Nếu bạn muốn khắc sâu kiến thức thì cách tốt nhất là hãy chợp mắt sau khi tiếp thu nó, theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đức.


Các chuyên gia nghiên cứu Đức chỉ ra rằng, so với lúc thức, lúc chúng ta ngủ, bộ não tỏ ra xuất sắc hơn trong việc chống lại các nỗ lực gây rối hoặc làm gián đoạn một ký ức mới nhất. Nghiên cứu này đã cung cấp những hiểu biết mới về một quá trình cực kỳ phức tạp, thông qua đó chúng ta lưu trữ và tìm lại các thông tin đã tiếp thu một cách có chủ ý - nói một cách ngắn gọn đây là quá trình "học hỏi".

Theo nghiên cứu trước đó, các ký ức mới, vốn được lưu trữ tạm thời trong một vùng của não gọi là vùng nhớ hippocampus (hay còn gọi là vùng não chân hải mã, có chức năng kiểm soát trí nhớ, tính cách và ý thức của con người), không định hình ngay lập tức. Chúng ta đã biết, việc tái kích hoạt lại những ký ức này ngay sau khi học hỏi đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển dịch của chúng tới nơi lưu trữ lâu dài hơn trong "ổ cứng" của não bộ - vỏ não mới (neocortex).

Tuy nhiên, trong lúc tỉnh thức, giai đoạn tái kích hoạt này gợi lại các ký ức yếu ớt hơn. Học hỏi thêm kiến thức vào thời điểm này nhiều khả năng sẽ khiến việc đưa khối kiến thức đầu tiên vào bộ nhớ sâu gặp khó khăn hơn.

Nhà khoa học Bjorn Rasch thuộc Đại học Lubeck (Đức) và 3 đồng nghiệp cho rằng, điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta ngủ. Theo báo Telegraph, họ đã tiến hành một thí nghiệm để kiểm chứng xem phát hiện của mình có đúng hay không.

Hai mươi bốn tình nguyện viên được yêu cầu ghi nhớ 15 cặp thẻ hiển thị hình ảnh của động vật và các đồ dùng hàng ngày. Trong khi thực hiện điều này, họ được cho ngửi một mùi hương tương đối khó chịu. $0 phút sau, một nửa số người tình nguyện còn tỉnh táo được yêu cầu ghi nhớ loạt thẻ thứ hai, có kiểu dáng hơi khác một chút.

Ngay trước khi bắt đầu, những người tình nguyện một lần nữa được cho tiếp xúc với mùi hương tương tự, được thiết kế để kích hoạt bộ nhớ của họ về lần thử nghiệm đầu tiên. Trong khi đó, 12 người tình nguyện khác tiến hành thử nghiệm thứ hai sau một lần chợp mắt ngắn khi vẫn được cho ngửi mùi hương khó chịu.

Cả hai nhóm sau đó được kiểm tra với nhiệm vụ ban đầu. Các nhà nghiên cứu đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng, nhóm được chợp mắt thể hiện tốt hơn nhiều, nhớ lại chính xác tới 85% số hình ảnh đã được xem, trong khi con số này ở những người luôn thức chỉ đạt 60%.

"Tái kích hoạt các ký ức có những tác động hoàn toàn khác nhau đối với trạng thái tỉnh thức và ngủ. Dựa trên dữ liệu hình ảnh não, chúng tôi cho rằng nguyên do của kết quả bất ngờ này là, trong vài phút đầu tiên của giấc ngủ, việc chuyển từ nhớ hippocampus tới khu vực neocortex đã khởi phát. Chỉ sau 40 phút chợp mắt, một lượng đáng kể ký ức đã được 'tải về' và lưu giữ ở nơi chúng không còn có thể bị những thông tin mới tiếp thu làm gián đoạn nữa", Susanne Diekelmann, một thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Lubeck,.giải thích.

  • Thanh Bình