Sáng sớm đã có người gọi mời mua bảo hiểm, đang họp nhận được cuộc gọi rao bán bất động sản hay thậm chí mất hai năm vẫn nhận được cuộc gọi tiếp thị làm thẻ ngân hàng,… những cuộc gọi rác khiến người dân bực mình mà không thể tránh được.


Đã mất vẫn còn nhận được điện thoại tiếp thị

Đang ngày giỗ chồng, bà Nguyễn Thị Tâm (Nam Định) nhận được số điện thoại lạ. Tưởng người quen gọi để tới đám giỗ, bà Tâm chạy vội ra ngoài nghe. Từ phía bên kia đầu dây, một giọng nữ thỏ thẻ: “Xin hỏi có phải số máy của anh T (chồng bà Tâm), em ở bên công ty bảo hiểm ạ. Cho cho em xin vài phút ạ….”.

Đang lúc bận làm lễ cúng, khách tới đông, bà Tâm nổi điên: “Các cô không thấy nhà tôi làm đám giỗ ông ấy à, người chết cũng không yên”. Bà tắt máy mà trong lòng cảm thấy bực bội

Kể từ khi chồng mất, bà Tâm sử dụng lại số điện thoại của chồng để giữ số, cũng như tiện liên lạc với người quen. Mặc dù gần đây bà đã đi đăng ký lại thông tin thuê bao nhưng bà Tâm liên tục bị “tra tấn” bởi các cuộc điện thoại lạ từ mời mua bảo hiểm, mua bất động sản, mở thẻ ngân hàng,… thậm chí cả các dịch vụ khác. Trước đó, chồng bà Tâm nguyên làm trưởng phòng kinh doanh của một công ty vận tải. 

“Người sống bị quấy rối đã đành, ngay cả người đã mất cũng không được yên”, bà Tâm bức xúc.  Ông bị đột tử nên thỉnh thoảng vẫn có người gọi điện hỏi thăm. Do vậy các số điện thoại lạ gọi tới bà vẫn thường xuyên nghe để báo tin.

“Lần đó tôi đang nằm trong bệnh viện, đã mệt lại thêm bực bội. Mặc dù đã nói không tiện nói chuyện điên thoại nhưng vẫn cứ bị gọi”, bà Tâm cho biết thêm.

{keywords}
Khổ vì cuộc gọi rác tấn công

Cũng từng rơi vào hoàn cảnh như bà Tâm, chị Nguyễn Thu Thảo (KĐT mới Trung Văn, Hà Nội) cho hay, con gái cấp cứu phải nhập viện. Chị hớt hải bỏ việc công ty để về nhà, trên đường đi, chị nhận được điện thoại. Dù đã cảnh giác trước số lạ nhưng chị vẫn bắt máy nghe vì nhỡ đâu người nhà hay bác sĩ gọi. 

Vừa cầm máy, chị Thảo nhận ngay được giọng nói ở phía bên kia: “Em ở bên công ty bất động sản đang mở bán căn hộ….”. Chị nổi điên: “Đề nghị anh xoá ngay số, tôi không có nhu cầu mua bất động sản gì hết,…”. 

Từ chặng đường từ công ty về nhà khoảng 7km, chị nhận tới ba cuộc điện thoại rác tương tự. Không chỉ mời mua bất động sản, chị Thảo còn phải tiếp nhận nhiều cuộc gọi khác như tư vấn dinh dưỡng sữa cho con, dịch vụ gia sư. 

Chồng chị Thảo từng một lần thót tim khi nhận được số điện thoại lạ. Đang lái xe ra sân bay đón đối tác, anh nhận được cuộc gọi tới. Anh giật mình khi người gọi tới hỏi anh có phải là bố cháu M, học trường X không. Tưởng con có chuyện gì, anh dừng xe vào lề đường để nghe. Ai ngờ, điện thoại từ một trung tâm gia sư. 

“Lúc đó chỉ muốn chửi cho cái cô bé gọi đó một trận. Đang vội mà nhận được cuộc gọi như thế đúng là thót tim luôn. Tôi làm kinh doanh nên không thể tắt máy được. Nhiều lúc phát điên vì bọn họ gây quá nhiều phiền nhiễu cho mình.”, anh nói. 

