Ngày nay, khi mà rất nhiều người có trình độ cao vẫn thất nghiệp hoặc chấp
nhận đi làm với mức lương bèo bọt thì nhiều người khác chẳng học hành gì vẫn có
thu nhập khá mà vẫn chưa bằng lòng. Đó là nghề giúp việc!
Lương cao vẫn khó tìm
Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khi mà nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đành
phải đóng cửa hoặc nghĩ cách sa thải bớt nhân viên, giảm lương… thì có một thực
tế rất ngược đời: lương dành cho người giúp việc cứ tăng vù vù mà tìm đỏ mắt vẫn
không ra.
Đối với những gia đình trẻ có con nhỏ, tìm người giúp việc luôn là một vấn đề
“đau đầu”. Đối với những phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở thì những tháng cuối cùng
trước khi nghỉ sinh, vấn đề tìm người giúp việc luôn trở nên hết sức cấp bách.
Đây là lúc họ phải vận dụng mọi mối quan hệ từ thân đến sơ để có được một người
giúp việc.
Với người lần đầu tìm người giúp việc, điều mà họ quan tâm chủ yếu ở hai lĩnh
vực: tuổi tác và giá cả. Các cặp vợ chồng trẻ lúc đầu thường muốn tìm một người
đứng tuổi cho “an toàn”, và chi phí thì cũng không đến nỗi quá cao.
Vì là người chưa có kinh nghiệm, những “ông bà chủ” này chưa chú ý quá nhiều đến
tính cách nên có vẻ dễ tìm được người giúp việc hơn. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày
tiếp xúc, va chạm, mọi sự phức tạp mới bắt đầu bộc lộ và “hành trình” tìm, đổi
người giúp việc bắt đầu.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ tìm người giúp việc cũng đơn giản nên chỉ chú trọng tìm một
người đứng tuổi để không phải lo ông xã “tòm tem”, và quan trọng nhất là họ
không đòi lương quá cao. Nhưng đến lúc va chạm mới biết thật là vô cùng khó. Chị
Thu Minh, ở phố Minh Khai tâm sự. Chính vì cái sự “khó” nên kể từ lúc “chia tay”
người giúp việc đầu tiên, chỉ trong vòng vài tháng, chị Minh đã phải thay đến
gần chục người mà vẫn chưa tìm được osin ưng ý. Đến nước này, giá cả đã không
còn là vấn đề quá quan trọng nữa, đắt cũng được, miễn sao người ta làm tốt.
Không phải cứ sẵn sàng trả lương cao là có thể tìm được người giúp việc tốt. Ảnh minh họa |
“Lương mỗi tháng 3,5 triệu, ăn uống thời buổi này ít nhất cũng phải 1,5 triệu nữa. Rồi thì từ quần áo, xà phòng tắm, quạt điện, nước nóng cho đến… phụ kiện vệ sinh phụ nữ…, cộng tất cả lại, con số chi cho người giúp việc khiến một người làm công chức như tôi chóng mặt” – chị An, công tác tại một văn phòng công chứng nhà nước cho biết.
Với mức chi phí này, nhiều người tốt nghiệp đến 2 bằng đại học đã chọn phương án nghỉ việc ở nhà trông con, vì tiền lương trả cho người giúp việc cao hơn thu nhập của họ cơ quan.
“Lên mặt” chọn chủ nhà
Với thị trường người giúp việc luôn “cháy hàng”, cầu nhiều hơn cung thì ngoài lương cao, những người có kinh nghiệm, đã “thành tinh” trong nghề này luôn biết cách làm cao và đòi hỏi những điều khoản khiến cho các “ông chủ bà chủ” phải cười như mếu.
Chị Thu Phương, nhà ở đường Láng cho biết, chị đã thay qua khá nhiều “đời” giúp việc mà vẫn không tìm được người ưng ý. Không phải vì chị quá khó tính, mà ngược lại, chính là vì mỗi người một kiểu, ngoài việc đề nghị lương cao, họ còn đòi hỏi những điều mà chị không thể đáp ứng.
“Tôi có lẽ không có “tay” nuôi người giúp việc. Hai vợ chồng tôi là công chức nhà nước, cố lắm mới mua được một căn hộ nhỏ. Cô giúp việc mới vừa thò mặt vào nhà đã chê: khiếp, nhà vệ sinh nhỏ thế. Nhà cũ em ở, nhà vệ sinh đã rộng 15m2 rồi, còn rộng hơn cái phòng ngủ nhà chị”! Nói xong, cô ta đi quanh nhà, nhòm ngó, chê nhà chật, bí, không khí không tốt… rồi xách túi, “chào anh chị em đi nhà khác”!
