Giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp ra đời từ năm 1986 và đã tổ chức thường niên tại 50 quốc gia trên thế giới.

Năm nay tại Việt Nam, sau 9 tháng bình chọn với 6 tiêu chí đánh giá được đưa ra gồm tinh thần doanh nhân, khả năng tài chính, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, tính chính trực, ảnh hưởng cộng đồng và toàn cầu, ngày 8/10/2014, Ernst & Young đã vinh danh doanh nhân Nguyễn Trọng Khang , Chủ tịch HĐQT Tập đoàn MK cùng 4 gương mặt tiêu biểu khác.

Trong đó, yếu tố quan trọng nhất được giải thưởng đề cao là ý chí vươn lên từ hoàn cảnh tột cùng khó khăn.

Khởi nghiệp giữa bối cảnh thị trường bất lợi

Từng học tập và làm việc tại các quốc gia tiên tiến như Liên Xô cũ, Anh, Mỹ…, doanh nhân Nguyễn Trọng Khang là người có nhiều cơ hội được tiếp xúc với công nghệ thẻ ứng dụng trong quản lý thông tin sinh viên, thư viện, vé xe buýt…

Ngay tại thời điểm cuối những năm 90, ý tưởng về việc thành lập một công ty trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và ứng dụng các tiện ích thẻ tại Việt Nam đã được vị doanh nhân này nhen nhóm.

Năm 1999, mang theo niềm đam mê công nghệ thẻ về Việt Nam, với quyết tâm phải đón đầu thị trường, doanh nhân Nguyễn Trọng Khang đã cho ra đời công ty MK chuyên phân phối, nghiên cứu giải pháp triển khai ứng dụng về thẻ.

Tuy nhiên tại thời điểm bấy giờ, việc ứng dụng thẻ công nghệ cao chưa phổ biến, khách hàng trong nước chưa thấy được những mặt tích cực nên còn “rụt rè” khiến MK tiếp cận thị trường khó khăn.

Không lùi bước, doanh nhân Nguyễn Trọng Khang đã thực hiện nhiều hướng đi chiến lược cho MK. Cuối năm 2002, MK bắt tay liên doanh với nhà đầu tư Sinclair Tek đến từ Mỹ để xây dựng Công ty liên doanh thông minh MK (MK JVC).

Năm 2003, nhà máy sản xuất thẻ chip, thẻ SIM, thẻ cào, thẻ từ, thẻ cảm ứng... đã đi vào hoạt động, do công ty thành viên của MK Group là MK Smart điều hành.

“Mưa dầm thấm lâu”, sản phẩm của MK bắt đầu được đón nhận. Khi nhu cầu thị trường trong nước lớn hơn, MK đẩy mạnh R&D, cử kỹ sư, chuyên gia tới quốc gia có công nghệ thẻ phát triển như Nga, Nam Phi, Thụy Điển... để nghiên cứu và học tập.

Từ năm 2007, với số vốn đầu tư hơn 2 triệu USD, MK đã xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy tại KCN Quang Minh (Hà Nội) với khả năng sản xuất 30 triệu thẻ/năm, cá thể hóa 5.000 thẻ/giờ.

Những năm gần đây, cùng với sự tác động khó khăn của nền kinh tế , thị trường thẻ liên tục phải đối mặt với thách thức đến từ lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, tài chính… Ngoài ra, đó còn là sự cạnh trạnh khốc liệt về giá từ các nhà sản xuất nhỏ trong nước cũng như thẻ nhập khẩu chất lượng khó kiểm soát.

Dù vậy, trong khó khăn thách thức, MK Group của doanh nhân Nguyễn Trọng Khang vẫn liên tục  đẩy mạnh cạnh tranh, nâng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thu hút khách hàng trong nước, quốc tế và vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan theo từng năm…

Ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thị trường thẻ thế giới

Sau 15 năm, MK ngày nay đã nằm trong Top 10 nhà sản xuất SIM điện thoại lớn nhất toàn cầu, là một trong 10 nhà sản xuất thẻ tài chính có độ bảo mật cao trên thế giới.

Với vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, MK Smart đã trở thành nhà sản xuất thẻ lớn nhất Việt Nam, là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có nhà máy đủ năng lực sản xuất thẻ thông minh theo tiêu chuẩn EMV, có khả năng sản xuất hơn 100 triệu thẻ/năm và cá thể hóa tới 70.000 thẻ/giờ để đáp ứng cho những đơn hàng trong nước và đi quốc tế.