Chạy ra nước ngoài cũng không thoát

Những cuộc điện thoại bán hàng không chỉ khiến người nghe sự khó chịu mà còn cảm thấy bị ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống. Nhiều tình huống éo le xảy ra khiến không ít người nhận cuộc gọi phải nổi cáu. Như anh Ngô Đức Minh (Hà Đông, Hà Nội) đã bị ngã trật khớp cách đây không lâu. Đang trong nhà tắm, anh Minh nghe tiếng điện thoại reo, anh bỏ qua chờ sau khi tắm xong gọi lại. 

Chưa đầy vài giây, điện thoại lại tiếp tục kêu, hai ba lần như vậy, anh Minh nóng ruột lo lắng có việc gì khẩn cấp. Anh chạy vội ra ngoài, do nước trơn, anh ngã nhào xuống đất. Chân đau, anh lóp ngóp đi vào phòng ngủ nghe điện thoại. Một giọng nhẹ nhàng ở phía bên kia đầu dây: “Xin chào em ở bên công ty cho vay tiêu dùng,….”.  Lúc này, cơn tức giận nổi lên, anh Minh mắng xối xả, em gái gọi bên kia dạ vâng vài câu rồi cúp máy.

Anh Nguyễn Hoàng Giang (Trưởng phòng kinh doanh, Công ty xăng dầu) cho hay, anh thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại rác nhưng không thể tránh khỏi do công việc có khách gọi tới. 

“Tôi cảm thấy bị quấy rầy quá nhiều, vào bất cứ lúc nào. Có lúc đang họp, đang giờ nghỉ trưa, điện thoại đổ chuông liên hồi và sau đó bị hỏi đủ thứ chuyện trước khi mời tôi làm thẻ. Nhiều khi đang căng thẳng với công việc mà bị quấy rầy, muốn điên cái đầu”, anh Giang phản ánh.

{keywords}
Khó ngăn chặn cuộc gọi lạ 

Theo anh Giang, cuộc gọi tới nghe bực mình không mất tiền đã đành,  các số bị lỡ trong khi đang họp, mình gọi lại gặp đúng mấy người bán bảo hiểm, ngân hàng,… còn mất thêm tiền mà mua bực vào người.

Tình trạng điện thoại rác ảnh hưởng tới người dân, ngay cả khi họ ra nước ngoài vẫn bị mất tiền oan vì những cuộc gọi này. Cách đây không lâu, anh có chuyến đi công tác bên Singapore. Do vẫn phải quản lý công việc tại Việt Nam, anh sử dụng dịch vụ chuyển vùng cuộc gọi. 

Trong số các cuộc gọi anh nhận được từ Việt Nam, không ít là các cuộc điện thoại rác mời mua bảo hiểm, mua nhà. Chỉ cần nhấc máy nghe một lúc, tài khoản của anh đã bị trừ không ít tiền.

“Nhà mạng họ tính phí nghe ở nước ngoài rất đắt. Mỗi lần đi công tác nước ngoài, mình toàn bị mất tiền oan từ các cuộc điện thoại mua nhà đất, bảo hiểm,… Mỗi lần như vậy rất bực mình. Bây giờ thực sự tôi không biết cách nào để tránh được những cuộc điện thoại rác kiểu này”, anh bức xúc. 

Trên diễn đàn từng có câu chuyện cặp vợ chồng lục đục cũng chỉ vì nhân viên bán hàng gọi vào lúc khuya khuắt gạ mua các loại sản phẩm để tăng lực đàn ông.

Thời gian gần đây, tin nhắn rác được triệt tiêu thì các cuộc gọi rác vẫn ngang nhiên nở rộ. Không biết các đơn vị kinh doanh lấy số và thông tin từ đầu mà tường tận tên tuổi, vị trí công tác, quan hệ gia đình công việc để quảng cáo đủ thử từ bán nhà, tín dụng, bảo hiểm... tới tư vấn dinh dưỡng, gia sư. Việc này khiến cho các chủ thuê bao bực mình bị quấy rầy mà còn bất an vì thông tin cá nhân của mình bị khai thác tự do, không đúng quy định.

Duy Anh