- Thành lập từ năm 1982, tính đến nay đã hơn 30 năm nhưng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) chưa từng có một cô giáo.
Do ở vùng đặc biệt khó khăn nên các giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 được bố trí công tác đều là nam giới. |
Nằm giữa bản làng người Mông, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vốn được xem là một trong những điểm khó khăn nhất của huyện Quế Phong vì đường sá đi lại và các điều kiện vô cùng khó khăn.
Cách trung tâm thị trấn hơn 30 km, nhưng để vào được trường phải đi mất cả ngày. Bởi để đến được điểm trường của mình, các giáo viên nơi đây hằng ngày phải đi xe máy vượt qua một trong những cung đường dốc, hiểm trở bám theo sườn núi. Con đường này mùa khô cát bụi mịt mù, mùa mưa thì ngập trong bùn đất lầy lội.
Đây còn là ngôi trường biết đến với nhiều “không”: không đường ôtô, không điện, không sóng điện thoại, không Internet,…
Để đến được trường, các giáo viên nơi đây phải vượt qua những cung đường vô cùng khó khăn. |
Vào mùa mưa, các thầy giáo quen với cảnh đường đất vào trường ngập bùn lầy lội . |
Những điều kiện quá khó khăn cũng chính là nguyên nhân khiến ngôi trường này kể từ ngày thành lập đến nay không hề có bóng dáng của các cô giáo. Thay vào đó, 44 thầy giáo vẫn ngày đêm miệt mài cắm bản, vượt khó để gieo chữ ở tất cả 6 điểm trường với 29 lớp học.
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Nguyễn Hồng Hiệp, người đã 7 năm gắn bó với mái trường này cho rằng điều kiện quá khó khăn nên có lẽ cũng chỉ các thầy giáo mới có đủ sức khỏe để có thể công tác tốt được.
“Có lẽ cũng do điều kiện địa hình khó khăn, vất vả quá nên lãnh đạo phòng giáo dục cũng chỉ xếp toàn thầy giáo. Chưa kể, việc đi xe máy cũng khó, chúng tôi đàn ông con trai đi còn ngã liểng xiểng do đường xấu, khi thì bụi bặm khi thì ngập bùn, các cô khó mà đi được”.
Thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt và dạy học nhưng đổi lại các thầy giáo nơi đây lại rất đoàn kết và có nhau trong mọi hoạt động. |
Theo thầy Hiệp, việc các cô giáo không được phân công về đây cũng là điều dễ hiểu bởi quá khó khăn về đường sá, sinh hoạt, cơ sở vật chất của trường vẫn thiếu thốn rất nhiều. “Do tính chất đặc thù nên giáo viên ở đây ở lại trường. Nhưng khi có khách về trường thì anh em đã phải vào bản xin ngủ nhờ. Giờ nói thật là nếu có thêm một cô giáo, việc bố trí phòng, chỗ ngủ cho các giáo viên cũng rất khó khăn và bất tiện”, thầy Hiệp nói.
Việc không có giáo viên nữ cũng có nhiều bất tiện trong quá trình dạy học và các phong trào của trường lớp.
“Với các học sinh lớp 1, 2 thì các cô giáo sẽ tiện hơn rất nhiều. Ví dụ như chăm sóc, hướng dẫn cho các cháu sinh hoạt, đặc biệt là các em học sinh nữ. Trong quá trình dạy, các em học sinh lớp 1, 2 rất nhỏ, và thường còn rất kém về ngôn ngữ nên việc chăm sóc của các thầy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các cô giáo khéo léo, uyển chuyển. Với các học sinh lớp 4, 5 thì có thể cứng rắn hơn nhưng với các học sinh lớp nhỏ cần sự mềm mại, nhẹ nhàng”.
Một buổi họp giáo viên của trường. |
Tuy nhiên, không vì thế mà thầy Hiệp cùng đồng nghiệp nản lòng, thay vào đó là tập làm quen và cố gắng khắc phục bằng mọi cách có thể. Các hoạt động văn nghệ có thể đơn giản hơn nhưng không bao giờ là thiếu dưới mái trường.
“Các thầy cũng tập các tiết mục văn nghệ cho các em học sinh. Những bài hoặc động tác múa khó quá thì đành thôi, nhưng thay vào đó nghĩ ra những động tác, tiết mục đơn giản”, thầy Hiệp cười.
Nơi đây, các thầy giáo quán xuyến tất cả mọi việc từ dạy học... |
...cho đến các phong trào, hoạt động của trường lớp. |
Thậm chí, có giai đoạn học sinh trường nhận được chương trình hỗ trợ ăn trưa, các thầy giáo phân công để thay phiên nhau vào bếp nấu ăn cho các em học sinh.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hiện có 44 thầy giáo, nhưng lại có tới 6 điểm trường lẻ nên tính ra mỗi điểm cũng thường chỉ có sự có mặt của 5-6 giáo viên.
Kể từ khi thành lập đến nay, các học sinh nơi đây cũng quen với việc chỉ có các thầy giáo. |
Thế nhưng các thầy giáo nơi đây lại rất đùm bọc và cùng nhau tham gia nhiều công việc sau giờ lên lớp như chơi thể thao hay cùng nhau đánh bắt cá, nấu ăn và có những bữa cơm cùng nhau.
Chính tinh thần đoàn kết, hỗ trợ đó khiến các thầy giáo công tác nơi đây chưa bao giờ cảm thấy cô độc khi ở một nơi mà “không thể liên lạc được bởi không có sóng”.
Thanh Hùng