Câu chuyện của gia đình chị Tống Thị Thu Hà và chồng là anh Trần Khắc Đạt (Đoan Hùng, Phú Thọ) đã khiến nhiều người xúc động.

Bế trên tay bé gái gần 2 tuổi, chị Hà kể, vợ chồng chị kết hôn vào năm 2016 khi cả 2 đều đã qua 1 lần đò, chị Hà cũng có một con gái riêng. 

Chồng chị có 23 năm vô sinh hiếm muộn do bị quai bị biến chứng, teo tinh hoàn, bác sĩ kết luận tình trạng của anh là vô tinh - không có tinh trùng trong tinh dịch. Trước khi đến với chị Hà, anh cũng chia sẻ thẳng thắn anh không còn khả năng làm cha. Vì vậy, anh cũng rất tự ti và sống khép kín.

Chị Hà chấp nhận bỏ qua lời đàm tiếu từ dư luận: “Lấy ai không lấy lại lấy anh vô sinh” để đến với người đàn ông này bằng một đám cưới vào năm 2016.

Vợ chồng anh Đạt, chị Hà và con gái

Cuối năm 2017, con gái riêng của chị (14 tuổi) qua đời do bị u não. “Mọi thứ quá bất ngờ, tôi sụp đổ hoàn toàn”, chị nhớ lại. Sau khi con gái mất, chị có làm theo di nguyện của con là mở 1 cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Vừa dạy học ở trường vừa bán hàng, chị lao vào công việc để quên đi nỗi đau mất con. 1 lần bị tai nạn, khi nằm ở bệnh viện, chị vô tình xem được video của Bệnh viện Nam học và hiếm muộn chia sẻ về việc chữa trị cho trường hợp người đàn ông ở Bắc Giang mắc căn bệnh như chồng chị. Chị Hà bắt đầu tìm hiểu thông tin trên mạng. 

Sau đó, 2 vợ chồng chị đến viện vào năm 2019 với hy vọng tìm một đứa trẻ. “Chúng tôi có rất nhiều lo lắng, ngại ngần. Xuống xe từ 5h sáng nhưng mãi đến 6h30, 2 vợ chồng mới dám bước chân vào bệnh viện”, chị nói.

Anh Đạt được can thiệp phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro Tese để làm thụ tinh ống nghiệm với trứng của vợ.

Mới 7 ngày đặt phôi, anh đã vội vã mua que thử thai cho vợ. Thấy lên 2 vạch mờ, 2 vợ chồng như vỡ òa vì hạnh phúc. Ở tuổi 40, quá trình mang thai của chị Hà không hề dễ dàng. Anh chị đặt 2 phôi nhưng rồi 1 phôi bị hỏng càng khiến chị lo lắng. Nhiều vất vả, sự cố nhưng chị may mắn sinh thường với một bé gái khỏe mạnh. 

“Khoảnh khắc anh ấy đón con rất đặc biệt. 1 tay bế con, 1 tay xiết chặt bàn tay vợ, hạnh phúc không thể nói nên lời. Bởi tôi biết, trước khi chúng tôi kết hôn, anh từng 2 lần đi khám và đã có lần xé bộ hồ sơ ngay khi bước ra ngoài cổng bệnh viện vì thất vọng với bản thân mình khi không còn cơ hội làm bố”, chị nói.

Chị Hà cũng nói thêm, trước đó, anh chị cũng từng có ý nghĩ nếu không thể lấy tinh trùng của anh, chị sẽ xin tinh trùng để làm thụ tinh nhân tạo. Nhưng không ngờ khi đi khám, bác sĩ kết luận, anh vẫn còn hy vọng. Bé gái hiện tại được 23 tháng tuổi, anh chị lại tiếp tục chuẩn bị để làm thụ tinh nhân tạo chào đón con tiếp theo. 

“Tôi có thể là một cô giáo nghèo khi về hưu nhưng tôi sẽ là người phụ nữ có đầy đủ con cái sum vầy”, chị nói đầy hy vọng.

Anh Đạt, chị Hà là một trong số nhiều vợ chồng may mắn tìm được con sau hành trình đằng đẵng. Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Bích và anh Nguyễn Quốc Hưng (Lai Châu) cũng phải mất 13 năm ròng tìm con. Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ và anh Hà Khánh Cương (Thái Nguyên) cũng rơi vào hoàn cảnh tưởng tự. Họ không may mắn khi 2 vợ chồng mang gen Thalassemia, khả năng cao sinh con tự nhiên sẽ mắc bệnh do di truyền từ bố mẹ. Do đó, anh chị đã được bác sĩ tư vấn thực hiện thụ tinh ống nghiệm, đồng thời áp dụng chẩn đoán di truyền tiền làm tổ trước chuyển phôi để có thể sinh bé khoẻ mạnh.

Thông qua câu chuyện của mình, họ mong các cặp đôi hiếm muộn đừng vội từ bỏ khát khao làm cha làm mẹ. Đã có rất nhiều trường hợp thành công trong hình trình tìm con và câu chuyện của họ không chỉ là minh chứng cho những điều “kỳ diệu” của y học hỗ trợ sinh sản hiện đại mà còn là nguồn động lực cho những ai đang trong hoàn cảnh tương tự có thêm hy vọng.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tương đương một triệu đôi. Ước tính khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang có xu hướng gia tăng sau mỗi năm. Các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc có nguy cơ hiếm muộn nên đi khám sớm, đừng bỏ qua “giai đoạn vàng” để can thiệp, điều trị hiếm muộn.

Ngọc Trang