Bộ trưởng Tài chính Pháp đã bắt tay vào chiến dịch vận động để trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau khi có sự ủng hộ của Anh, Đức, Pháp và EU.


Bà Christine Lagarde không ngại ngần tuyên bố mong muốn trở thành lãnh đạo tiếp theo của IMF sau khi ông Dominique Strauss-Kahn từ chức sau những cáo buộc bê bối tình dục.

Nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde. Ảnh: AP

Nếu thành công, bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một tổ chức được biết tới như “chủ ngân hàng của thế giới” kể từ khi nó được thành lập năm 1945.

Bà Lagarde, người đang được sự ủng hộ của Anh, Đức, Pháp và EU cho biết, bà đưa ra quyết định vào cuộc cạnh tranh trở thành tổng giám đốc mới của IMF sau khi “suy nghĩ kỹ càng” và có tham vấn Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

"Nếu được bầu, tôi sẽ mang tất cả kinh nghiệm của một luật sư, một bộ trưởng, một người quản lý và một phụ nữ vào công việc này”, bà nói trong cuộc họp báo tại Paris hôm thứ tư.

Mặc dù Lagarde nổi lên như một ứng viên sáng giá cho vị trí đầy quyền lực và ảnh hưởng của IMF (truyền thống do người châu Âu nắm giữ), nhưng các giám đốc IMF từ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (nhóm BRICS) nói rằng, kiểu quy ước bất thành văn về việc bổ nhiệm một tổng giám đốc từ châu Âu đã “lỗi thời” và làm xói mòn tính hợp pháp của Quỹ.

Nhóm BRICS kêu gọi “một tiến trình cạnh tranh, minh bạch thực sự, dựa trên phẩm chất xứng đáng".

Bộ trưởng Tài chính Pháp Lagarde còn phải đối mặt với khả năng bị điều tra pháp luật về việc trả 285 triệu euro của người đóng thuế cho thương nhân gây nhiều tranh cãi Bernard Tapie, một người ủng hộ của Sarkozy.

Ông Strauss-Kahn, 62 tuổi, người đã từ chức tuần trước sau khi bị bắt giữ tại New York hôm 14/5 và bị cáo buộc tấn công tình dục một cô hầu phòng khách sạn. Ông phủ nhận các cáo buộc và được bảo lãnh.

Những người ngưỡng mộ Lagarde, người phụ nữ 55 tuổi, một cựu quán quân bơi lội, mô tả bà như một “ngôi sao nhạc rock” trong thế giới tài chính. Bà được đánh giá cao ở trong nước cũng như nước ngoài vì cách thức xử lý khủng hoảng kinh tế ở châu Âu và kiểu tiếp cận rất thẳng thắn.

Làm luật sư ở Mỹ trong 25 năm, bà rất thành thạo tiếng Anh. Kenneth Rogoff, nguyên là nhà kinh tế học cấp cao của IMF, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard nói về bà: "Bà ấy rất gây ấn tượng, chính trị sắc sảo, cá nhân mạnh mẽ”. Ông nói với Thời báo New York: "Ở mọi cuộc gặp trên thế giới, bà ấy được xem như là một ngôi sao nhạc rock”.

Ông Sarkozy được cho là có kế hoạch tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho bà Lagarde khi các nhà lãnh đạo gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở thị trấn ven biển Deauville của Pháp hôm nay và ngày mai. Mỹ có tiếng nói lớn nhất với 16,74% phiếu bầu, tiếp theo là Nhật với 6,01%, Đức 5,87%, Anh và Pháp 4,85%. Các quốc gia thành viên khác chưa đầy 4%.

Hôm thứ tư, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho hay, Lagarde và ứng viên người Mexico cho ghế lãnh đạo IMF - Agustin Carstens - đều là những người đáng tin cậy để đảm nhận vị trí này nhưng nhấn mạnh, ông muốn các ứng viên được ủng hộ rộng rãi hơn.

Cuộc khủng hoảng nợ ở các nước châu Âu gồm Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland đã khiến cho vai trò giám sát hệ thống tài chính toàn cầu của IMF và việc cho vay tiền với các quốc gia vật lộn với khủng hoảng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bà Lagarde khẳng định sẽ không tập trung vào chỉ riêng châu Âu. "Không khu vực nào nằm ngoài vòng xoáy của khủng hoảng tài chính”, bà nói. Nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp còn cam kết “sẽ phụng sự Quỹ không như một người châu Âu, không phải là một người Pháp hay một vị bộ trưởng, mà như một người nào đó làm việc cho Quỹ và các thành viên của nó”.

Quyết định có điều tra hay không vụ việc Tapie sẽ được tuyên bố tại Paris vào 10/6 nhưng Lagarde cho biết, bà “tự tin hoàn toàn” và sẽ ứng cử ghế lãnh đạo IMF kể cả khi một cuộc điều tra diễn ra. "Tôi đã luôn hành động trong lợi ích của quốc gia và hoàn toàn tuân thủ luật pháp”, bà nói.

Dự kiến, 24 thành viên trong ban điều hành của IMF, đại diện cho 187 quốc gia, sẽ bầu chọn vị lãnh đạo mới vào cuối tháng 6.

  • Thái An (Theo guardian)