Giày xịn làm từ da chân gà
Anh Nurman Farieka Ramdhany (25 tuổi) đã có sáng kiến đặc biệt khi đóng giày từ da chân gà.
Từ năm 2017, Ramdhany đã bắt tay thử nghiệm đóng giày từ da chân gà. Hiện Ramdhany và nhóm 5 người cùng đóng giày làm hoàn toàn từ da chân gà. Họ lọc da chân gà, nhuộm màu và khâu các mảnh lại để làm giày.
Da chân gà được khâu nối tỉ mỉ. |
Để đóng một đôi giày cần tới 45 chiếc chân gà. Đôi giày có giá khoảng 35-140 USD. Ramdhany cho biết khách hàng rất thích giày của anh bởi chúng dễ chịu.
Mít và sầu riêng làm ra điện thắp sáng cả nhà
Các nhà nghiên cứu trường Đại học Sydney (Australia) đang phát triển dự án làm điện năng từ mít và sầu riêng. Theo đó, những thành phần bỏ đi của của mít và sầu riêng sẽ được xử lý theo quy trình chôn lấp, ủ nóng bằng nước, ướng lạnh làm khô. Quá trình này có thể tạo ra những kho chứa điện năng.
Nhóm nghiên cứu cho biết, pin sản sinh từ hai loại quả này sẽ tồn tại lâu hơn và sạc nhanh hơn pin lithium-ion hiện được sử dụng để cung cấp năng lượng cho điện thoại di động, máy tính bảng và xe điện.
Lượng điện này thân thiện với môi trường, không mùi, phục vụ hoạt động sạc nhanh cho các thiết bị điện, thay vì sẽ phải tiêu tốn một khoản tiền lớn để tiêu hủy chúng. Lượng điện này có thể đáp ứng nhu cầu sạc nhanh, thay thế năng lượng mặt trời vào buổi tối.
'Giấy vệ sinh' giặt để dùng lại, thanh toán bằng giấy vệ sinh
Một công ty ở Australia đã tạo ra "giấy vệ sinh" có thể tái sử dụng bằng cách giặt và bán ra thị trường.
Loại "giấy vệ sinh" có thể tái sử dụng bằng cách giặt. |
Nói là giấy vệ sinh nhưng thực ra các mảnh có một mặt làm từ vật liệu được in họa tiết, còn mặt kia làm bằng vải bông xù, hoặc khách có thể chọn loại vải có sợi tổng hợp thay vì vải bông xù. Mỗi cuộn có 12 mảnh hình vuông. Trên mỗi mảnh có một khuy bấm nên có thể ghép lại thành cuộn sau khi giặt.
Giấy vệ sinh đang trở nên bán chạy đột biến trên thị trường. Ở một số nơi, chúng được coi là "đồ xa xỉ" vì bị bán giá cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Thậm chí, một nhà hàng ở Sydney còn thông báo chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng giấy vệ sinh thay vì tiền mặt.
Ngôi nhà 6 tỷ làm từ 4.000 cây dừa độc lạ ở miền Tây
Tại cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có một ngôi nhà đậm chất Nam Bộ được xây dựng từ loại chất liệu đặc biệt. Toàn bộ kết cấu, nội thất của ngôi nhà được làm bởi 4.000 cây dừa từ 80-100 năm tuổi.
Ngôi nhà làm từ 4.000 cây dừa. |
Căn nhà độc đáo này do vợ chồng ông Dương Văn Thưởng cất công xây dựng trong nhiều năm liền.
Khách đến tham quan rất ấn tượng với ngôi nhà bởi từ kèo, cột, vách đến nội, ngoại thất, vật dụng đều làm bằng chất liệu từ cây dừa. Tổng kinh phí để xây dựng khu nhà độc lạ này là gần 6 tỷ đồng.
Hoành phi câu đối bí ẩn 'độc nhất vô nhị'
Chơi và sưu tầm đồ gỗ hàng chục năm, ông Quý (Hà Nội) đã mua không biết bao nhiêu món đồ gỗ quý giá về bày tại nhà. Thế nhưng, bộ hoành phi câu đối treo ở nhà vẫn luôn là món đồ bí ẩn nhất mà ông chưa giải mã được.
Theo ông Quý, điều làm nên sự bí ẩn và độc đáo của bộ hoành phi câu đối này lại ở nguồn gốc và cách sáng tạo trên đó. Nếu nhìn qua ai cũng tưởng chỉ là một bức tranh gỗ khảm ốc bình thường. Nhưng nếu nhìn kỹ thì có thể thấy được các chữ được biểu đạt dưới dạng hình ảnh vô cùng sinh động.
