XEM VIDEO:

"Được tiêm rồi sẽ tự tin hơn"

Đến bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) từ rất sớm, bà Võ Thị Sất (80 tuổi) lặng lẽ ngồi chờ nhân viên y tế đọc tên để được vào khu vực xét nghiệm nhanh Covid-19. Cụ bà cho biết, khi nhận thông báo được đến bệnh viện tiêm vắc xin ngừa Covid-19, bà rất vui.

Bà nói: “Trước khi được tiêm, tôi cũng lo lắm, do dịch bệnh căng thẳng, phức tạp quá. Hôm nay, đến bệnh viện, tôi rất vui, xen lẫn chút hồi hộp. Với bệnh nền lâu năm, liêu các bác sĩ có giải quyết cho tôi tiêm không?. Mong là ai đến đây cũng được tiêm, để khi về nhà sẽ tự tin hơn”.

{keywords}
Người cao tuổi chờ đợi đến lượt vào khu vực xét nghiệm Covid-19 trước khi tiêm vắc xin.

Nói xong, bà lại ngước lên nhìn về phía căn phòng đang diễn ra công tác xét nghiệm Covid-19 mong ngóng mình được gọi tên.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương (SN 1965) ngồi cạnh lại tỏ ra bình thản, tự tin hơn.

Bà có mặt ở bệnh viện từ 9h sáng và đã đợi được khoảng nửa giờ đồng hồ. Tuy nhiên, bà không cảm thấy mệt mỏi, phiền lòng. Thậm chí, bà sẵn lòng nhường có các cụ cao tuổi, nhiều bệnh nền hơn vào tiêm trước mình.

{keywords}
Công tác lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiêm.

Bà nói: “Tôi đã được xét nghiệm ở phường rồi. Phường tôi ở cũng thực hiện tiêm vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, do tôi có bệnh nền là tim mạch, tăng huyết áp nên họ giới thiệu tôi đến bệnh viện này để tiêm cho an toàn”.

“Được tiêm phòng là vui rồi, hơn thế được tiêm ở bệnh viện, tôi yên tâm và hạnh phúc lắm. Từ lúc thành phố bùng phát dịch, tôi chỉ ở nhà. Bây giờ, được tiêm vắc xin rồi, tôi tự tin hơn trong việc phòng dịch”, bà Phương cho biết thêm.

{keywords}
Sau khi xét nghiệm, các cụ ngồi chờ trong phòng để chuẩn bị vào phòng tiêm chủng.

Công tác chuẩn bị cho hoạt động tiêm phòng được tổ chức tốt nên người cao tuổi dẫu phải ngồi chờ đến lượt vẫn không tỏ ra mệt mỏi. Các cụ được sắp xếp, ngồi trên ghế với khoảng cách đúng với quy định phòng dịch.

Chỉ khi được đọc tên, các cụ mới tiến lên, bước về phía khu vực xét lấy mẫu, xét nghiệm nhanh Covid-19. Sau khi lấy mẫu, các cụ ngồi chờ trong phòng chờ này.

Thạc sĩ Trần Quang Châu, Trưởng Phòng công tác xã hội bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, để bảo đảm an toàn cao trong quá trình tiêm, tất cả người lớn tuổi được xét nghiệm nhanh Covid-19.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Phương đến từ sớm và ngồi đợi đến lượt 

Trong quá trình này, nếu phát hiện có người dương tính với Sars-CoV-2 sẽ được đưa ngay đến phòng riêng và tiến hành các bước xử lý y tế tiếp theo cũng như xét nghiệm PCR. Sau công tác xét nghiệm, người âm tính sẽ được khám sàng lọc kỹ càng và tiến hành tiêm theo thứ tự. Tiêm xong, các cụ được trở về phòng theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút.

Hạnh phúc vì được quan tâm, chăm lo sức khỏe

Ngồi trong phòng chờ tiêm, đa số các cụ ông, cụ bà đều có cảm xúc hồi hộp vì không biết có đủ sức khỏe để tiêm hay không. Bởi, phần lớn những người cao tuổi này đều có nhiều bệnh nền.

{keywords}
Một cụ bà ngồi đợi tiêm trong tâm trạng vui mừng xen lẫn hồi hộp.

Thế nên, các ông bà đều đọc kỹ nội dung hướng dẫn tiêm phòng cũng như chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bệnh án của mình cho các y bác sĩ xem xét, tư vấn. Ngồi sắp xếp lại hồ sơ bệnh án của mình, một cụ ông xin giấu tên cho biết, ông bị đái tháo đường đã 20 năm nay.

