Xóm chài nhỏ dưới chân cầu

Tìm về xóm nhỏ dưới chân cầu Bến Thủy 2, thuộc khối 1, thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), hỏi thăm bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1964) ai cũng biết.

Thấy người lạ đến, mọi người hớn hở chào đón và đưa vào tận nhà bà Nguyệt - người đàn bà “cướp cơm hà bá” trên dòng sông Lam hàng chục năm nay.

Xóm chài nhỏ bờ nam cầu Bến Thủy 2, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Bà Nguyệt có 12 anh, chị em. Mẹ mất khi bà tròn 17 tuổi. Từ đó bà phải tất tả cùng cha chài lưới mưu sinh, chăm sóc các em nên người, đặc biệt là người em trai út bị tật nguyền, câm điếc bẩm sinh.

Năm 20 tuổi, bà tình nguyện nhập ngũ. Năm năm sau, bà xuất ngũ trở về quê hương và lập gia đình. Nhưng cuộc hôn nhân của bà không bền vững. Người chồng bỏ đi “bặt vô âm tín” khiến bà phải chài lưới mưu sinh, một mình vất vả nuôi con.

Khó khăn rồi cũng qua dần, nhiều anh, chị em trong gia đình bà Nguyệt sống đùm bọc nhau ở xóm nhỏ dưới chân cầu, lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, cuộc sống ngày một ổn định hơn.

Công việc của gia đình bà Nguyệt chủ yếu là chài lưới, mưu sinh trên dòng Lam.

“Nay con trai đã lấy vợ, có 3 cháu bồng bế rồi nên tôi mừng lắm. Hàng ngày, mọi người trong gia đình cùng nhau chài lưới, mưu sinh trên sông. Trời sinh ra để tôi gắn liền với sông Lam này rồi”, bà Nguyệt nói.

Nghiệp cứu người, vớt xác

Gắn bó với cuộc sống sông nước từ nhỏ, cùng gia đình kiếm ăn nhờ con cá, mớ tôm, bà Nguyệt biết bơi sớm. Nhưng điều đau xót nhất đối với bà là phải chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, phải bỏ mạng trên dòng sông Lam lạnh lẽo.

Suốt những năm tháng làm nghề trên sông nước, bà Nguyệt không còn nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu người. “Nhiều lắm, nỏ (không) nhớ hết mô chú ạ”. 

Bà Nguyệt không nhớ rõ đã cứu vớt được bao nhiêu người.

Vừa nhâm nhi cốc nước, bà kể cho chúng tôi biết về lần đầu tiên vớt xác cách đây gần 40 năm.

“Khi đó tôi đang thả lưới trên sông thì thấy người bị lật thuyền. Mọi người hốt hoảng, hô hoán kêu cứu nhưng không ai dám nhảy xuống sông. Ngay lập tức, tôi vơ lấy đồ nghề đánh cá, nhảy xuống sông ứng cứu nhưng do vị trí thuyền xa nên đã không kịp. Thi thể nạn nhân xấu số được tìm thấy sau đó không lâu, cũng từ đó cái nghiệp vớt xác vận vào tôi”, bà Nguyệt kể lại.

Không ít trường hợp người chết đuối là trẻ em, phụ nữ hay có cả những cặp đôi yêu nhau gieo mình xuống sông để tự tử. Xót xa nhất là khi tìm thấy những thi thể đang bị phân hủy mạnh, không còn nguyên vẹn, chỉ nhận dạng qua mảnh quần, áo sót lại.

Cầu Bến Thủy 1 nối Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi xảy ra nhiều vụ tự tử.

Bà Nguyệt chia sẻ thêm: “Từ đó đến nay, 5 thi thể tìm thấy không có người thân, tôi phải bỏ tiền mua đồ, làm lễ đầy đủ rồi mai táng đàng hoàng cho họ. Việc làm của mình là việc thiện, tích đức cho con cháu chứ chưa bao giờ nghĩ đây là cái nghề mưu sinh…”.

Người phụ nữ này cho hay: “Có khoảng 10 trường hợp được cứu giúp kịp thời. Có người được cứu xong thì không đoái hoài đến tôi. Nhưng cũng có trường hợp vào mỗi dịp lễ Tết đều đến nhà chơi, cảm ơn gia đình. 

Biết là khổ, nguy hiểm nhưng cái nghiệp nó ngấm vào máu rồi, lương tâm tôi không cho phép thấy mà không cứu vớt. Tôi làm vì tình người, tình đời khi mà cái nghiệp nó vận vào người”. 

Bà Nguyệt gắn với nghiệp vớt xác .

 “Có trường hợp cháu Đ. (trú TP.Vinh) trong một lần không may bị ngã xuống sông Lam chới với, được tôi cứu giúp kịp thời. Giờ đây, cứ mỗi dịp Tết, cả gia đình cháu đều tìm nhà để chơi, chúc tết”, bà Nguyệt cho hay.

Hy sinh cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân của mình để “cướp cơm hà bá” trên dòng sông Lam, bà Nguyệt đã mang lại niềm an ủi cho nhiều phận người, nhiều gia đình chỉ vì chữ lương tri, nặng tình nặng nghĩa. 

“Giờ tuổi cũng đã cao, mỗi khi có trường hợp người xấu số trên sông thì mọi người trong gia đình cùng nhau tìm vớt, cứu giúp”, bà Nguyệt tâm sự.

Giờ đây với bà Nguyệt, niềm vui mỗi ngày là được quây quần bên các con, các cháu, để không còn phải chứng kiến những mảnh đời bất hạnh “trôi nổi” trên dòng sông Lam lạnh lẽo.