Đã nhiều người trả giá 20 nghìn USD, nhưng ông Quý vẫn lưu luyến không bán. Bởi tâm nguyện của ông là phải tìm ra nguồn gốc của món đồ quý này.
Loài tre khổng lồ trên đỉnh núi thiêng Sơn La
Ở giữa đại ngàn núi đá vôi trên đỉnh núi thiêng Pú Chắn, bản Pú Chắn (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) có một giống tre khổng lổ với đường kính thân cây rộng hơn 20cm, ống tre dài nhất trên 40cm. Thân cây cao hàng chục mét vươn thẳng tắp lên trời...
Thân cây rộng hơn 20cm, ống tre dài nhất trên 40cm. |
Những bụi tre khổng lồ to được người dân Pú Chắn coi là "báu vật" quý hiếm. Nhờ giống tre khổng lồ này mà họ mới có nước uống, có thức ăn, tránh được các loài thú dữ...
"Tôi đi khắp nơi nhưng chưa thấy ở đâu có loại tre khủng như tre ở Pú Chắn. Loại tre này có tuổi đời lâu nên mọi vật dụng trong nhà được làm từ tre khổng lồ này đều sử dụng rất bền. Chúng tôi chỉ cần chặt một bụi tre to là đủ cho cả bản dùng", một người dân Pú Chắn cho biết.
Độc đáo ngôi nhà cây 5 tầng phủ kín hoa giấy ở Hà Nội
Nằm sâu trong khu tập thể Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội), ngôi nhà 5 tầng, 2 mặt tiền của PGS.TS Hoàng Như Tầng được bao bọc bởi 2 cây hoa giấy tím đã 30 tuổi.
Nhà cây 5 tầng phủ kín hoa giấy. |
Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nổi bật bởi nhiều lớp cây “xanh” xếp chồng lên nhau, giống như một khu rừng thu nhỏ.
Không chỉ giúp tránh nắng, 2 cây hoa giấy cổ thụ còn giúp điều tiết không khí trong nhà. Ông Tầng tự hào: “Nhờ có 2 cây hoa giấy, không khí bên trong rất mát mẻ. Thậm chí, vào mùa hè, rất ít khi gia đình phải sử dụng điều hòa”.
Nghề 'phù phép' giày mới lạ ở Hà Nội
Có một đôi giày “độc nhất vô nhị”, khác biệt là điều mà bất kỳ người đam mê giày nào cũng mong muốn. Và việc hô biến một đôi giày cũ kỹ, giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng lên thành chục triệu đồng là một nghề khá mới lạ và hấp dẫn tại Hà Nội hiện nay.
Có thể hiểu custom là "độ" giày. Với sự khéo léo của đôi bàn tay, những đôi giày cũ được hồi sinh và "thay da đổi thịt", trở nên độc lạ và dường như không bao giờ có một đôi giày thứ 2 như vậy tồn tại.
Nhưng custom giày là một công việc rất khó thực hiện, nó đòi hỏi sự sáng táo, khéo léo và tỉ mỉ. Nếu không cẩn thận một đôi giày tiền triệu có thể trở thành một tác phẩm mất hết giá trị và tính thẩm mỹ.
Độc đáo nón lá bàng rừng trong suốt
Khác với những chiếc nón bài thơ xứ Huế quen thuộc, gần đây, người dân có dịp chiêm ngưỡng và sử dụng chiếc nón lá trong suốt rất độc đáo. Để làm nên chiếc nón lá trong suốt cần một nguyên liệu khá đặc biệt, đó là 13-15 chiếc lá bàng rừng.
Ông Hùng đang lựa chọn kích cỡ lá phù hợp với khuôn nón. |
Người làm ra những chiếc nón lá trong suốt từ lá bàng rừng là ông Võ Ngọc Hùng. Ông Hùng phải trải qua nhiều lần thất bại để làm ra được sản phẩm nón lá độc đáo từ lá bàng rừng.
Thời gian đầu, những người thợ chằm nón có ý từ chối khi thấy có người làm nón từ lá bàng. Ai cũng có ánh nhìn khó hiểu và nghi ngờ đối với ông. Nhưng với sự cố gắng và tâm huyết của mình cuối cùng ông Hùng đã tạo ra được chiếc nón lá trong suốt từ lá bàng rừng.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)