Cao huyết áp có thể gây ra những vấn đề như chóng mặt, nhức đầu, đánh trống ngực. Không chỉ vậy, căn bệnh này nếu không được kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt, thậm chí gây mù lòa.
Ông Zhang, 48 tuổi, sống ở Thâm Quyến (Trung Quốc) vừa trải qua cuộc chiến bảo vệ thị lực cách đây không lâu.
Ảnh minh họa: Healthline
Một hôm, ông Zhang đang đọc các báo cáo tài chính như thông lệ. Đột nhiên, mắt trái của ông không nhìn thấy gì. Ông vội gọi điện về nhà thông báo cho vợ. Người vợ lập tức chạy đến công ty của ông Zhang và đưa chồng tới bệnh viện. Trên đường đi, họ vẫn không xác định được lý do khiến ông Zhang bị bệnh.
Khi kiểm tra sức khỏe cho ông Zhang, bác sĩ phát hiện ra một vấn đề: huyết áp của bệnh nhân lên tới 200/110mmHg, cao hơn nhiều so với người bình thường. Tình trạng mù hóa chính là biến chứng của huyết áp tăng.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ được biết bệnh nhân thường chịu nhiều áp lực trong công việc và ham vui giải trí. Làm thêm giờ và thức khuya là chuyện thường ngày của ông.
Ngoài ra, ông Zhang còn có thói quen hút thuốc nhiều năm, rất ít khi đi khám sức khỏe. Suốt 3 năm qua, bệnh nhân chưa tới bệnh viện. Ông Zhang luôn nghĩ rằng cơ thể mình khỏe mạnh, không hề hay biết mình bị huyết áp cao tới vậy.
Bác sĩ cho biết, người bị huyết áp cao như ông Zhang dễ bị vỡ các mạch máu nhỏ ở võng mạc, dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Xử lý không đúng cách rất dễ gây ra tổn thương không thể khắc phục được.
Để phát hiện kịp thời bệnh cao huyết áp, mọi người nên đo huyết áp ít nhất 2 năm một lần. Nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao gồm những người có công việc áp lực cao, thói quen sinh hoạt thất thường. Họ nên đi khám sức khỏe định kỳ.
Ngoài việc dùng thuốc, lối sống lành mạnh cũng có thể làm giảm huyết áp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, hạn chế rượu bia, giảm cân… có thể giữ huyết áp ổn định.
An Yên (Theo Aboluowang)
Triệu chứng của căn bệnh ‘giết người thầm lặng’
Cao huyết áp âm thầm gây ra nhiều loại biến chứng, phổ biến nhất là các bệnh tim mạch.