Tàu vụ trụ của Nga có thể là nguyên nhân khiến hàng nghìn linh dương quý hiếm chết bí ẩn ở Kazakhstan trong 2 năm vừa qua, theo giả thuyết mới của các nhà khoa học.

Ít nhất 12.000 con linh dương Xaiga quý hiếm ở Kazakhstan đã chết bí ẩn vào tháng 5/2010 và 450 con khác được phát hiện chết 1 năm sau đó. Cho đến nay, có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến linh dương chết hàng loạt, bao gồm nhiễm khuẩn từ phân bón hóa học và khí thải từ tàu vũ trụ của Nga.

Hàng nghìn con linh dương Xaiga chết bí ẩn ở Kazakhstan trong những năm gần đây

Bộ Nông nghiệp Kazakhstan mới đây đã kết luận chính thức rằng linh dương Xaiga bị chết do bị bệnh tụ huyết trùng (pasteurellosis) – một loại bệnh đường phổi do vi khuẩn gây ra trên động vật có hệ miễn dịch yếu.

Tuy nhiên, một số nhà sinh thái học ở Kazakhstan lại cho rằng nguyên nhân là do các cuộc hạ cánh gần đây của một tàu vũ trụ từ Trạm không gian (ISS) xuống  Kazakhstan.

Tháng 4 vừa qua, tàu vũ trụ Soyuz của Nga chở theo 2 phi hành gia người Nga và 1 phi hành gia người Mỹ đã hạ cánh xuống gần ngôi làng Sorsha ở Kazakhstan – nơi ít nhất 120 xác chết của linh dương Xaiga được phát hiện sau đó.

Một giả thuyết tương tự cho rằng sân bay vũ trụ Baikonur ở miền trung Kazakhstan – địa điểm phóng tất cả các tàu vũ trụ có người lái của Nga lên trạm ISS, là nguyên nhân chính khiến linh dương chết hàng loạt.

Nhà hoạt động Xanh Musagali Duambekov cho rằng các chất hóa học từ tên lửa phóng từ sân bay vũ trụ này đã khiến linh dương Xaiga bị nhiễm độc và tử vong. Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ khả năng phân bón hóa học làm suy yếu hệ miễn dịch của linh dương.

Trong khi đó, ông Eleanor Milner-Gulland, chủ tịch Liên minh bảo tồn linh dương Xaiga, cho biết linh dương có thể ăn quá nhiều cỏ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh tụ huyết cầu trong mùa sinh sản. Lý do là bởi phần lớn linh dương tử vong là những con cái vừa mới sinh con và có sức đề kháng kém.

Theo Daily Mail, số lượng loài linh dương Xaiga lên tới hàng triệu con vào những năm 1950. Tuy nhiên, hiện nay loài động vật này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt lấy sừng để làm thuốc. Theo thống kê mới nhất, hiện chỉ còn khoảng 85.000 con linh dương Xaiga sống ở các vùng thuộc Nga, Mông Cổ, Uzbekistan và Kazakhstan

Hà Hương