Từ chạy xe ôm, phụ hồ đến mong ước thoát nghèo
Trời mưa, con đường dẫn vào xã Triệu Phước, Triệu Phong lẹp nhẹp bùn đất. Căn nhà nhỏ vẫn còn lụp xụp của vợ chồng anh Nguyễn Phi Học (54 tuổi) nằm khuất sau những rặng cây. Anh Học là một trong hai hộ dân ở xã này làm một điều "khác người" khi... viết đơn ra khỏi hộ nghèo.
Nguyễn Phi Học sinh ra ở xã Triệu Phước, Triệu Phong, đến năm 1975 theo gia đình lên làm kinh tế mới tại Tân Phước (thị trấn Lao Bảo ngày nay).
Năm 1991, anh lập gia đình với chị Hồ Thị Chung và sống với bố mẹ tại khóm Cao Việt, thị trấn Lao Bảo. Sau đó, vợ chồng anh tách hộ và đến khóm Tây Chính định cư.
“Cuộc sống của 2 vợ chồng tôi khi ấy vừa nghèo vừa vất vả khi 5 đứa con gái lần lượt chào đời”, anh Học tâm sự.
Anh Nguyễn Phi Học (bên phải) - người tình nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. |
Để chăm lo cho gia đình có ái ăn, mặc, anh Học phải làm đủ thứ nghề từ chạy xe ôm, bốc vác cho đến cắt cỏ, phụ hồ, còn vợ anh thì buôn bán rau ở chợ. Thế nhưng chẳng ai ngờ, sau những trận ốm liên miên kéo dài dai dẳng, anh Học phát hiện mình bị khối u ác tính ở thận phải. Bác sĩ khuyên anh cần điều trị sớm để tránh di căn.
Không có tiền, anh chị phải chạy vạy, vay mượn người thân, họ hàng rồi dắt díu nhau ra Bệnh viện K (Hà Nội) để phẫu thuật.
Khi bệnh cũ của anh Học chưa khỏi hẳn thì chị Chung – vợ anh lại mặc bệnh u tuyến giáp. Bởi thế hoàn cảnh gia đình anh vốn đã khó khăn nay lại khổ gấp trăm phần. Chính quyền địa phương đã bình xét gia đình anh chị vào hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo.
Những năm gần đây, bệnh tình thuyên giảm phần nào, vợ chồng anh Học đã cố gắng mưu sinh, tăng giả sản xuất để ổn định cuộc sống.
“Khi cuộc sống khấm khá hơn, tôi đã quyết tâm ra khỏi hộ nghèo để dành suất đó cho những gia đình khó khăn hơn” anh Học nói.
Anh cho biết thêm, “Ngày trước vợ chồng tôi khổ khi ốm đau liên miên, con cái lại tuổi ăn tuổi học mà quanh năm chỉ bám vào mấy sào ruộng. Bây giờ vợ chồng tôi đã khỏi bệnh nên phải cố gắng làm việc kiếm tiền nuôi con. Hy vọng tương lai các con sau này sẽ không còn vất vả như bố mẹ”.
"Tôi không thể cứ trông chờ, ỷ lại mãi"
Giống như gia đình anh Học, vợ chồng ông Lê Phi (61 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lanh (57 tuổi) cũng có cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng tình nguyện xin thoát hộ nghèo.
Ngày trước, vợ chồng ông bà sống trong căn nhà nhỏ, ọp ẹp với 4 người con. Hàng ngày, bà Lanh gánh bánh đúc đi bán cho người dân trong vùng, ông Phi cũng làm đủ nghề mưu sinh.
Năm 2013, bà Lanh mắc bệnh thiếu máu tán huyết di truyền phải nhập viện điều trị dài ngày, với chi phí khá cao.
Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn, nay bà Lanh lại mắc bệnh khiến cho kinh tế gia đình ngày càng suy kiệt. Gia đình ông từ đó được liệt vào danh sách hộ nghèo của địa phương.
“Các con tôi khi đó cũng đã có gia đình, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên không thể cứ trông chờ, ỷ lại mãi vào các con.
Ông Lê Phi dù có tuổi nhưng vẫn nỗ lực mưu sinh để thoát nghèo. |
7 năm qua, tôi đều nỗ lực mưu sinh, dành dụm tiền lo cho vợ chữa bệnh. Thấy bà ấy khỏe ra sau mỗi lần điều trị là tôi rất vui”, ông kể.
Cuối năm ngoái, nhận thấy cuộc sống gia đình mình đã có phần ổn định hơn trước, ông Phi tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo. Ông bảo, “Tôi muốn làm gương cho con cái và người dân rằng, nghèo mãi là hèn, phải biết xấu hổ. Mình ở đây đất đai nhiều, phải tự tay mình làm mà ăn, đừng trông chờ, ỷ lại vào chính quyền hay ai khác”
Đơn tình nguyện xin ra khỏi hộ cận nghèo của gia đình ông Lê Phi đã được UBND thị trấn chấp thuận và biểu dương trong dịp khu dân cư Tây Chính tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, được nhiều người khen ngợi.
UBND thị trấn Lao Bảo ghi nhận, tặng giấy khen cho ông bà vì “Đã có tinh thần vươn lên thoát nghèo năm 2019”.
Câu chuyện của hai gia đình trên không đơn thuần là lá đơn xin thoát nghèo, không phải là những ngày làm xe ôm, phụ hồ, không phải là gánh bánh đúc đi bán cho người dân trong vùng để thoát nghèo mà quan trọng hơn là lòng tự trọng, khí phách của những con người đang sống đúng nghĩa. Họ quyết tâm làm giàu bằng đôi tay, bằng sức khỏe của mình chứ không bao giờ trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của xã hội.
Lương Bằng
Ảnh: Phạm Thiện