Cách đây 10 năm, ông T., 82 tuổi, là một trong những người đầu tiên được thay van động mạch chủ qua đường ống thông (gọi tắt là TAVI) tại Viện Tim mạch Việt Nam, vào tháng 3/2014. Thời điểm đó, bệnh nhân 73 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy tim nặng, viêm phổi nặng, phải đặt nội khí quản.
Bác sĩ khi ấy chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh hẹp van động mạch chủ nặng trên nền bệnh lý van động mạch chủ có hai lá van bị thoái hóa. Bình thường, van động mạch chủ có 3 lá van đóng mở đảm bảo dòng máu đi theo một chiều nhịp nhàng. Van bị hẹp hoặc hở ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn, chức năng tim và dẫn đến suy tim nhanh chóng.
Sau thủ thuật, ông T. tái khám đều đặn, sức khỏe ổn định. Gần đây, người đàn ông này bắt đầu có triệu chứng trở lại, nhập viện vì suy tim nặng. Siêu âm cho thấy van sinh học đã thoái hóa, hở nhiều, buồng tim giãn. Thông thường van nhân tạo có lá van sinh học làm từ màng tim bò hoặc lợn được xử lý kỹ lưỡng thì tuổi thọ trung bình khoảng 10 năm.
Sau khi hội chẩn 6 khoa, các bác sĩ quyết định thay van cho bệnh nhân bởi tình trạng sức khỏe của ông không cho phép mổ tim mở. Thay lại van qua đường ống thông van - trong - van (TAVI V-i-V) là chỉ định tối ưu.
Sáng 18/10, bệnh nhân được can thiệp thay van trong van qua đường ống thông và sử dụng loại van nở trên bóng đặt trong van tự nở lần trước (đây là 2 loại van cơ chế khác nhau trong TAVI). Ông T. trở thành ca TAVI-in-TAVI lần đầu tiên ở Việt Nam. Thủ thuật hoàn thành trong khoảng thời gian 30 phút tính từ lúc chọc mạch đùi. Bệnh nhân chỉ cần gây ngủ và tỉnh ngay sau thủ thuật.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết đây là trung tâm đầu tiên trên cả nước thực hiện một cách độc lập kỹ thuật TAVI với van trên bóng. Kỹ thuật thành công mở nhiều cơ hội cho bệnh nhân Việt Nam. Đáng nói, cách đây vài năm, bác sĩ tim mạch can thiệp không bao giờ ngờ tới có thể thực hiện được kỹ thuật này.
Theo các bác sĩ, bệnh lý thoái hóa van động mạch chủ ngày càng gặp nhiều khi tuổi thọ và các yếu tố nguy cơ tim mạch tích lũy càng nhiều. Ở các nước phát triển, ước tính khoảng 1-3% người trên 75 tuổi có bệnh van động mạch chủ.
Việc điều trị với các bệnh lý van tim nặng trước đây phải phẫu thuật tim mở để thay và sửa van. Nếu bênh nhân nặng và tuổi cao, nguy cơ cuộc mổ rất cao và nhiều trường hợp là không thể phẫu thuật được. Ngày nay phương pháp thay van động mạch chủ qua đường ống thông giúp bệnh nhân không phải trải qua phẫu thuật tim mở, không phải gây mê, phục hồi nhanh.
Bảo Anh