Bí thư thành uỷ TP.HCM ví von như vậy tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sáng 27/10.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, ỦY viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM |
“Chúng tôi tin rằng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ đóng góp vào các đề án trọng tâm của thành phố như đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, trong đó phát huy tiềm lực sáng tạo của các ngành của nhà trường cho thành phố từ quản lý thông minh ở tầm xây dựng hoạch định chiến lược thành phố, xây dựng cơ sở tích hợp dữ liệu dùng chung đến các ngành thông minh như giáo dục, y tế, giao thông” - ông Nhân khẳng định.
Ông Nhân đề nghị trường đẩy mạnh chương trình nghiên cứu, thiết kế vi mạch của thành phố để sản xuất các sản phẩm đầu cuối thông minh có tính ứng dụng cao. Nhà trường tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung cấp các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp thông minh, chi phí thấp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh thành phía Nam vì nhu cầu công nghệ cho ngành này hiện rất lớn.
Ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ gắn Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ hai) do Chủ tịch nước trao tặng lên cờ truyền thống Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Từng từng giảng dạy rồi làm Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa, ông Nguyễn Thiện Nhân bồi hồi nhớ lại những ngày công tác tại trường và gửi lời tri ân đến các thầy cô, lãnh đạo nhà trường.
"Người 60 tuổi thì nghỉ hưu. Nhưng ĐH Bách khoa 60 năm thì sắp sang một chu kỳ mới. Các ĐH thì không có tuổi hưu. Vì vậy 60 năm nữa trường sẽ càng phát triển" – ông Nhân nhắn nhủ.
Trong khi đó, điểm lại những mốc quan trọng trong 60 năm, ông Vũ Đình Thành, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đến nay, trường đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 80.000 kỹ sư, 10.000 thạc sĩ, 200 tiến sĩ làm việc trên khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh các chương trình truyền thống, trường đang tập trung mở rộng đào tạo các hệ chất lượng cao và hệ liên kết quốc tế; sinh viên được học tập các môn học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do trường đối tác nước ngoài cấp bằng hoặc cấp bằng đôi giữa hai nước.
Về công tác kiểm định chất lượng, trường là một trong bốn trường đại học đầu tiên của VN chính thức được công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chuẩn của HCERES (Pháp - châu Âu) với thời gian công nhận là 5 năm (tháng 6-2017 đến 6-2022). Trong tháng 9/2017, trường cũng đã hoàn thành kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA (khu vực Đông Nam Á). Về kiểm định cấp chương trình đào tạo, trường là đơn vị đầu tiên trong cả nước có hai chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ (khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính). Trường cũng đã có 11 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, bảy chương trình đạt chuẩn kiểm định CTI của Pháp và châu Âu…
Từ Hội nghị khoa học lần thứ nhất năm 1978 với chỉ 7 phân ban, đến nay Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 15 năm 2017 của trường đã được tổ chức với 60 phân ban, trong đó có 37 phân ban quốc tế. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 trường đã thực hiện 441 đề tài với tổng kinh phí thực hiện hơn 65 tỉ đồng. Số lượng bài báo khoa học đã được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 là 707 bài, trong đó số bài báo quốc tế là 292 bài (gồm 175 bài ISI) và số bài báo trong nước là 415 bài. Hoạt động chuyển giao công nghệ của trường cũng ngày càng được mở rộng về cả chất lượng và số lượng, doanh thu trong năm 2016 của trường đã đạt gần 165 tỉ đồng.
Hiện nay, tổng số CBVC của nhà trường là hơn 1.200 người, trong đó có hơn 755 cán bộ là giảng viên cơ hữu với 11 GS, 107 PGS, 397 TS và TSKH. Tỷ lệ cán bộ giảng viên có trình độ sau đại học là hơn 90%.
Lê Huyền