Chiều 15/8, BV đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận hợp bệnh nhân L.M.H. (43 tuổi, ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn bị sét đánh. Do không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Cách đó 2 ngày, tại Hà Giang, sét đánh tử vong bé gái 6 tuổi, người dân tộc ở huyện Lao Và Chải, huyện Yên Minh khi cháu bé đứng trước cửa nhà.
Tia sét có điện thế 1 tỉ von và có thể đốt không khí nóng gấp 5 lần mặt trời, do đó, nếu bị sét đánh trực diện, nạn nhân rất khó qua khỏi. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có trên 2.000 người chết do sết đánh, hàng trăm người may mắn sống sót nhưng phải chịu di chứng nặng nề như mất trí nhớ, bỏng nặng, mất khả năng lao động... Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100 ngày giông, 250 giờ giông và khoảng 2 triệu cú sét đánh, tuy nhiên có tới 80% người dân thiếu hiểu biết về dông sét.
Vì vậy, mỗi người dân cần có kiến thức phòng tránh sét đánh khi mưa giông xảy ra. Theo đó, khi sắp mưa giông, người dân cần vào nhà trú mưa, dập cầu dao, rút các thiết bị điện ra khỏi ổ điện, đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước và không nên dùng điện thoại.
Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với điện lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1 mét.
Khi ở ngoài trời gặp cơn giông, trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt... Ðồng thời phải tìm chỗ khô ráo.
Nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay bịt tai. Lưu ý, khi thấy sét, phải để cơ thể tiếp xúc với mặt đất ít nhất có thể bằng cách nhón chân, không được nằm xuống đất. Ðứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao hồ, mương.
Bác sĩ cho biết, khi gặp trường hợp bị sét đánh, nếu nạn nhân vẫn tỉnh thì chỉ cần ủ ấm, cho uống ít rượu (khoảng 20ml) và nước trà đường nóng; sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đối với nạn nhân hôn mê, người cấp cứu cần kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân. Nếu bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngay lập tức tiến hành hồi sức tim phổi bằng cách:
- Đặt nạn nhân nằm ngửa rồi tiến hành hồi sức hô hấp miệng - miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân lại, hít một hơi thật sâu sau đó ngập kín miệng của nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở ra bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.
- Ép tim ngoài lồng ngực; Xác định 1/3 dưới xương ức, đặt 2 tay lên vị trí vừa xác định và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/phút.
- Luân phiên thổi ngạt - ép tim như vậy với tỉ lệ 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ và có các trang thiết bị thiết yếu.
- Phải cố định cột sống cổ, lưng cho bệnh nhân trong trường hợp nghi ngờ (có vết thương trên đầu hoặc vùng cổ sưng nề có máu tụ).
Sau khi cấp cứu, sơ cứu nạn nhân cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Minh Anh
Nam bác sĩ bị sét đánh kể lại điều nhìn thấy khi cận kề cái chết
Trong khi không ai có thể biết điều gì xảy ra khi chúng ta chết, một số người đã trải qua thời điểm cận kề cái chết, sống sót và kể lại câu chuyện của mình.