Ngày 9/11, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đinh Thị Quỳnh (cựu Giám đốc Công ty CP phát triển nhân lực Jako- Công ty Jako) mức án 16 năm tù về về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bà Quỳnh vốn là Giám đốc Công ty Jako và Công ty TNHH phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế IDC. Theo cáo buộc, 2 công ty trên không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Nhưng do cần tiền để chi tiêu cá nhân, bà Quỳnh đưa ra thông tin và nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. CQĐT xác định, từ 5/2018- 3/20222, bà Quỳnh chiếm đoạt hơn 5,2 tỷ đồng của 28 cá nhân và tổ chức có nhu cầu đi du học và xuất khẩu lao động.

370220719-364156502625798-7014652328105994626-n-1.jpeg
Bị cáo tại tòa. Ảnh: TN

Bà Quỳnh đã ký hợp đồng và cam kết trong thời hạn 3-6 tháng sẽ đưa các bị hại đi du học và xuất khẩu lao động. Nhưng sau khi nhận tiền của các bị hại, bị cáo không làm thủ tục để họ được đi du học và xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan như đã hứa. Quá thời hạn cam kết, các bị hại không được xuất cảnh cũng không được trả lại tiền đã nộp. 

Kết quả điều tra cho thấy, trong các năm 2020, 2021 nhiều người bị hại đã đến Công ty Jako để hỏi thủ tục và chi phí để được đi du học tại Hàn Quốc.

Tại công ty, các bị hại được bà Quỳnh và nhân viên tư vấn về trường học, thủ tục và chi phí để được đi du học các trường Dongduk, ILBU, Kangnam tại Hàn Quốc. Tin tưởng bị cáo, các bị hại đã ký hợp đồng tư vấn du học với Công ty Jako và nộp tiền cho công ty này.

Để các bị hại tin tưởng chuyển tiền, bà Quỳnh nhờ người làm giả Invoice (thông báo nộp học phí của các trường Hàn Quốc) để chuyển cho các bị hại. Bị cáo còn yêu cầu các bị hại nộp tiền để mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Woori (ngân hàng của Hàn Quốc tại Việt Nam) và Ngân hàng Sacombank với lý do để chứng minh tài chính.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bà Quỳnh sử dụng chi tiêu cá nhân, không mở sổ tiết kiệm như đã hứa. Hết thời hạn cam kết, các bị hại không được xuất cảnh nên đã tìm gặp bị cáo để đòi lại tiền nhưng không được.

Trong nhóm các bị hại bị bà Quỳnh lừa đảo có chị Vũ Thanh H. và anh Vũ Hồng Q. (ở Thái Bình). Tài liệu điều tra thể hiện, khoảng tháng 8/2021, chị H. và em trai là anh Q. có nhu cầu đi du học Hàn Quốc. Chị H. đã gọi điện đến Công ty Jako để hỏi thủ tục.

Sau khi được bà Quỳnh tư vấn và cam kết đưa chị H. và em trai đi du học Hàn Quốc, chị H. đã ký hợp đồng, nộp 20 triệu đồng tiền đặt cọc.

Ngày 5/10/2021, theo yêu cầu của bà Quỳnh, chị H. nộp thêm 464 triệu đồng để mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng Wooribank nhằm chứng minh tài chính.

Để tiếp tục chiếm đoạt tiền của chị H., bị cáo làm giả Invoice gửi cho các bị hại, sau đó tiếp tục yêu cầu chị H. chuyển tiền đóng học cho hai chị em. Khi nhận tổng số tiền 714 triệu đồng của chị H., bị cáo không làm thủ tục gì để đưa chị em chị H. đi du học tại Hàn Quốc, cũng như không trả lại tiền.

Quá trình điều tra, các bị hại có đơn yêu cầu xử lý bị cáo theo quy định của pháp luật và yêu cầu bà Quỳnh trả lại số tiền đã chiếm đoạt. 

Nhiều người lao động có mặt tại tòa với bộ quần áo cũ kỹ, dáng vẻ lam lũ khổ sở cho biết, họ đã phải đi vay mượn khắp nơi, vay cả ngân hàng để gom được tiền chuyển cho bị cáo, mong có được cơ hội xuất khẩu lao động, thoát cảnh nghèo khó. Họ không ngờ mình bị lừa, giờ khó khăn lại càng chồng chất.

Một người phụ nữ đã không cầm được nước mắt, khổ sở nói lời yêu cầu bị hại trả lại cho mình số tiền đã chiếm đoạt. Một người đàn ông thì cho hay, gia đình anh đã lâm cảnh “tan cửa nát nhà” sau khi anh gom tiền đưa cho bị cáo để được xuất khẩu lao động rồi bị lừa sạch.