Thông tin về vụ việc được Cục Cảnh sát châu Âu (Europol) đăng tải trên trang web chính thức. Theo đó, một người đàn ông quốc tịch Ý, với danh tính không được tiết lộ, đã tìm hiểu thông tin trên các trang web chìm (web ẩn) và tìm thấy một công ty cung cấp dịch vụ sát thủ chuyên nghiệp.
Người đàn ông này đã liên hệ với công ty, đồng ý trả số tiền Bitcoin có giá trị 10.000 Euro (tương đương 11.885 USD) để tấn công bạn gái cũ bằng cách tạt axit và buộc cô phải ngồi xe lăn, thay vì ra tay sát hại.
Sở dĩ công ty sát thủ này chọn hình thức thanh toán bằng Bitcoin vì rất khó có thể dò ra thông tin người nhận khi thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, thay vì chuyển tiền trực tiếp vào ví điện tử của công ty sát thủ, người đàn ông này đã chuyển tiền thông qua một công ty dịch vụ giao dịch tiền điện tử tại Ý, do vậy, cảnh sát đã dò ra người thực hiện vụ giao dịch.
"Cảnh sát Ý đã liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền điện tử và đã được công ty này cung cấp thêm các thông tin về nghi phạm nhằm phục vụ cho quá trình điều tra", Europol cho biết về vụ án. "Cuộc điều tra đã giúp ngăn chặn kịp thời vụ án và nạn nhân chưa phải chịu bất kỳ thiệt hại nào".
Theo truyền thông địa phương, cảnh sát Ý đã phát hiện ra âm mưu của người đàn ông này vì lực lượng cảnh sát cũng tham gia vào mạng lưới web chìm và biết được cuộc trò chuyện giữa người đàn ông này và kẻ sát nhân được thuê. Lực lượng cảnh sát sau đó đã theo sát động tĩnh của nghi phạm cho đến khi dò ra được danh tính thật của người đàn ông đang muốn gây hại cho bạn gái cũ.
Đây không phải là lần đầu tiên có người tìm đến dịch vụ sát thủ trên web chìm để thuê tấn công hoặc sát hại người khác.
Vào năm 2018, một nữ y tá 31 tuổi người Mỹ cũng đã thuê dịch vụ sát thủ trên web chìm để sát hại tình địch của mình. Người phụ nữ này đã chấp nhận chi ra 10.000 USD tiền Bitcoin để trả cho sát thủ mình thuê trên mạng. Tuy nhiên vụ việc này sau đó đã được một phóng viên, người cũng tham gia vào mạng lưới web chìm, phát hiện ra và thông báo với nhà chức trách. Cảnh sát sau đó đã can thiệp kịp thời và bắt giữ nữ y tá có ý định sát hại tình địch.
Lực lượng cảnh sát cho biết, những dịch vụ sát thủ trên mạng chủ yếu chỉ là những kẻ lừa đảo, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, chứ không phải là một công ty sát thủ chuyên nghiệp như quảng cáo. Sau khi đã nhận được tiền, những kẻ này sẽ âm thầm biến mất mà không hề thực hiện "phi vụ" nào như đã thỏa thuận. Dĩ nhiên, việc dò ra danh tính của những kẻ lừa đảo này trên web chìm như "mò kim đáy bể".
Do những trang web ẩn này không thể được tìm thấy bằng cách thông thường nên việc dò tìm và truy cập vào các trang web ẩn cũng là điều không đơn giản. Nội dung trên web ẩn dường như không thể kiểm soát và ẩn chứa nhiều nội dung nguy hiểm như buôn bán vũ khí, ma túy, buôn người hay thậm chí là thuê sát thủ...
Theo Dantri/T.C/DTrends
Sự sụp đổ của 'con đường tơ lụa trên Internet'
Silk Road được mệnh danh là thiên đường cho các giao dịch trái phép cho đến khi người sáng lập bị bắt vào năm 2013.