MK chiếm thị phần áp đảo với hơn 80% thị trường thẻ ngân hàng với những đối tác như Agribank, BIDV, Vietinbank…; sản phẩm SIM, thẻ ngân hàng, thẻ thông minh không tiếp xúc… nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ các đối tác Nhật Bản, Myanmar, Lào, Cambodia, Nepal, Mozambique hay Haiti, Peru…

Vượt lên trên những giá trị về kinh tế, những chiếc thẻ thông minh của MK cũng đang hàng ngày hàng giờ góp phần thúc đẩy thói quen tiêu dùng không dùng tiền mặt của người Việt, góp phần làm minh bạch và lành mạnh hóa xã hội…

Lý giải cho sự phát triển, doanh nhân Nguyễn Trọng Khang nhận định đó là kết quả của quá trình MK kiên trì đi theo chiến lược kết hợp 3 nhóm thế mạnh: giá cả thấp - chất lượng cao, các dịch vụ và giải pháp khác biệt hóa và khả năng tập trung nguồn lực vào một mảng thị trường đặc thù.

Trong lĩnh vực công nghệ, trở thành người đi trước và làm chủ công nghệ chính là bước quan trọng hàng đầu để thành công. Và MK đã tận dụng được lợi thế đó.

Những ai biết đến MK đều hiểu rằng, đứng sau thành công của MK chính là bản lĩnh “thép” của doanh nhân Nguyễn Trọng Khang - người tiên phong mở đường khi thị trường thẻ còn non trẻ, và theo như đánh giá của giải thưởng Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2014 đó là “dũng cảm đương đầu với rủi ro, tiên phong đón đầu những xu thế mới, sẵn sàng vượt qua những biến động của thị trường, xây dựng và phát triển doanh nghiệp tăng trưởng, bền vững, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp những giá trị lâu dài cho cộng đồng và xã hội”.

Chính sách hỗ trợ chưa kịp thời, doanh nghiệp nội còn thiệt thòi ngay trên sân nhà

15 năm gắn bó, hiểu thị trường thẻ tại Việt Nam từ “chân tơ kẽ tóc”, trao đổi sau khi được Giải thưởng Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp vinh danh, doanh nhân Nguyễn Trọng Khang trải lòng: Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ cao hiện nay tại Việt Nam còn chưa nhiều và chưa hợp lý.

Sản phẩm do MK Smart cung cấp đã được công nhận là công nghệ cao nhưng công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn ngay trên sân nhà Việt Nam, chưa nhận được các chính sách hỗ trợ kịp thời của nhà nước.

Ví dụ, sản phẩm của các công ty nước ngoài thường được sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan và họ được các quốc gia này cho hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu nguyên vật liệu. Đồng thời, hiện nay các loại thẻ chip không phải chịu thuế nhập khẩu khi vào Việt Nam.

Trong khi đó, công ty trong nước như MK Smart lại phải chịu thuế cho các vật liệu sản xuất thẻ (như PVC) từ 5%, 10% và thậm chí là 20% tùy theo nguồn nhập khẩu. Thực tế đã dẫn đến giá sản phẩm sản xuất trong nước bị đội lên từ 5% đến 10%, gây bất lợi cho bài toán cạnh tranh.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, MK Smart được thành lập vào năm 2003 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Do công ty đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nên đã được hưởng các ưu đãi về thuế của nhà nước. Trong thực tế, đến năm 2010 công ty mới chính thức sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn công nghệ cao và được cấp danh hiệu công ty công nghệ cao vào năm 2013.

Theo quy định của cơ quan thuế, MK được hưởng các ưu đãi của Vĩnh Phúc như sau: Thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% lợi nhuận thu được áp dụng trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu sản xuất kinh doanh từ năm 2003 đến 2017, sau đó là 25%; doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi (từ năm 2004 - 2007) và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo (từ năm 2008 - 2011).

Thế nhưng, sau khi nhận danh hiệu Công nghệ cao từ tháng 10/2013 đến nay, MK vẫn chưa được hưởng bất kỳ ưu đãi nào về thuế.

Bài học về các doanh nghiệp nội trong nhiều lĩnh vực phải chịu thiệt thòi, dần “ốm yếu” và thua doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà do chưa nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp vẫn còn đó. Trước sức ép lớn trong vấn đề duy trì, phát triển chất lượng sản phẩm, dịch vụ trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, sự cạnh tranh khốc liệt đến từ những doanh nghiệp nước ngoài, vị thuyền trưởng của MK Group lo ngại nếu các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ cao còn chưa hợp lý, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế như hiện nay, thì khó khăn đối với MK sẽ ngày càng chồng chất...