- Tôi thật sự đau lòng khi phải nói ra việc này. Tôi có 2 người con, hoàn cảnh kinh tế gia đình không đến nỗi nào. Tuy nhiên, đứa con thứ hai của tôi đi hết từ sai lầm này tới sai lầm khác không chịu sửa chữa những sai lầm của mình.
Vợ chồng tôi đã phải chịu nhiều đau khổ và điều tiếng với họ hàng, người thân. Chúng tôi đã dùng hết lời lẽ để khuyên bảo con nhưng nó vẫn chứng nào tật đó. Thậm chí bây giờ vì lợi ích bản thân nó chửi cả cha mẹ và đe dọa chúng tôi. Tôi thật sự đau đầu và mệt mỏi về việc này. Tôi muốn từ đứa con này thì phải làm thế nào để tôi không bị phiền nhiễu những tháng ngày còn lại. Đây là một quyết định vô cùng khó nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác?
Luật sư Nguyễn Thành Công Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, 19B Cao Bá Nhạ, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM trả lời: Chào ông, vấn đề của ông thật sự là rất nhạy cảm và đau xót. Theo pháp luật nước ta hiện nay thì không quy định về việc cha mẹ từ con cái hoặc ngược lại dù bất cứ lý do nào xảy ra.
Theo Khoản 2 Điều 43 BLDS 2005, Khoản 2 Điều 89 Luật HN và GĐ 2014 thì người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con của mình. Mà theo điểm b Mục 5 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì “… khi có người yêu cầu Toà án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; do đó về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien…”. Có thế thấy, quy định trên là nhằm để xác định người con có thật sự là con của cha, mẹ về mặt sinh học hay không, rồi từ đó mới xét về mặt pháp lý.
COn gái ngoan là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Ảnh minh họa |
Còn trường hợp của ông, có thể hiểu là từ khi người con này sinh ra đến nay được xác định là con của vợ, chồng ông về mặt pháp lý, nay vì lý do người con này ngỗ nghịch nên ông muốn “từ” nó. Việc này là có thể nếu như ông chứng minh được về mặt sinh học người con này thực sự không phải là con của ông theo như quy định nói trên. Còn nếu không chứng minh được thì không thể yêu cầu tòa án tuyên người con này không phải là con của ông được. Như vậy, pháp luật không quy định trường hợp cha, mẹ có quyền không nhận con khi người này ngỗ nghịch,… mà chỉ xét đến việc không nhận con dựa trên quan hệ huyết thống nói trên, việc không quy định này là nhằm tôn trọng và bảo vệ sự thiêng liêng của quan hệ huyết thống của mọi người, từ đó để quy định nhưng quyền và nghĩa vụ của những người có quan hệ huyết thống với nhau.
Do đó, nếu ông không chứng minh được người con này không cùng huyết thống với ông thì về mặt pháp lý, người con này vẫn là con của vợ chồng ông và vợ chồng ông vẫn phải có nghĩa vụ “thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội” (K1, Đ 69 Luật HN và GĐ 2014). Trong trường hợp thứ nhất: người con này là người chưa thành niên, đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì vợ chồng ông phải có các nghĩa vụ của cha mẹ đối với con theo Điều 69 Luật HN và GĐ năm 2014 cũng như có nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con và nhiều nghĩa vụ khác. Trường hợp thứ hai: con của ông đã thành niên và không thuộc các trường hợp như mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì pháp luật không ràng buộc nhiều trách nhiệm của ông với con như đối với trường hợp thứ nhất. Vì vậy, nếu như con ông thuộc trường hợp thứ hai thì ông có thể “từ” con về mặt gia đình và xã hội, tức là vợ chồng ông có thể không cho con ông sống chung nhà, lập di chúc không để lại tài sản cho người con này, nói chung là không quan tâm đến cuộc sống của người này nữa.
Tuy nhiên, theo tôi thì mỗi con người đều trải qua những giai đoạn khác nhau với các tác động của môi trường bên ngoài cũng như tâm sinh lý bên trong và từ đó có những suy nghĩ cũng như hành động khác nhau ở mỗi giai đoạn tương ứng, có thể lúc này con của ông chưa ý thức được những hành động của bản thân nhưng ở giai đoạn khác thì người này sẽ nhận ra được lỗi lầm và thay đổi. Vì vậy, ông nên bình tĩnh, tìm hiểu thêm về nguyên nhân, hoàn cảnh chính làm xuất hiện những hành động của con ông để từ đó có những phương pháp giáo dục tốt hơn, nếu tất cả những gì ông làm đều vô tác dụng thì ông hãy cho con ông sống ở một môi trường khác hơn như quân đội, hoặc cho con ông một cuộc sống tự lập ở chỗ khác.
Mong ông có thể giải quyết được khó khăn, khúc mắc của gia đình.
Tư vấn bởi Ls.Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật- Đoàn Luật sư TP.HCM 19B Cao Bá Nhạ, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc