Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người Mông trên đỉnh Suối Giàng (xã Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái) lại mở Hội xuân kéo dài 5 ngày từ mồng 3 đến hết 7 tháng giêng.
Suối Giàng từ lâu đã được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn với cảnh sắc núi non hùng vĩ, nổi tiếng với đặc sản chè Suối Giàng, sở hữu hàng vạn cây chè cổ thụ hơn 100 tuổi trong đó có cây chè tổ hơn 300 năm tuổi. Đây là 1 trong số 6 cây chè thủy tổ của thế giới. Hội xuân Suối Giàng không chỉ có người Mông quanh vùng tham gia mà hàng ngàn du khách đến từ các tỉnh, thành trên cả nước đã đổ về dự hội.
Suốt những ngày diễn ra Hội xuân, bãi đất trống nắm bên trụ sở UBND xã Suối Giàng luôn rộn tiếng trẻ con, nam nữ thanh niên chơi các trò chơi truyền thống như bắn nỏ, đánh cù, ném pao, đẩy gậy, kéo co...
Năm nào Lễ hội xuân Suối Giàng cũng được tổ chức trên bãi đất trống gần trụ sở UBND xã Suối Giàng. |
Những chàng trai Mông say mê biểu diễn các điệu khèn trong ngày hội của dân tộc mình. |
Những thiếu nữ Mông e ấp tròn những điệu múa dân tộc.
Ném pao là trò chơi rất phổ biến của người Mông ở khắp mọi miền. Đây là trò chơi ném bắt quả pao được làm bằng vải thổ cẩm thường chơi trong các dịp lễ tết. |
Trò chơi ném pao phù hợp với tất cả mọi người, song phụ nữ thường đam mê với trò chơi này hơn cả.
Cuộc thi bắn nỏ thu hút nhiều người dân và du khách. Bắn nỏ cũng nhắc nhớ đến những cuộc đi săn thú của người H'Mông thời xưa. |
Đánh cù là trò chơi truyền thống của người Mông, trò chơi này xuất hiện trong tất cả các kỳ lễ tết. Đây cũng là trò chơi hầu hết chỉ có nam giới tham gia.
Đẩy gậy là trò chơi đối kháng thể hiện sức mạnh đàn ông mà hầu hết các dân tộc ở vùng núi phía bắc Việt Nam đều chơi trong các dịp lễ tết. |
Những ngày diễn ra Hội xuân hầu hết mọi người dân trong vùng đều có mặt cùng nhau múa hát, chung vui với những trò chơi truyền thống.
Nhiều thanh thiếu niên ở độ tuổi học sinh, sinh viên háo hức đến với Hội xuân lưu lại hình ảnh lễ hội đặc trưng của dân tộc mình. |
Ảnh: Thuý Tình