Không bị osin “chê” nhà chật như chị Phương, chị Lan Hoa, nhà ở khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính lại bị cô giúp việc này chê nhà chị… nấu ăn không hợp khẩu vị. Chị Hoa kinh tế khá giả, nhà rộng hơn 200m2, có 2 người giúp việc, một trông trẻ nhỏ, một chuyên nấu ăn và dọn nhà. Cô trông trẻ mới xinh xắn, nhanh nhẹn và yêu trẻ con nên anh chị rất thích. Tuy nhiên, cô này lại rất kén ăn: Không ăn thịt mỡ, dù chỉ dính một tí; không ăn hành, không ăn các loại cá không có vảy, không ăn đồ tây… Vì vậy, bữa ăn nào nhà chị cũng phải có thức ăn riêng cho cô giúp việc này. Nhưng, cái cách kén chọn ăn uống của cô ta lại làm cho người nấu ăn trong gia đình khó chịu. Cuối cùng, bác nấu ăn ra điều kiện: nếu cô ta ở lại, tôi đi! Tiếc người trông trẻ khéo, nhiều hôm đi làm về, chị Hoa phải tự tay vào bếp nấu ăn riêng cho cô osin khó tính.
Nhưng khó tìm người giúp việc nhất có lẽ là những gia đình vừa có trẻ nhỏ, vừa có người già. Những người giúp việc trẻ thường kén những gia đình trẻ không ở cùng bố mẹ, vì họ không muốn bị “soi”.
“Mình đi làm còn phải chiều theo ý sếp, bị sếp soi đủ thứ. Nhưng osin bây giờ họ chỉ muốn tự do làm theo ý họ. Lúc mình đi làm, họ muốn phải là bà chủ. Vì vậy, phần lớn những cô giúp việc vừa vào đến nhà mình đã hỏi ngay: Nhà chị có ở cùng ông bà không? Và họ vội vã quay gót ngay khi câu trả lời của tôi là “có” – chị Kiều Ninh, làm kế toán ở một ngân hàng cho biết. Cuối cùng, chị đã tìm được một người chịu khó ở nhà chị, nhưng với mức lương cao hơn thỏa thuận ban đầu.
Ngoài ra, cũng có người thì chê nhà nhiều tầng leo mỏi chân, người kêu trẻ con nhà này hay khóc, người không thích ông chủ ngáy to (?!), không giặt quần áo bằng tay… Nhưng có lẽ, chuyện nhà Thùy là có một không hai. Hồi ấy, khi Thùy chuẩn bị sinh em bé, cô liền ra trung tâm giới thiệu việc làm để tìm một cô giúp việc. Chị này cũng không còn quá trẻ, đã hơn 30, là gái muộn chồng, có kinh nghiệm chăm trẻ con. Nói chung là rất ổn. Hôm đầu tiên đến nhà, chị ấy rất vui vẻ. Nhưng buổi tối, đến giờ xem phim, chị ta bỗng kêu thất thanh: Ơ, sao tivi nhà em không có phim “Chuyện tình mùa đông”?. Thế rồi, chị ta nhất định không chịu làm tiếp, vì “phim này hay lắm, còn mấy chục tập nữa. Xem từ giờ đến Tết mới hết”. Thế là, Thùy đành phải hủy hợp đồng truyền hình cáp để chuyển sang nhà đài khác “chiều” osin.
“Kén cá chọn canh”, ra đủ mọi điều kiện cho chủ nhà khi vừa gặp mặt là điều thường gặp ở người giúp việc hiện nay. Qua rồi cái thời người giúp việc khép nép khi gặp chủ nhà (điều này tất nhiên có mặt tốt, vì xã hội ngày nay văn minh, tiến bộ và bình đẳng). Tuy nhiên, đòi hỏi một cách quá đáng là điều khó chấp nhận.
Theo kinh nghiệm của một số người thì “tìm người giúp việc tốt không khó, chỉ có điều mình phải đáp ứng tất cả những yêu cầu của họ!” – chị Thoa, giáo viên cấp III cho biết. Ví dụ: Tiền lương không được thấp hơn lương của người giúp việc hàng xóm (nếu là giúp việc của nhà đại gia thì khổ rồi); phải đối xử như với người nhà (nhưng người nhà giúp mình thì có lấy tiền đâu nhỉ?); rồi thì một năm phải may mấy bộ quần áo, về quê mấy lần cố định trừ những lần đột xuất bố mẹ ốm, giỗ ông bà, đám cưới họ hàng, ăn hỏi con bạn thân, hội làng, vv và vv…
Ứng xử với người giúp việc là cả một “nghệ thuật sống” chưa có sách nào dạy. Vì vậy, trong khi thị trường chưa cung cấp được đội ngũ osin chuyên nghiệp với mức lương hợp lý, thì muốn có được người giúp việc tốt là cả một quá trình tự học hỏi, rút kinh nghiệm. Thêm vào đó, chắc chắn bạn phải là người may mắn. Bởi, ngay cả khi bạn sẵn sàng trả lương rất cao, việc có một một người giúp việc như ý vẫn là điều không dễ.
(Theo VnMedia)