Hirotada Ototake - người đàn ông khuyết tật nổi tiếng ở Nhật Bản. |
Sinh năm 1976, Hirotada Ototake thường được mọi người gọi là Otto. Mắc một chứng bệnh về di truyền hiếm gặp có tên là Tetra-Amelia, Otto không có tay chân từ lúc sinh ra.
Anh lớn lên trong một gia đình bình thường nhưng bố mẹ anh có một niềm tin đặc biệt về cậu con trai. Họ muốn Otto có một cuộc sống bình thường như những người lành lặn khác. Điều đó đồng nghĩa với việc họ không tìm kiếm những phương pháp điều trị đặc biệt cho Otto. Họ cũng không muốn cho anh theo học những ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật. Otto được học ở một trường tiểu học bình thường như bao đứa trẻ khác.
Có được sự khuyến khích của cha mẹ, Otto trở thành một cậu bé thông minh, không bao giờ tỏ ra nhút nhát hay thiếu tự tin về những khiếm khuyết của mình.
Không đầu hàng số phận, Otto luôn buộc mình phải làm được những việc mà người bình thường có thể làm được như chơi bóng rổ, bóng đá, tham gia cuộc thi chạy 50m, leo núi cùng bạn bè.
Những khiếm khuyết về cơ thể cũng chưa bao giờ trở thành rào cản của anh trong việc học tập. Otto đã học tập rất vất vả để trúng tuyển ĐH Wasada – một trong những trường đại học danh giá nhất Nhật Bản - ngay cả khi cách cầm bút viết của anh là áp cây bút vào giữa má và khuỷu tay trái. Anh thừa nhận, lịch trình bận rộn khiến anh có ít thời gian học tập cho những bài thi cuối kỳ.
Hirotada Ototake trở thành nhà báo, diễn giả, thầy giáo và suýt trở thành chính trị gia. |
Năm 1998, Otto viết cuốn hồi ký ‘Không ai hoàn hảo’ kể về cuộc đời mình từ khi còn là một cậu bé cho tới khi trưởng thành – một hành trình không thể tưởng tượng được.
Trong đó, Otto nói rằng anh coi khuyết tật cũng giống như việc có người béo, người gầy, người cao, người thấp. Tất nhiên, khuyết tật khiến cuộc sống của anh khó khăn hơn nhiều, nhưng thay vì tuyệt vọng, hãy làm mình luôn bận rộn.
Chỉ sau 1 năm xuất bản, cuốn hồi ký trở thành cuốn sách bán chạy thứ 3 ở Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ 2. Nó cũng được dịch sang 3 thứ tiếng.
Sau khi xuất bản sách, Otto trở thành một nhà báo thể thao thành công. Otto liên tục xuất hiện trên truyền hình, trở thành diễn giả nổi tiếng. Đến năm 2007, anh lại trở thành một thầy giáo tiểu học ở Trường Tiểu học Suginami Dai-Yon (Tokyo), sau đó là thành viên hội đồng giáo dục Tokyo. Năm 2013, anh là diễn viên chính trong một bộ phim kể về cuộc đời mình với tư cách một giáo viên.
Hirotada Ototake là người hùng của cộng đồng người khuyết tật Nhật Bản. |
Đến năm 2016, Đảng Dân chủ tự do của Nhật đã cân nhắc việc đưa Otto tham gia cuộc tranh cử vào Thượng viện. Những thành tích của anh cộng với những phát ngôn trước đó về việc ‘khuyết tật không giới hạn tiềm năng của bất cứ ai’ được đánh giá là hài hoà với mục tiêu của Thủ tướng Shinzo Abe lúc đó – thúc đẩy sự tham gia tích cực của mọi người dân với sự phát triển của cộng đồng.
Tuy nhiên, tháng 3 năm đó, tờ tạp chí Shukan Shincho đã cho xuất bản một thông tin khiến người hùng của nước Nhật điêu đứng và sụp đổ danh tiếng chỉ trong một thời gian ngắn.
Tờ này nói rằng Otto đã ngoại tình với 5 người phụ nữ kể từ khi vợ anh sinh con trai đầu lòng vào năm 2008.
Ngay lập tức, Otto đã lên tiếng thừa nhận thông tin đó là đúng sự thật và gửi lời xin lỗi tới người vợ mà anh cưới từ năm 2001.
‘Hành động của tôi là sự phản bội người vợ tận tuỵ của mình cũng như những người đang ủng hộ tôi. Đó là việc làm không thể tha thứ được’.
Trong một bài viết sau đó, tờ Shukan Shincho còn đăng tải chi tiết chuyến đi riêng tư kéo dài một tuần của Otto với ‘một người phụ nữ chưa đến 30 tuổi’ tới Paris và Tunis vào cuối năm 2015.
Một trong số 5 người phụ nữ mà Hirotada Ototake đã ngoại tình. |
Bị công kích bởi tờ tạp chí này, Otto tiếp tục thừa nhận người phụ nữ đó từng là tình nhân của anh và họ đã từng có quan hệ tình dục. Anh giải thích rằng mình tìm tới mối quan hệ đó khi hôn nhân gặp trục trặc.
‘Thật khó để lấy lại niềm tin nhưng tôi rất muốn nhân cơ hội này để tìm lại tâm hồn mình và giải quyết chuyện gia đình’ - Otto chia sẻ sau bê bối.
Ngay sau đó, có thể như một cách cứu nguy cho chồng, vợ Otto đã lên tiếng cho rằng cô ‘cũng có trách nhiệm’ trong việc ngoại tình của chồng và ‘cảm thấy thực sự tiếc’ về điều đó. Tuy vậy, họ quyết định ly hôn vào tháng 9/ 2016.
Khoảng 1 năm sau - tức khoảng tháng 8/2017, tưởng chừng mọi chuyện đã là quá khứ, chị lại nộp đơn kiện Otto vì đã có quan hệ với 5 cô nhân tình trong suốt cuộc hôn nhân mà họ đã có với nhau 3 đứa con và điều đó làm chị ‘tổn thương sâu sắc’.
Kết ngọt ngào của chàng trai mang 50 khay lễ hỏi cưới cô gái khuyết tật
Với cột sống gù vẹo, thân hình nhỏ bé, bác sĩ khuyên Mai không nên giữ đứa bé, vì thai nhi lớn, có thể gây chèn ép, nguy hiểm cho tính mạng. Nhưng cô chấp nhận rủi ro, đưa con đến cuộc đời.
Nguyễn Thảo (Theo Japan Times, The Sun)