Ngày nay, các quốc gia ngày càng coi trọng việc gìn giữ và phát huy bản sắc, sức mạnh mềm văn hóa trong quan hệ đối ngoại.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ tạo ra những công cụ đắc lực phục vụ việc truyền tải nhanh, rộng rãi các nội dung về văn hóa. Đây là nền tảng thuận lợi để các quốc gia tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và thúc đẩy các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa. Bên cạnh những mặt thuận, sự gia tăng cạnh tranh, xung đột giữa các nước lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa; những mâu thuẫn văn hóa, tôn giáo, sắc tộc vẫn tồn tại và là một phần nguyên nhân sâu xa của những xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ; sự bùng phát của những trào lưu tư tưởng, văn hóa độc hại, những xu hướng chính trị cực đoan, dân tộc hẹp hòi,... đã gây ra nhiều tác động không thuận, có phần làm suy giảm, kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng của các hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa.

Ảnh minh họa

Đại hội XI của Đảng (tháng 1- 2011) xác định chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, cụm từ “ngoại giao văn hóa” lần đầu tiên được sử dụng, được đặt vị trí ngang hàng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg, ngày 14-2-2011, nhấn mạnh quan điểm: “Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao chính trị có vai trò định hướng, ngoại giao kinh tế là nền tảng vật chất và ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại”. Cùng với đó, các điều ước và thỏa thuận quốc tế về văn hóa được ký kết mới hoặc gia hạn đã tạo cơ sở pháp lý, nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hóa và từng bước thể chế hóa vai trò của ngoại giao văn hóa trong các hoạt động đối ngoại của đất nước.

Công tác ngoại giao văn hóa đã được triển khai ngày càng bài bản và chuyên nghiệp, gắn kết và thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ triển khai các mục tiêu đối ngoại của đất nước.

Ngoại giao văn hóa đã trở thành một trong những hoạt động chính trong nội dung các đề án, chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại lớn của các cấp, các ngành và địa phương. Các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai trên diện rộng, cả trong và ngoài nước, tại tất cả các châu lục; đa dạng về đối tượng, phong phú về nội dung và hình thức, bài bản trong các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như việc tiếp đón nguyên thủ nhiều nước thăm Việt Nam; các hội nghị, sự kiện quốc tế lớn do Việt Nam đăng cai tổ chức; các dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia. Qua các hoạt động này, tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam được khéo léo truyền tải, khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; đồng thời, làm nổi bật nét đẹp của truyền thống nhân nghĩa, thủy chung, hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị của Việt Nam.

Ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trên thế giới với thể chế chính trị ổn định, con người hòa hiếu, nền văn hóa đặc sắc, đa dạng. Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận nhiều danh hiệu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam. Việc ghi danh vào các danh sách di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu không chỉ đơn thuần là cam kết quốc gia, mà còn là mô hình khai thác phục vụ nhu cầu phát triển xanh và bền vững. Tính đến tháng 12-2020, Việt Nam đã xây dựng hồ sơ, vận động thành công UNESCO công nhận 44 di sản, danh hiệu các loại. Nhiều địa phương đã thành công trong việc đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên khai thác thế mạnh về danh lam thắng cảnh và các di sản văn hóa, qua đó tô đậm hơn hình ảnh đất nước Việt Nam trên bản đồ di sản, văn hóa thế giới; đồng thời, góp phần quảng bá sự đa dạng về sinh học, văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, hình ảnh đất nước, con người, nét đẹp của văn hóa Việt Nam được quảng bá và được biết tới ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới. Các hoạt động quảng bá được tích cực triển khai tại những sự kiện đối ngoại, lễ hội, hội chợ, festival văn hóa, du lịch, chương trình tuần/ngày Việt Nam ở nước ngoài tại các nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, các đề án vinh danh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, nhất là Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” đã được triển khai có hiệu quả tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới...

Việc gắn kết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch và công tác cộng đồng được đặc biệt chú trọng, đã góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam có lịch sử hào hùng, một đất nước tươi đẹp và giàu tiềm năng phát triển; con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, cần cù, sáng tạo, thân thiện, mến khách; nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các hoạt động này cũng góp phần truyền tải tới bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông điệp về các chủ trương, định hướng phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bạch  Hân, Trần Hằng, Anh Duy