Cà phê có thể kích hoạt một cơ chế đốt cháy chất béo hiệu quả trong cơ thể bạn, theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Sciencetific Reports.
Michael Symonds, giáo sư tại Đại học Nottingham, cho biết các cơ chế này tương tự như của chất béo nâu. "Chất béo nâu là một thành phần độc đáo được sử dụng để tạo nhiệt. [Nhưng] nó chỉ hiện diện với một lượng khá nhỏ trong cơ thể", ông giải thích.
Khi chất béo nâu giúp cơ thể tạo nhiệt, nó cũng đốt cháy chất béo tổng thể. Trước đây, loại mô này được cho là chỉ xuất hiện ở những loài động vật có vú ngủ đông. Ở con người, những đứa trẻ thời kỳ sơ sinh ngủ rất nhiều cũng được quan sát thấy có tỷ lệ chất béo nâu lớn.
Nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy chất béo nâu cũng có mặt bên trong cơ thể người trưởng thành. Đặc biệt hơn, những người có chỉ số BMI thấp thì có nhiều chất béo nâu hơn người có chỉ số khối cơ thể cao.
Vì những tác dụng và cơ chế của chất béo nâu rất hấp dẫn, giáo sư Symonds cho biết việc phát hiện tác dụng tương tự của cà phê sẽ đem lại cơ hội giảm béo cho những người đang có chỉ số BMI cao, bởi họ không có nhiều chất béo nâu cho lắm.
Trung bình, một người trưởng thành sẽ có từ 50 đến 100 gam chất béo nâu trong cơ thể, giáo sư Symonds giải thích. Khi được kích hoạt, lượng chất béo nâu này có thể tạo nhiệt gấp 300 lần so với bất kỳ cơ quan nào khác.
Ở ngưỡng tối đa, chất béo nâu có khả năng tạo ra tới 10% tổng nhiệt lượng hàng ngày mà bạn tỏa ra bên ngoài.
Để nghiên cứu tác động của cà phê và chất béo nâu đến hoạt động đốt cháy chất béo tổng thể, các nhà khoa học đã sử dụng mô hình tế bào gốc chuột và người, nhỏ cà phê vào chúng và quan sát.
Kết quả, khi các tế bào tiếp xúc với cà phê, chúng tăng cường tiêu thụ oxy và sinh nhiệt, giống với khi có tác tế bào mỡ nâu.
Sau kết quả khả quan, các nhà khoa học đã chuyển sang thử nghiệm trên người. Một số tình nguyện viên được tuyển dụng tham gia uống cà phê, và các nhà khoa học sẽ quan sát hoạt động của chất béo nâu ở vùng cổ của họ sau 1 tiếng đồng hồ.
Trong tách cà phê mà tình nguyện viên đã uống chứa khoảng 65 mg caffeine, giáo sư Symonds nói. Việc tiêu thụ cà phê đã làm tăng hoạt động của chất béo nâu của họ. Trong khi đó, một nhóm đối chứng chỉ uống nước hòa tan cùng lượng caffeine không cho thấy sự kích thích này.
Đây là một hiệu ứng rất hứa hẹn. Giáo sư Symonds nói rằng cà phê đã từng được biết đến với tác dụng chống tiểu đường, có thể đến từ việc gia tăng các kích hoạt như chất béo nâu, làm giảm tỷ lệ béo phì đồng thời cải thiện đường huyết.
Bước tiếp theo, các nhà khoa học sẽ cần thực hiện các nghiên cứu theo dõi dài hạn để khẳng định lại kết quả của mình.
Họ sẽ thiết kế các thí nghiệm cho phép tình nguyện viên uống 1 hoặc 2 tách cà phê mỗi ngày trong vòng 2 tuần liên tiếp, để xem lượng chất béo nâu và hoạt động của chúng có tăng lên hay không? Liệu tác dụng giảm mỡ và giảm cân có được quan sát thấy, chúng ta hãy cùng chờ đợi.
Theo GenK