộng đồng.
Là một trong những người phản đối mạnh mẽ chủ trương này, Nhà giáo ưu tú Lê Thái Phong, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đưa giải pháp “có thể mở các trường dự bị giúp các em thuộc diện chính sách còn thiếu hụt kiến thức, kỹ năng bồi dường thêm. Sau khi học xong các lớp dự bị này, để được học lên đại học, các em vẫn sẽ phải vượt qua kỳ thi tuyển như các thí sinh khác”.
“Sự ưu đãi bằng điểm số sẽ là sự xúc phạm tới những người có nhân cách. Những người có nhân cách chắc cũng chẳng lấy làn vui khi mình đỗ ĐH do được ưu tiên khu vực 1, 2 hay đối tượng ưu tiên 1, 2…” – ông Phong nói thêm.
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ - văn hóa Nga, ĐH Hà Nội cũng cho rằng tất cả các loại hình cộng điểm ở các kỳ thi đều không công bằng. Điều này sẽ khiến sinh viên ngồi trong cùng một lớp có trình độ rất khác nhau, khiến giảng viên phải bận tâm và vô hình chung kéo chất lượng giáo dục đại học đi xuống. Ông Khôi ủng hộ việc Nhà nước bỏ tiền ra cho các em học bổ túc hoặc học dự bị để đạt trình độ ngang bằng với thí sinh ở các khu vực khác.
Tuyển thẳng: Nghèo là một lợi thế?
Mùa tuyển sinh năm nay, theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, TS được tuyển thẳng theo diện này phải tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), theo quy định của Chính phủ được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức một năm học trước khi vào học chính thức.
Hiệu phó Nguyễn Hữu Dư cho rằng: "Đây là quy định khá vô lí và cần phải xem lại. Đành rằng các em ở vùng các huyện nghèo nhưng nơi nào không có người giàu người nghèo?"
Nhiều bạn đọc cũng nêu quan điểm rõ ràng với hình thức ưu tiên cộng điểm cho thí sinh thuộc diện chính sách và thí sinh ở những vùng miền khó khăn.
Độc giả Thanh Nhã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Chất lượng của các SV được tuyển thẳng ĐH chỉ xứng đáng học trường nghề hoăc trung cấp. Liệu khi những SV này ra trường, các vị có dám để các bác sĩ này điều trị, chữa bệnh cho mình không? Các SV này sau khi tốt nghiệp sẽ bám trụ ở lại thành phố khiến dân số ở các thành phố càng gia tăng. Tình trạng này kéo dài mấy chục năm nay rồi, nơi dư vẫn dư, nơi thiếu vẫn thiếu!”
Anh Phạm Lễ thì cho rằng những quy định ưu tiên này đang biến các trường đại học thành một loại trợ cấp xã hội, xóa đói giảm nghèo hay một loại khen thưởng gì đó. Về quy định tuyển thẳng học sinh thuộc các huyện nghèo vào ĐH sau khi đã bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chính thức, anh Lễ tranh luận gay gắt: “Hàng triệu học sinh mỗi năm phải cần cù học tập, tốn biết bao mồ hôi công sức, cộng thêm tiền bạc của bố mẹ, hi sinh rất nhiều sở thích cá nhân để theo đuổi giấc mơ đại học. Họ phải vượt qua một kì thi vô cùng khắc nghiệt với tỉ lệ chọi nhiều khi ngất ngưởng mới được ngồi ghế đại học. Suất học đại học phải dành cho những bạn có năng lực và có công sức phấn đấu suốt một thời gian dài. Vậy mà với cơ chế tuyển thẳng này, có một số không ít các đối tượng nghiễm nhiên vào trường đại học, chiếm chỗ của người khác với một lý do hết sức ngớ ngẩn là vì họ xuất thân ở các huyện nghèo.
Từ bao giờ cái nghèo đã trở thành quyền lợi? Từ bao giờ người nghèo phải được ưu ái? Đây là kiểu công bằng gì vậy? Những người khác đang hàng ngày vật lộn với cuộc sống để thoát nghèo thì sao? Vậy tôi nằm dài cho thật nghèo rồi tự khắc sẽ được ưu tiên đủ thứ phải không?”
Bạn đọc Phạm Hùng đặt câu hỏi “tại sao lại phải là đại học, cao đẳng mà không phải là trung cấp?”. Anh Hùng lo ngại chính những thí sinh này sẽ không theo nổi chương trình học, rồi sau 3 năm, 5 năm nghiễm nhiên có một tấm bằng, rồi lại thăng quan tiến chức, và liệu sẽ kéo theo bao nhiêu hệ lụy?
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)