Tuổi trẻ lỗi lầm

Đến thăm mô hình trang trại của ông Nguyễn Tấn Đức (SN 1969, trú xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) không ai nghĩ rằng lão nông này đã đi lên từ 2 bàn tay trắng với quá khứ lỗi lầm.

Năm 1996, trong một lần bảo vệ đất đã được Nhà nước giao khoán cho gia đình mình, ông Đức xảy ra xô xát với nhóm 5 người không may khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Với tội danh “Giết người”, ông Đức bị kết án tù chung thân.

“Làm sai ắt phải đền tội. Thời điểm đó, mọi thứ dường như sụp đổ, gia đình mang tai tiếng khiến cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất lúc đó là 4 đứa con còn quá nhỏ, mọi gánh nặng đều đè lên vai vợ tôi.

Những năm tháng ở trại tôi có thời gian để nhìn nhận lại bản thân, có những lúc tôi mơ hồ đấu tranh với chính mình: buông xuôi hay vượt lên để làm lại từ đầu”, ông tâm sự.

Ông Đức nhớ lại những năm tháng đi lên từ 2 bàn tay trắng với quá khứ lỗi lầm.

Trong mớ suy nghĩ “rối như tơ vò” ấy, ông được các cán bộ quản giáo quan tâm, động viên tinh thần nên nhanh chóng nhận thức, tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Nhờ biểu hiện tốt, ông Nguyễn Tấn Đức được giảm án từ án chung thân xuống 20 năm rồi được xét đặc xá. Năm 2010, ông ra tù sau hơn 14 năm chấp hành án phạt.

“Tôi vô cùng hối hận vì đã đánh mất một khoảng thời gian tuổi trẻ của mình chỉ vì phút nóng giận nhất thời. Khi trở về địa phương, bước khởi đầu bao giờ cũng có những khó khăn nhưng tôi tin rằng với quyết tâm sửa sai, làm lại cuộc đời, bản thân sẽ được xã hội đón nhận”, ông Đức bày tỏ.

Đứng dậy sau vấp ngã

Sau khi ra tù, ông Đức mạnh dạn nhận thầu đất trống, đồi trọc của xã để tiếp tục trồng rừng, phát triển kinh tế theo hướng trang trại vườn - ao - chuồng (VAC).

Không phụ công người chăm sóc, những cây cam, cây ổi chóng đơm hoa, kết trái; đàn bò không ngừng sinh sôi nảy nở trên đất đồi. Lấy ngắn nuôi dài, ông tiếp tục mở rộng diện tích, tăng quy mô đàn vật nuôi theo từng năm.

Sau bao cố gắng, vườn cây ăn quả đã đơm hoa, kết trái, cho thu nhập ổn định.
Trung bình mỗi năm trừ đi chi phí, gia đình ông có thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.

Với hàng chục ha rừng trồng, các loại cây ăn quả cùng đàn bò trên 30 con, trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.

Năm 2020, ông Nguyễn Tấn Đức được công nhận là gương nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Được công an huyện Tân Kỳ công nhận là gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Đức (bên phải) chia sẻ kiến thức chăm sóc cây trồng cho người dân trên địa bàn.

“Những ai có nhu cầu học hỏi mô hình, tư vấn cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng, tôi đều nhiệt tình giúp đỡ. Đó là cách giúp tôi trả nợ cuộc đời”, lão nông tâm sự.

Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ) Trần Khắc Hải cho biết, sau khi ông Nguyễn Tấn Đức ra trại, chính quyền địa phương thường xuyên đến động viên, giúp đỡ ông trong quá trình hòa nhập. Ông Đức luôn đi đầu trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân địa phương, là tấm gương về nghị lực vươn lên, làm lại cuộc đời, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Hoà Bình