Quang Huỳnh, một người môi giới thế chấp làm việc ở Sydney (Australia), đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc với người giàu. Trên tài khoản TikTok nổi tiếng của mình, anh từng tiết lộ về cách người giàu dạy con về tiền bạc.
Người đàn ông 40 tuổi đã so sánh sự khác biệt về tâm lý giữa 2 đứa trẻ - một đứa có cha là thế hệ thứ 3, thứ 4 trong một gia đình nhập cư, giàu có trong khi đứa kia lớn lên ở một gia đình có thu nhập thấp hơn.
Dưới đây là những lời khuyên gây tranh cãi của anh trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thành công về mặt tài chính.
1. Làm việc từ nhỏ để hiểu về hành vi con người
Anh Huỳnh cho biết, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ giàu có thường làm, là cho con học về 'rén xìng' từ khi còn nhỏ.
“Rén xìng” là một thuật ngữ trong tiếng Trung được dịch đơn giản là “bản chất con người”, song anh Huỳnh giải thích thuật ngữ này phức tạp hơn nhiều. Anh cho rằng, thuật ngữ "rén xìng" liên quan đến hiểu biết về “sự tồn tại của con người”.
“Cha mẹ giàu có sẽ yêu cầu con cái làm việc từ khi con còn nhỏ, không phải vì họ muốn bóc lột sức lao động trẻ em, mà họ muốn dạy con về 'rén xìng'... để hiểu bản chất không hoàn hảo trong sự tồn tại của con người”.
Anh Huỳnh lấy ví dụ về một khách hàng từng sở hữu “tất cả các cửa hàng Kodak” ở phía nam Sydney. Người cha thường bắt các con làm việc ở quầy phục vụ khách hàng và xử lý các giao dịch đơn giản, đồng thời học về “rén xìng” từ 7 tuổi. Mục tiêu là để những đứa trẻ nhìn thấy bản chất của khách hàng.
“Đứa trẻ sẽ thấy một số khách hàng dễ tính như thế nào, một số khách hàng khác keo kiệt ra sao, và cả cách một số khách hàng nói dối để được trả lại hàng. Quan trọng hơn, là cách nhân viên bán hàng ‘thao túng’ để khách mua hàng. Từ đó cho đứa trẻ thấy, cảm xúc có thể dẫn người ta đến những quyết định gì”.
Ngược lại, một đứa trẻ nhà nghèo sẽ học về “rén xìng” qua sách vở. Đứa trẻ sẽ ngồi một mình trong phòng, đọc tài liệu, và không bao giờ học được về “rén xìng”.
2. Khuyến khích trẻ tiêu tiền
Cha mẹ giàu sẽ khuyến khích con cái tiêu tiền, trong khi những gia đình nghèo hơn thúc giục các con tiết kiệm tiền. Một thí nghiệm đã được tiến hành với 2 đứa trẻ - một đứa con nhà giàu và một đứa đến từ gia đình có thu nhập thấp hơn.
Cả hai đứa trẻ đều được cho 10 USD, được yêu cầu tìm một cửa hàng đồ chơi trong trung tâm mua sắm và tiêu toàn bộ số tiền. Kết quả là, đứa trẻ nhà nghèo chỉ tiêu 8 USD vì không muốn lãng phí và chỉ chi tiêu trong hạn mức được phân bổ.
Trong khi, đứa còn lại nhìn thấy món đồ chơi 100 USD thì khóc lóc và giận dữ cho đến khi có người mua cho. Anh Huỳnh cho biết, đứa trẻ nhà giàu có thể bị đánh giá “hư hỏng” nhưng kỳ thực, thằng bé đã đấu tranh vì điều mình mong muốn.
Đứa trẻ nghèo hơn, do được nuôi dạy về sự tuân thủ và tôn trọng nên sẽ hành động trong “giới hạn của các quy tắc”.
“Được sự hướng dẫn đúng đắn của người cha giàu có và được học về “rén xìng” từ khi còn nhỏ, đứa trẻ đã kiên quyết khóc ở cửa hàng và không quan tâm mọi người nghĩ gì”, anh Huỳnh nói.
“Đứa bé ấy sẽ là người chiến thắng trong kinh doanh, trong các mối quan hệ và bất cứ điều gì mà nó muốn. Trong khi đứa kia bị mắc kẹt trong giới hạn học tập để đạt điểm cao và sẽ không đạt được đỉnh cao trong việc có được điều mình muốn.
Chúng hành động trong giới hạn của 10 USD như được bảo và về cơ bản sẽ khó thành công trong cuộc sống”.
3. Trẻ con không cần sự cho phép
Các bậc cha mẹ giàu có thường dạy con họ không cần quan tâm đến những gì mọi người nghĩ hay nói về mình. Họ hiểu rằng giáo dục đến từ trường học chiếm 50%, còn 50% kia là học từ thực tế.
Trong khi, trẻ nhà nghèo tập trung 100% vào sách vở, được dạy phải xin phép trước khi thực hiện bất kỳ việc gì. “Nhà nghèo, 100% tập trung vào sách vở, thứ mà về cơ bản khiến họ bị mắc kẹt trong hệ thống giáo dục”, anh Huỳnh nói.
4. Các quy tắc có thể bị phá vỡ
Anh Huỳnh cho biết, cha mẹ giàu có thường dạy con rằng quy tắc có thể bị phá vỡ.
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình nghèo được dạy phải tuân thủ các quy tắc. Còn đứa trẻ nhà giàu biết “tất cả các bí mật về tiền bạc” và cuối cùng chúng sẽ là người đặt ra những quy tắc mà đứa trẻ khác phải tuân theo.
“Đứa trẻ nhà nghèo có thể có chỉ số IQ trên 300, vì chúng đã học cả đời theo hệ thống giáo dục dựa trên quy tắc và sự cho phép.
Trong khi đứa trẻ có 50% trí thông minh thực tế cuộc sống và 50% trí thông minh từ trường học có thể chỉ có chỉ số IQ trung bình, học lực trung bình, đổi lại chúng biết về ‘rén xìng’. Và sau này, chúng sẽ trở thành những doanh nhân, chủ doanh nghiệp, và đứa con hiếu học của bạn phải làm theo quy tắc do chúng đặt ra”.
5. Yêu tiền
Quy tắc cuối cùng, anh Huỳnh cho biết cha mẹ giàu có dạy con cái là phải biết yêu quý tiền bạc.
“Khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng sẽ nói chuyện với một nhà môi giới thế chấp như tôi, để đầu tư vào nhiều thứ hơn, để trở nên giàu có hơn”.
Ngược lại, những đứa trẻ nhà nghèo hay được dạy rằng tiền là “xấu xa”. “Không, không, đừng động đến tiền, hãy đọc sách đi. Họ hay bảo con cái như vậy” – anh Huỳnh chia sẻ.
“Cha mẹ nghèo hay hỏi ‘tại sao con phải vay thế chấp, tại sao con lại mắc nợ, con không nên làm điều đó... Điều đó rất rủi ro. Đừng mắc nợ, hãy ngồi đó và kiếm 100.000 USD đi rồi hẵng nghỉ hưu’".
Bài chia sẻ của anh Quang Huỳnh đã nhận được hơn 114.000 lượt xem và hơn 210 bình luận, trong đó nhiều người đồng tình với lời khuyên của nhà môi giới.