Ông rất hồi hộp, lo sợ không được tiêm. “Nhà nước quan tâm, chăm lo sức khỏe, cho tôi được tiêm phòng chống dịch như thế, tôi rất cảm kích. Tôi nay đã 85 tuổi rồi, bệnh tật nhiều lắm không biết có được tiêm không. Ai rồi cũng phải già đi, đến khi bằng tuổi của tôi mà vẫn được nhà nước quan tâm thì ai cũng vui thôi”, cụ ông nói.

{keywords}
Các cụ đều cố gắng đọc kỹ thông tin trước khi được tiêm.

Tuy vậy, sự lo lắng, hồi hộp của những cụ ông, cụ bà này sớm được giải tỏa. Vào khu vực chờ tiêm, người cao tuổi được các bác sĩ thăm khám rất kỹ, hỏi cụ thể về tiền sử dị ứng và các bệnh nền. Sau khi chắc chắn các cụ đủ sức khỏe để tiêm, các nhân viên y tế tại đây mới mời ông bà vào phòng.

Sau khi tiêm, người cao tuổi được tặng nước uống, đến phòng sau tiêm ngồi theo dõi sức khỏe. Ngồi chờ ở phòng sau tiêm, cụ bà Nguyễn Hồng Châu (80 tuổi) vui vẻ cho biết, bà đã chờ được hơn 20 phút và thấy cơ thể rất khỏe mạnh.

{keywords}
Người cao tuổi được các bác sĩ nhân viên y tế tư vấn, dặn dò kỹ lưỡng trước và sau khi tiêm. 

“Trước khi tiêm, tôi hồi hộp lắm nhưng tiêm xong thì thấy rất bình thường. Thậm chí, còn vui nữa. Tôi đợi hơn 20 phút rồi, không thấy mệt hay chóng mặt gì cả”, cụ Châu chia sẻ

Ông Trần Quang Châu cho biết, người cao tuổi được theo dõi sau tiêm ít nhất là 30 phút. “Tuy nhiên, có trường hợp, bệnh viện sẽ theo dõi lâu hơn. Cho đến thời điểm này thì chưa thấy có cụ nào có phản ứng phụ sau tiêm. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe của các cụ lên hàng đầu và cố gắng chăm lo tốt nhất có thể”, ông Châu nói.

{keywords}
Các cụ đều cảm thấy tự tin, thoải mái, vui vẻ trước và sau khi tiêm chủng.

Cũng theo ông, để có thể đảm bảo công tác tiêm vắc xin cho người cao tuổi, nhiều bệnh nền của thành phố diễn ra tốt nhất, bệnh viện đã lên kế hoạch chu đáo từ sớm. Ông nói: “Khi TP Thủ Đức giao nhiệm vụ tổ chức tiêm vắc xin cho các cụ trên 65 tuổi, có bệnh nền, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để việc tiêm phòng diễn ra tốt nhất”.

“Ban đầu, bệnh viện dự kiến, buổi sáng sẽ tiêm 240 người, buổi chiều 240 người. Tuy nhiên, khi triển khai thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy thời gian chuẩn bị, thời gian tiêm, chăm sóc sau tiêm cho các cụ rất lâu nên bệnh viện chỉ tiêm 240 người/ngày”.

{keywords}
Cụ Châu cho biết, rất vui vì được tiêm phòng Covid-19. Sau khi ngồi chờ tại phòng sau tiêm 20 phút, cụ vẫn thấy sức khỏe, không có triệu chứng bất thường.

Ông Châu cho biết, lý do giảm số lượng người tiêm phòng là để chăm sóc các cụ được tốt hơn. Bởi, các cụ đã cao tuổi, đi lại, giao tiếp khó khăn lại có thêm bệnh nền nên đội ngũ sàng lọc phải làm việc thật kỹ lưỡng.

Dự kiến đợt tiêm thứ 5 của TP.HCM sẽ kéo dài từ 1 - 2 tuần nữa. 

Bài, ảnh, clip:  Nguyễn Sơn

Hình ảnh TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5

Hình ảnh TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5

Sáng nay (22/7), TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đợt 5 với 930.000 liều tại 20 bệnh viện và hơn 600 điểm tiêm ở xã, phường, thị trấn.